ConDeCuaCuSiGhenh

Mai Ninh giới thiệu 

 

Một buổi trưa, sau khi ngồi với cốc cà-phê và chuyện trò dăm câu cùng một người bạn, tôi ghé vào hiệu sách nhìn qua những cái tựa. Nào ngờ lại gặp ‘‘Nắng và Hoa’’*. 

Thế là từ hôm đó, giữa Saigòn ngợp người ngợp xe đầy khói bụi hay nặng chùng mây báo cơn giông mùa hạ, tôi chỉ cần tìm ra một khoảnh thời gian để ngồi xuống đọc đôi trang trong cuốn sách ấy là được bay vào không gian tĩnh lặng mà lung linh sáng. Không phải thứ không gian gồm cảnh vật và không khí, mà đấy là cõi tâm của con người. Tự bao giờ, ‘‘những bài viết, những bài nói chuyện’’ của anh Cao Huy Thuần vẫn có tác động như thế với tôi.

Nội dung phong phú, dầy đặc tư tưởng thiền triết đạo đời nhưng thể hiện qua một giọng văn đẹp, tự nhiên và cảm xúc, nhiều khi thêm chất dí dỏm tinh nghịch đã tạo thành Nắng và Hoa. ‘‘Con Dê Của Cụ Sĩ Ghềnh’’* là một trong những sáng tác mà tôi quý thích và mong muốn giới thiệu. 

* tác giả Cao Huy Thuần, nhà xuất bản Văn Hoá, Saigòn, 2006.  

 

 

Con Dê Của Cụ Sĩ Ghềnh

 

Cao Huy Thuần

 

Học trò ngày nay chắc chẳng mấy ai biết cụ Sĩ Ghềnh. Cái tên gì mà lạ tai ! Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta. Cụ Sĩ Ghềnh, cô cậu còn không biết, nói gì đến chuyện con dê của cụ. Ôi, con dê trắng mượt mà, sổng chuồng vui chân trên núi, gặp chó sói, đánh nhau với nó suốt đêm, đến gần sáng mới chịu để cho nó ăn thịt. Học trò ngày xưa đọc chuyện này gần như thuộc lòng, vì ông nhà văn ở trên cái cối xay gíó kia kể chuyện hay quá. Chuyện hay đến nỗi không ai dám kể nốt chuyện cụ Sĩ Ghềnh nuôi dê. Vâng, cụ có nuôi thêm một con dê nữa sau khi con dê kia bị chó sói ăn thịt, nhưng con dê này vô danh vì, như vừa nói, chẳng có ai bạo gan viết cho nó một dòng. Giữa dê với nhau mà cũng phân biệt đối xử ... Ðã thế, cứ kể xem sao.

*

* *

Cụ Sĩ Ghềnh ngẩn ngơ mấy ngày sau khi mất dê. Sáng sớm hôm sau, khi thấy con Bạch Dương không về chuồng nữa, cụ trèo lên núi, lang thang tìm kiếm. Bất chợt cụ thấy một mảng lông trắng loang lổ máu phơ phất trên bụi gai. Cụ thở không ra hơi : "Bạch Dương ơi ... Bạch Dương ơi ..."

Thế mà tài tình thật, chỉ mươi ngày sau, chẳng biết từ đâu cụ kéo về nhà một con dê khác, cũng lông trắng mượt mà, cũng mắt nâu hiền hậu, cũng gót đen bóng loáng, cũng cặp sừng cong bề thế. Lại cũng ngoan ngoãn, dễ thương, thích vuốt ve, mơn trớn. Chao ôi, sao mày giống con Bạch Dương thế, tao đặt tên cho mày là Dê Tuyết nhé - cụ Sĩ Ghềnh lẩm nhẩm chuyện trò với con dê như vậy.

