GHI NHANH VỀ TỪ TÌNH EPPHEN

GHI  NHANH  VỀ   TỪ TÌNH  EPPHEN

 

CHÂN PHƯƠNG

 

 

    Cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt vừa được nhà nước VN  trao tặng giải thưởng; đúng hơn là truy tặng vì hai nhà thơ còn sống sót qua bao cuộc bể dâu này chắc không bao giờ dám mơ tưởng đến “mùa gặt hái nơi đáy vực” (récolte de l’abime ,René Char) này .Rồi đây độc giả VN hi vọng sẽ được đọc toàn bộ sáng tác thơ của các thi sĩ trong phong trào NHÂN VĂN GIAI PHẨM. Bài viết ngắn sau đây giới thiệu một thi phẩm nhỏ của Lê Đạt, một ngoại lệ so với toàn bộ những trang viết của nhóm Nhân Văn vì TỪ TÌNH được tác giả viết vào mùa thu 1997 trong những ngày hạnh ngộ với đất trời nước Pháp. So với mùa récolte nói trên , coi như đây là vụ cueillette hiếm của cặp cánh xổ lồng…

 

    Từ Tình Epphen ra đời với chuyến Lê Đạt đi Pháp năm 1997 vào thời điểm đầy kịch tính khi tiết thu quá độ sang đông. Dưới hình thức song cú ngắn gọn tương tự thể thơ couplet phương Tây (mà tác giả từng gọi là HaiKâu trong thi tập Ngó Lời), tập thơ mỏng này mang nặng tính ký họa, dùng bút pháp chấm phá, kiệm lời nhưng đầy âm vang. Về hình thức mà nói Từ Tình Epphen có phần chịu ảnh hưởng phong thái minimalist khá phổ   biến trong thơ văn đương đại.

 

    Mở đầu lời tựa chính tác giả đã trích một câu thơ trong Từ Tình :

 

             Lòng sang trang thu hồi ký lá vàng

 

    Đoạn nhạc dạo này đưa người đọc đi thẳng vào không gian choáng ngợp âm sắc của cây lá và nắng thu. Hơn nửa tập (21 trên 39 bài) ba chữ thu, lá, nắng trở đi trở lại như một ám ảnh da diết, vừa nung nấu tiếc nhớ vừa thê thiết vô vọng. Tần số xuất hiện khá cao những cụm từ liên quan đến mùa thu như mùa phong ứ đỏ, lá rỏ hồng thu, lòng thu đợi lối vàng, nắng biệt mùa phong, đường platan nắng đọng, ủ nắng mãi platan, vai thu trắng lá, ly nắng ứ mùa già…thiết lập một bức tranh đậm đặc chất thu. Có thể nói Từ Tình là khúc biến tấu của thi nhân vừa ngợi ca vừa khóc tiễn mùa thu, mùa của biệt ly và kỷ niệm.

 

    Nhận xét về Lê Đạt, nhà phê bình Đặng Tiến có lần đã nói:”Con người anh sống thường xuyên giữa sự giằng co giữa cũ và mới, nửa tỉnh nửa quê”. Tập thơ nhỏ này đã bắc cầu giữa hai nền văn hóa Đông Tây, tấu lên bản hòa ca giữa đời sống hôm nay và những huyền thoại xa xưa. Vừa độc thoại nội tâm vừa đối thoại liên văn bản, nhà thơ đã trích dẫn khá nhiều để nhập đề cho các bài song cú, từ Lý Bạch, Nguyễn Du, Tản Đà đến Verlaine, Rimbaud, Mallarmé, Apollinaire…, chưa kể ca dao.

 

    Giữa các sân bay xa lộ tân thời, bên cạnh tháp Eiffel, cầu Mirabeau, khu ăn chơi Montmartre, nơi những cung điện Louvre, Versaille, Fontainebleau và các lâu đài song Loire, hoặc đi xa tận miền Provence, Côta d’Azur… đâu cũng thấp thoáng một bóng hình quen thuộc với độc giả Á đông. Cho dù đi thực tế tận trời Tây, Từ Thức vẫn là Từ Thức. Cuộc tình nào cũng thế, sau giấc Thiên Thai là đằng đẳng lưu đày, như chính Lê Đạt từng có câu:

             Chữ em thôi một đời chưa đi trọn hành trình!

            

 

    Kể từ 36 Bài Tình in chung với Dương Tường, phần lớn sáng tác thơ Lê Đạt là những bài tình buồn. Nhà thơ trong lời tựa Từ Tình đã tâm sự: Thơ chính là Từ Tình, cũng có nghĩa là Tự Tình tức là yêu đơn phương, yêu thất tình, yêu bóng. (CP nhấn mạnh)

 

    Mời các bạn lật lại thi phẩm. Ngay trang vào đề, Lê Đạt có nhắc đến bài Tống Biệt và trích dẫn câu rất quen thuộc:

 

             Lá vàng (sic) rơi rắc lối Thiên Thai

 

    Bây giờ chúng ta hãy lật đến trang sau cùng rồi dừng lại trước bài Sông Loire . Tại sao câu cuối cho cả tập thơ lại là

 

             Sông Loa lâu đài trăng hẹn cũ Liêu Trai ?

 

    Ở một nhà thơ bậc thày, tôi không nghĩ rằng đây là một kết thúc tình cờ. Có phải Lê Đạt một lần nữa, như lúc mới nhập đề vào tập, đã nhớ đến Tản Đà  của đoạn cuối bài Tống Biệt:

 

             Cửa động

                                đầu non

                                                   đường lối cũ

 

             Nghìn năm thơ thẩn

                                           bóng trăng chơi                 ?

 

 

 

 

PHỤ  ĐÍNH

 

Dưới đây là một số song cú trong  Từ Tình Epphen:

 

THU  CHỜ

Lòng thu đợi lối vàng không quét úa

Lá lách âm thầm nghe ngõ tim đau

 

CÔTE D’AZUR

Maxi váy chân trời thu đứng sóng

Biển đưa tầu đong biếc mắt âu xanh

 

SÂN BAY DE GAULLE

Sân bay Paris cửa về Hà nội

Cúi đầu tình chân ngỡ lối tha hương

 

VƯỜN LUXEMBOURG

Nắng học trò vườn vai thu trắng lá

Nỗi bây giờ tượng đá tuổi ngày xưa

 

KỶ  NIỆM

Kỷ niệm platan thu nghìn nỗi

Bản đồ bạc màu rừng mỗi lối quên

 

MÚI  GIỜ

Đồng hồ hẹn ga giờ hai múi khác

Còi nghẹn chờ tàu lỡ tóc bạc phơ

 

SÔNG  LOIRE

Tình lẩn quất mộng nửa chừng sóng vỗ

Sông Loa lâu đài trăng hẹn cũ Liêu trai

 

(CP tuyển chọn.)