Lưu Thủy Hương

Tuổi biến thế

 

 

Bây chừ là tháng hai, mùa của những cơn mưa. Bên ngoài khung cửa sổ đất trời trắng xoá. Nước lênh láng. Nước mịt mùng. Cả đám con trai bị nhốt trong căn phòng ký túc xá chật hẹp. My cũng rứa. Nhưng My không có hộ khẩu ở đây. My chỉ theo thằng Thăng về chơi. Lúc ban đầu My xin ở lại vì đêm hôm không tiện về xa. Dần dà My chẳng xin phép ai, cứ ở lại như người trong phòng. Chẳng ai ghét My, nhưng đứa mô cũng thấy bất tiện. Mùa khô ráo còn đỡ tù túng, đứa đi đứa về, ít ra cũng còn chỗ mà thở. Mùa thi cử cũng phải vùi đầu vô bài vở, ít ai để ý tới một đứa con gái mặc bộ đồ mỏng nhởn nhơ đi lại trong phòng. Mùa này bị mưa nhốt giữa bốn bức tường, ngồi bó gối trên giường nghe mùi ẩm mốc chui ra từ những lỗ chân lông, tù oải quá. Bài vở chẳng có bao nhiêu mà học. Chữ nghĩa ướt lẹp nhẹp chảy xuống cầu thang, đọng thành một vũng khai rình ngay trước nhà vệ sinh. Cửa nhà tù lúc nào cũng đóng kín mít, chẳng phải vì mùi khai thường trực, mà vì My. Nếu quản lý ký túc xá phát hiện ra My trong phòng, không chỉ thằng Thăng và My bị phạt vạ, cả phòng đều bị hạ hạnh kiểm.

Mưa dai nhách làm mấy cái quần lót của My không khô nổi. Chúng nằm cả tuần trên sợi dây kẽm giăng ri đô giường thằng Thăng. Nhờ vậy mà tôi biết, My có tất cả bốn cái quần lót, một cái màu cháo lòng, một cái màu cam ngả vàng, một cái tím tái bạc nhạc, một cái màu đỏ chói – chắc mới mua. Tôi chỉ quan tâm tới quần lót. My có bao nhiêu áo lót, tôi lại không biết. Mà hình như, My rất ít mặc áo lót. Mỗi buổi sáng, khi My leo từ giường thằng Thăng xuống, lò mò tìm đôi dép, tôi đều hé mắt nhìn bộ ngực thấp thoáng của My. Có đêm, tôi còn cố tình đẩy đôi dép của My vô sâu chút dưới gầm giường, để buổi sáng My phải loay hoay tìm lâu hơn. Mà tôi cũng không quan tâm, ngực My lớn hay nhỏ. Tôi chỉ cần một chút bồi hồi khi nhìn vô phần cổ áo trễ tràng. Một bữa cúp điện tối thui, My ngồi xuống mép giường tôi, giả như sửa lại quai dép. Tôi nằm im, chẳng thấy lý do gì để xích vô mà cũng không tìm ra ý nghĩa gì để rướn tới. Mặt tôi chỉ cách mông My có hai gang tay.

Con trai qua ký túc xá nữ ngủ lại qua đêm là chuyện thường. Nếu có bị quản lý ký túc xá bắt thì chỉ đóng tiền phạt, viết tự kiểm, sau đó là vênh mặt lên khoe chiến tích. Nhưng con gái phải ngủ lại dài hạn trong phòng nam sinh là hết giá rồi. Chắc My nghèo. Nghèo mạt rệp. Trong đêm mưa, tôi nằm nghe tiếng động rục rịch của giường trên. Không khí trong phòng đặc sệt nước và nóng hầm như nồi hấp bánh bao. Hình như chỉ có thằng Thăng ở một mình trên đó, cục cựa một lúc thì ngáy khò khò. My biến đi đâu. Không rõ My chui vô tấm ri đô rồi biến đi đằng nào.