Khu vườn của cụ xanh um cỏ non. Vẫn với cái cọc ấy, với dây thừng ấy, cụ thả dê trong vườn sau khi cẩn thận kiểm soát từng ly từng tý cái nút dây thắt ở cổ xem đã thật chắc chưa, cái cọc đóng xuống đất có lung lay chút nào không. Con dê nghe mùi cỏ non, mũi phập phồng, nhảy thoắt một cái từ trong lòng tay cụ Sĩ Ghềnh khiến cụ suýt ngã. "Mẹ mày ! Tha hồ mà nhảy cỡn !"

Cụ Sĩ Ghềnh hớn hở như thấy con Bạch Dương trở về. Cụ nhìn cả ngày không chán con dê tơ ve vẫy đuôi gặm cỏ no nê. Cả ngày cụ cứ "mẹ mày" âu yếm với nó : "Mẹ mày, thiên đường đấy nhé ! Ðừng mơ tưởng đâu đâu, con ạ." Cụ Sĩ Ghềnh lầm rồi ! Cỏ lúc nào cũng xanh hơn ở bên kia hàng dậu, và thiên đường luôn luôn là cái chốn ấy, chẳng phải chốn này. Từ khi con dê với không tới những ngọn cỏ đong đưa trước mũi nó vì vướng sợi dây căng thẳng nơi cổ, cỏ chung quanh cái cọc chẳng còn mùi vị gì nữa. Mũi lại phập phồng, lưỡi liếm qua liếm lại không ngừng, nó cố bứt sợi dây, vươn dài cái mõm đàng trước, cố liếm sợi xanh xanh kia, nhưng chỉ liếm được ánh nắng. Cụ Sĩ Ghềnh thấy thế giơ hai tay lên trời, tuyệt vọng : "Dê Tuyết, mày lại muốn lên núi hay sao đấy ?"

Tội nghiệp con dê, chiến đấu mãi với sợi dây, cổ nó trầy da, rướm máu. Cụ Sĩ Ghềnh không biết làm gì hơn là dỗ dành như đã dỗ dành con dê trước :

- Dê Tuyết, tao nới rộng thêm sợi dây cho mày nhé !

Con dê lắc đầu, buồn bã. Cụ lại dỗ :

- Hay là tao nới rộng hàng rào để mày rộng chân hơn nhé !

Cụ Sĩ Ghềnh lẩm cẩm rồi. Nới rộng dây hay nới rộng hàng dậu thì có khác gì nhau ?

Con dê thở dài. Nó thở dài giống hệt cụ. Cụ lại thở dài giống hệt nó :

- Thế thì mày muốn gì ?

Con dê ngước mắt nâu nhìn cụ, năn nỉ :

- Cháu muốn cụ nhổ đi cái cọc cho cháu.

Cụ Sĩ Ghềnh thả bát sữa đang cầm trong tay xuống đất, sữa vung ra tung tóe :

- Mày muốn tao nhổ cọc ? Nhổ cọc thì làm sao mày ở với tao ? Có cái cọc thì mới có tao có mày, không cọc thì tao hết là tao, nghĩa là mày cũng hết là mày, chính danh định phận thế quái nào được ! Con dê khẩn khoản :

- Trời sinh cụ ra, sinh cháu ra, chứ đâu có sinh cái cọc ! Cái cọc là cụ sinh ra ! Con chim đâu có cần cái cọc, vậy mà nó cứ ở hoài trên nóc nhà cụ. Núi cao kia đâu có cái cọc, vậy mà mây nào cũng tụ về đó. Hễ cụ muốn được thì cụ mất. Ðừng sợ mất thì cụ được. Cụ Sĩ Ghềnh trố mắt nhìn con dê. Con này ăn nói hay nhỉ. Mày là dê hay mày là cụ đồ non đấy ? Hay là mày đang lừa tao để kiếm đường lên núi đây ? Có cái núi nằm sẵn trong đầu lũ dê chúng mày chăng ?

Cụ ngồi bịch xuống đất, ôm cổ con dê :

- Này, Dê Tuyết, tao dời hàng dậu ra đến tận chân núi nhé !

- Không, cụ ạ.

- Tao nới rộng dây thừng xuống tận cánh đồng dưới kia nhé !

- Không, cụ ạ.

- Tao nới rộng dây thừng đến tận chân trời nhé !

- Không, cụ ạ.

- Ðến tận vô tận nhé !

- Không, cụ ạ. Hễ có cái cọc thì không có vô tận. Không có cái cọc thì ngay trước mắt cũng là vô tận. Cụ nhổ cái cọc thì cháu nằm ngay đây cũng thênh thang như đang ở trong vô tận vô cùng.

Cụ Sĩ Ghềnh vỗ nhẹ mấy cái vào đầu con dê :

- Thế thì tao biết cái cọc của mày rồi. Không phải cái cọc đàng kia đâu ! Cái cọc trong đầu mày đấy ! Tao phải tìm cách đuổi cái cọc ấy ra khỏi đầu mày. Này nhé ...

Cụ đi vào nhà rồi trở ra với một phong thư trên tay.

- Này nhé, Dê Tuyết, mày là con dê suy nghĩ, cái đầu mày làm việc nhiều lắm đấy.

Vậy tao cho cái đầu mày làm việc thêm nữa nhé. Suy nghĩ thì mới biết đắn đo, con ạ. Thì mới biết mày sẽ làm gì ! Ðây là thư của một ông nhà văn vừa gởi cho tao từ cái cối xay gió của ông ấy. Ông ấy kể chuyện con Bạch Dương bị chó sói ăn thịt. Chó sói là kẻ thù của mày đấy, không phải cái cọc đâu. Cái cọc là bạn chí thân của mày, là kẻ che chở, bảo vệ mày. Rời khỏi cái cọc ấy à ? Ban đầu thì mê ly lắm, nhưng không có cái gì qua nhanh như hạnh phúc đâu, mày ơi. Tao đọc cho mày biết nó qua nhanh như thế nào để mày tha hồ tư tưởng, cây sậy nhé!

Cụ Sĩ Ghềnh mang kính vào, sửa gọng kính ngay ngắn trước mũi, đằng hắng mấy cái, đọc từng đoạn trong phong thư :

"Khi con dê trắng lên đến núi, tất cả cây cối đều mừng rơn. Chưa bao giờ mấy cây thông già thấy một con dê đẹp như vậy. Vạn vật đón con dê như đón một bà hoàng nhỏ. Cây dẻ cúi mình xuống tận đất để vuốt ve nó với mấy chiếc lá ở đầu cành. Mấy cánh hoa búp vàng nở ra trước mỗi bước chân của con dê và dồn hương thơm từ đáy nhụy để dâng hương cho nó. Cả trái núi mở hội mừng con dê ... Và cỏ nữa, chao ôi là cỏ! Cỏ ngập đến tận sừng ! Ngọt, bùi, thơm, sắc, trăm ngàn giống cây dại trộn lẫn nhau ! So sánh làm sao được với thứ cỏ trơn nhẵn chăm bón ngoài vườn ! Và hoa ! Hoa xanh cánh lớn, hoa tím cuống dài, cả một rừng hoa dại lên men ngây ngất ... Con dê trắng say hoa lá lăn trong lá hoa, bốn vó chổng lên trời, trượt dài xuống dốc, làm tung tóe lá khô và hạt dẻ rơi ... Rồi, thoắt một cái, nó xoay ngược trên bốn chân, phóng như bay, đầu đón gió, băng qua truông, qua lùm cây, tung lên mõm đá, nhào xuống suối khe, lúc trên cao, khi dưới thấp, chỗ nào cũng có nó ... Tưởng chừng cụ Sĩ Ghềnh có mười con dê trên núi ..."

Cụ liếm ngón tay, lật qua trang thư khác. Cụ đọc say sưa, vừa đọc vừa làm điệu bộ với con dê, như một kịch sĩ. Này, Dê Tuyết, mơ mộng thêm nữa nhé :

"Con dê nhảy phóc qua nhiều suối lớn làm bọt nước tung tóe như bụi. Ướt đẫm, nó ngã mình trên phiến đá nhẵn, phơi mình dưới mặt trời. Vào giữa trưa, đang lúc tung tăng như thế, con dê bỗng thấy mình lạc giữa một bầy sơn dương đang nhai nho dại dòn tan. Các chàng mất hồn đắm say ngắm cô bé lông trắng, rồi hào hoa dành nhau trao phần nho ngon nhất cho cô. Hình như một chàng sơn dương đen nhánh được may mắn lọt vào mắt nâu của nàng. Cặp tình nhân dẫn nhau lẻn vào rừng cả một hai giờ đồng hồ và nếu ai muốn biết chàng và nàng thầm thì gì với nhau thì cứ hỏi dòng suối lắm chuyện đang ẩn mình chảy róc rách dưới rêu kia ..." Dê Tuyết, mày ngủ đấy à ?

- Không, cháu chỉ lim dim ...

- Mày đúng là dê, mới nghe đến chàng đã nhắm tít cả hai con mắt ... Nhưng, tao đã nói rồi, nhanh như chớp ! Hết ngày rồi ! Gió trở lạnh, núi tím thẫm, chim về tổ, hu ! hu ! chó sói tru lên rồi ! Dê Tuyết ơi, bây giờ mày vểnh hai tai ra mà nghe cho rõ nhé. Nãy giờ tao chỉ mới mào đầu thôi.

Cụ Sĩ Ghềnh đặt những trang thư đã đọc rồi xuống cỏ, chỉ cầm trong tay trang còn lại thôi. Cụ đọc chậm rãi, như rót từng chữ vào tai con dê :

"Con dê bỗng nghe đàng sau tiếng lá cựa mình. Nó ngoảnh lui, thấy trong bóng tối hai vành tai ngắn dựng thẳng với hai con mắt sáng quắc. Chó sói ! To tướng, ngồi thẳng trên mông không nhúc nhích, con sói nhìn chăm chăm con dê trắng bé bỏng, miệng thưởng thức trước vị ngon. Biết dê sẽ vào miệng, sói không vội vã; nhưng khi con dê quay đầu lại, con sói cười tàn bạo : "Ha ! ha ! cô dê bé của cụ Sĩ Ghềnh", rồi nó thè cái lưỡi đỏ dài thườn thượt liếm quanh mồm. Con Bạch Dương thấy chết đến nơi rồi. Trong giây phút, nó nghĩ : trước sau gì cũng chết, thôi nằm xuống để con sói ăn thịt cho xong. Nhưng nó lại nghĩ : không, để xem ta có cầm cự đến sáng chăng. Trấn tĩnh, nó lấy thế tự vệ, đầu cúi xuống, sừng giương ra ... Con sói tiến tới, cặp sừng nhỏ của con dê lượn qua lượn lại ... Nó chống cự suốt đêm như thế, thỉnh thoảng lại nhìn sao nhấp nhánh trên trời, tự nhủ : "miễn rằng ta cầm cự cho đến rạng đông ..." Trên trời, sao dần dần tắt. Con Bạch Dương đâm sừng nhiều hơn, con chó sói cắn xé nhiều hơn ... Một tia sáng nhạt hiện ra ở chân trời ... Tiếng một con gà khan giọng vang lên từ thôn trại. "Sáng rồi !", con dê thầm nghĩ ; nó chỉ đợi có thế thôi để chết. Nó nằm dài trên đất, phơi bộ lông trắng mỹ miều loang lổ máu ... Con chó sói dẫm lên con dê, ăn thịt."

Cụ Sĩ Ghềnh xếp phong thư bỏ vào túi áo, tinh ranh quan sát phản ứng của con dê. Cụ xoa tay thầm nghĩ : thế là con chó sói đã đuổi cái cọc ra khỏi đầu nó rồi. Ðánh cuộc với cả cái núi, cụ đoan chắc trong đầu con dê bây giờ chỉ có cái lưỡi và hàm răng.

Cụ lại lầm to ! Không có con chó sói nào trong đầu con dê cả. Trong đầu nó bây giờ chỉ hiện ra hình ảnh linh động của con Bạch Dương khi chạy nhảy cũng như khi nằm chết. Nó nghĩ : tại sao cụ Sĩ Ghềnh bắt nó phải lựa chọn giữa cái cọc và con chó sói ? Nếu nó là con Bạch Dương, chẳng lẽ nó không có cách cư xử nào khác sao ? "Cái đầu mày suy nghĩ nhiều lắm đấy", cụ Sĩ Ghềnh đã nói thế. Có nhiều gì đâu ! Chỉ mỗi câu hỏi ấy thôi mà trăn qua trở lại mấy ngày rồi. Con dê bỏ ăn. Vắt sữa không ra một giọt. Nó sẽ làm gì nếu nó là con Bạch Dương ? Ối, cụ Sĩ Ghềnh ơi, sống làm sao nổi với cái chữ "sẽ" mà cụ cột chặt vào đầu cháu thế này ! Cháu nằm đây mà tưởng đã lên núi trăm lần rồi ! Con Bạch Dương có nghĩ như cháu đâu. Nó làm là nó làm. Nghĩ gì là làm nấy, làm ngay. Cho nên nó nhởn nhơ. Còn cháu ...

Nhìn con dê đăm chiêu, ban đầu cụ Sĩ Ghềnh tưởng nó trúng kế. Cụ nghĩ thầm : giá tao đeo cặp kính vào mũi mày thì mày thành viện sĩ thật đấy ! Nhưng sau đó thì cụ đâm lo. Nó nghĩ gì mà bỏ ăn ? So với con dê, tư tưởng của cụ vẫn còn dừng lại ở cái cọc. Cho nên cụ quyết định nhổ cọc, xây hàng rào lên cao. Trong quan hệ với dê, lịch sử sẽ ghi cụ Sĩ Ghềnh là người tiên phong trong chính sách phóng khoáng. Nhưng tính lơ đãng của cụ đã thành chuyện cười của hàng xóm rồi : buổi trưa đó, cụ chở rau quả xuống chợ, ra đi hấp tấp thế nào quên đóng cổng vườn, và con Dê Tuyết bỗng vô tình thấy mình đứng bên kia hàng dậu. Nó đứng tần ngần một lát, chưa biết sẽ làm gì. Sẽ làm gì giữa cái cọc và núi rừng, giữa cặp sừng và răng nhọn ? A, đứng ở giữa thì làm sao mà đi ? Ði phía nào ? Lên hay xuống, ra hay vào, trái hay phải ? Con Bạch Dương chỉ có một đường là phóng. Cái núi là bước chân của nó, nó phóng đến đâu thì đấy là cái núi của nó. Còn nó, Dê Tuyết, cái núi nó thuộc nhẵn rồi. Hoa thơm, cỏ sắc, cây dẻ cúi mình xuống vuốt ve ... nó có thể đọc làu làu cả phong thư. Cả con sơn dương đen bóng sắp toan tính rủ rê nó vào rừng sâu, nó đã biết trước. Trên kia, không phải là cái núi của nó mà là cái núi của con Bạch Dương nằm lù lù trong đầu nó. Phóng lên núi có khác gì phóng vào cái đầu của nó ?

Con dê đang tần ngần bỗng mắt nó chợt bắt gặp tấm lông trắng loang lổ máu treo trên cửa ngõ. Cụ Sĩ Ghềnh cứ tưởng mình túc trí đa mưu ! Khi nãy, lúc ra đi, cụ quên đóng cửa mà lại nhớ treo bộ lông thê thảm của con Bạch Dương để tăng cường tư tưởng chính thống trong đầu con Dê Tuyết. Cụ lại lầm to ! Tay cụ có thể chạm vào lửa, nhưng xin cụ tuyệt đối tránh chạm vào tự ái, dù là tự ái của dê. Như bị ong chích vào mắt, con dê vẫy đuôi, bước tới. Nó lên núi.

Cái núi là bức thư. Nó bước đi, tai cứ nghe giọng đọc kịch của cụ Sĩ Ghềnh. Nó thấy tất cả. Chỉ không thấy núi rừng mở hội đón nó. Hoa vàng, hoa tím rung rinh ngay trước mõm nó, nhưng mỗi đóa hoa chờ nó đi qua để nở ra và dâng hương từ đáy nhụy thì nó không thấy. Nó cũng nằm ngửa, đưa bốn cẳng lên trời, trượt xuống dốc, nhưng lá khô, hạt dẻ bay tung tóe thì có gì vui ? Nó nhảy qua suối, nhưng quên mất tính nhảy cỡn, nên rơi giữa lòng nước, suýt trôi. Cũng trên phiến đá phẳng ấy, nó nằm dài phơi lông, mặt trời vẫn mặt trời ấy, nhưng đâu là mặt trời đồng lõa tham gia hết mình vào ngày hội của núi rừng ? Và cỏ ... Quả thật vừa lủi trong cỏ ngập sừng vừa nhai cỏ dại ngọt sắc thú vị hơn là đứng tênh hênh gặm cỏ trơn trong vườn cụ Sĩ Ghềnh ; nhưng đang nhai như thế bỗng con Dê Tuyết nhớ đoạn con Bạch Dương đánh nhau với chó sói : "Ồ, con dê bé bỏng, nó bé thế nhưng nó dũng mãnh lạ thường ! Hơn mười lần, vâng, tôi nói thật đấy, hơn mười lần nó đẩy lùi được con sói, con sói phải lùi để lấy sức. Trong hơn mười lần đình chiến ấy, tuy mỗi lần không lâu hơn một phút, con bé tham ăn kia còn ngoạm vội một mớ cỏ ngon, rồi nó trở lại trận chiến, miệng đầy cỏ ... " Nó đang nhai cỏ ấy, nhưng đâu phải cỏ ấy; cỏ ấy trong miệng con Bạch Dương cũng tích cực tham gia vào ngày hội.

Con Dê Tuyết nằm dài nhìn mặt trời bắt đầu xa núi. Nó biết nhẵn đằng kia bầy sơn dương đang nhai lá nho dòn tan, nhưng đâu rồi tính động cỡn bẩm sinh trong da thịt nó ? Ngày của nó sao mà nhạt thếch. Ngày trong thư sao mà tràn đầy ! Phải chăng vì cái đầu của con Bạch Dương nằm nơi bốn cẳng, cái mũi, cái lưỡi, nên nó trở thành hoa, lá, suối, khe, trên cao, dưới thấp, mùi thơm, vị ngọt, nhai, lăn , nhảy, phóng ... Vì cái đầu của nó như thế nên nó sống hết mình, ngay cả trước khi chết vẫn tham ăn thứ cỏ thân yêu của nó. Cái đầu của nó cũng là cái sừng nên nó múa, lượn, đâm, thọc, đẩy, húc ... Nó sống trong chính hàm răng con chó sói. Răng sói cũng đang mở hội với nó.

Trong im vắng của buổi chiều, bỗng tiếng tù và vọng lên từ dưới xa. Ðó là tù và của mục đồng lùa bò về chuồng. Cùng lúc, văng vẳng tiếng lục lạc leng keng từ khu vườn của cụ Sĩ Ghềnh, van lơn, nài nỉ, tha thiết. "Leng keng, Dê Tuyết ơi ... Leng keng, Dê Tuyết à ... Về đi con ơi ... Về đi con à ..." Con dê lắc đầu : "Vô ích, cụ Sĩ Ghềnh ạ, cháu không về đâu, cái cọc là kẻ thù của cháu, dù có con chó sói ... " Nhưng con dê cũng không muốn bắt chước con Bạch Dương. Ngày của nó chẳng vinh quang gì để đổi lấy cái chết. Nó đã sống gì với cái núi đâu để chấp nhận chết trong răng nhọn ?

Thốt nhiên một tiếng lá cựa mình. Không cần ngoảnh lui, nó biết chó sói đã ngồi thẳng trên hai mông, sau lưng nó. Thoắt như chớp, đầu nó được quét sạch trơn, không nghĩ gì nữa. Nó phóng ! Nó chỉ còn là bốn cái cẳng. Như tên bắn, nó phóng qua bụi cao. Như tia chớp, nó nhảy qua suối rộng. Nó tung qua phải, nó phóc qua trái. Nó biến sau bụi rậm, rồi nó hiện nguyên bộ sừng ở tít đàng xa. Con chó sói đuổi theo hụt hơi, nhiều lần lạc hướng, tưởng mất hút bóng dê. Với sức chạy khiếp vía như thế, giá như con dê chạy xuống phía dưới, chắc nó đã chui tọt vào vườn cụ Sĩ Ghềnh rồi. Nhưng bốn cẳng của nó từ chối chạy xuống, cứ một hướng vọt lên, lên cao. Bây giờ, con dê đã lên gần đỉnh. Càng lên cao, bụi rậm càng thưa, dốc đá càng dựng, con dê lồ lộ phơi thân trước mõm chó sói. Cả hai đuối sức, con sói thở hồng hộc, con dê khuỵu chân. Nhưng nó đã đứng trên đỉnh núi ! Trên chóp núi ! Phía dưới, trời tối mịt, lác đác vài chấm đèn. Nhưng trên cao này, ánh sáng vẫn còn. Ráng mây hồng trên đầu như vẫn còn níu một chút nắng nhạt. Tiếc ngày, một cánh chim còn bay. Hay thật, cùng một giây phút cả, nhưng dưới kia là tối, trên này là sáng. Con dê đứng nhìn bốn phía. Trời đất lồng lộng. Gió thổi phần phật như mời nó bay theo. Ðầu nó nhẹ bơn, như mây, như đang bay. Thân xác nó dường như sắp tan vào bao la. Hạnh phúc ơi, tự do ơi, nếu nó được tan biến như hơi sương trong trời đất này ! Trong cái núi này mà bây giờ đã là của nó ! Của nó, bởi vì nó đã trả lại cho dưới kia cái đầu chật ních của kẻ khác. Với cái đầu nguyên thủy của nó, nó cũng đã có một ngày riêng, chớp nhoáng nhưng đầy ắp. Ai dám bảo cái đầy của giọt sương khác cái đầy của biển khơi ! Vinh quang của nó tột bậc, vì nó là cái đỉnh của đỉnh núi. Ngọn núi nhờ nó mà cao thêm được bốn cái chân và một cặp sừng. Chết trong vinh quang đó có khác gì vinh quang đang mở hội đón nó ?

Nó quay đầu, giương sừng thách thức con chó sói đang sấn tới. Chưa bao giờ có chuyện con dê thắng con chó sói trong lịch sử núi rừng, nhưng nguyên tắc nào chẳng có ngoại lệ ? Thế thì, ngoại lệ là đây, mày sấn đến đi ! Trông mày cũng đã thiểu não lắm rồi, chân mày mới vấp ngã nữa ... Cách ba bước, con sói nhảy chồm lên ; con dê, nhân cái nhảy vội quá đà, húc tung con sói trên bụng nó, cả hai mất đà, lăn qua bên kia triền núi dựng đứng, rơi giữa bao la. Giữa bao la ...

Cao Huy Thuần

Tết Quý Mùi 2003