Ngày trong ký túc xá cũng là một sự chịu đựng. My không dám đi vô nhà vệ sinh một mình. Ở trong nớ, một bầy con trai trần như nhộng, mình mọc đầy rong rêu lông lá. Thằng Thăng thường phải đưa My đi vệ sinh, nhưng rồi My nín luôn, thân hình khô quắt lại. Như hoa kim châm khô, tòi ra bên trên cái nhụy vàng, My hơi đắng và hôi hăng hăng.

Ban quản lý đột nhập vào ký túc xá giữa hôm bão lớn. Họ chặn hai đường cầu thang, từ đó tấn công lên các tầng lầu. tụi tôi đang ngồi húp cháo, bỗng nghe bên ngoài có tiếng chân chạy rầm rầm, tiếng la hét náo loạn. My thả cái muỗng xuống sàn, đứng bật dậy, định chạy ra cửa. Thằng Thăng nắm tay níu lại. My nhào ra cửa sổ. Tôi bật ho ra cháo loãng. Nước dãi chảy ra từ mép, tràn xuống ngực. Phòng này ở tầng bốn, My leo ra cửa sổ nhảy xuống là tan xác. Nhưng My vẫn leo ra, mưa từ bên ngoài tạt vô cuốn lấy thân mình mỏng lét. Tôi ngồi run cầm cập chờ nghe tiếng rú chết chóc của My. Nhưng My cũng không kịp la trước khi rớt xuống đống xà bần bên dưới.

Quản lý ký túc xá vô phòng hỏi vài câu chiếu lệ, tưởng là xong, sáng mai tụi tôi đi tìm xác My. Nhưng mụ Thuỷ phát hiện ra chiếc dép của My trên bệ cửa. Chiếc dép nhựa màu vàng vẹt gót, tôi vẫn hay đẩy vô gầm giường cho My lúi húi tìm. Mụ Thuỷ la lên đầy thắng lợi phóng hai bước tới bên cửa sổ. Ngoài kia gió vừa quật ngã nhành cây liễu lớn. Tôi leo lên giường kéo tấm mền ướt trùm lên tới cổ. Mụ Thuỷ lại la lên, lần này đổi giọng the thé. Mụ chồm nửa người ra ngoài hăm hở trì kéo. Hai thằng cán bộ Đoàn Thanh Niên cũng xông tới cửa sổ tiếp tay. Tụi nó lôi được My vô. Cả người My ướt sũng, tái nhợt như cá chết ươn. Hai ống quần mỏng bê bết rong rêu bám dính lên cặp chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Tôi cúi đầu nhìn xuống tấm chiếu rách. Đôi mắt thuỷ tinh xám xịt của My dễ sợ quá.

Ban quản lý ký túc xá dẫn My và thằng Thăng đi. Tôi thả đầu treo giữa hai ống chân. Cảm giác đầy ứ trong lồng ngực làm tôi khó thở. Hơi âm ty trào lên miệng, tôi cười rống lên. Ở giường bên cạnh, hai thằng kia cũng cười như chó chết. Nhưng My có chết mô, mà nếu My té lầu chết, tụi tôi cũng không cười dữ rứa.

Giờ sinh học giữa trưa ngột ngạt, tiến sĩ Nga đâm chảnh. Tôi trúng sao quả tạ, bị lôi lên bục giảng. Đó chỉ là trò đổ rác của bà tiến sĩ mỹ miều, dòng quan lại thuần chủng, tốt nghiệp ở Úc. Bà không chịu nổi những người đồng bào vô sản xấu trai lem luốc. Mà giữa trưa nắng, cái xấu lại càng dễ nổi ung nhọt. Thằng Thăng hay nói, bộ mặt cô hồn của tụi mình đáng bị loại trừ trong quá trình chọn lọc của bà tiến sĩ. Tôi uể oải đứng dậy, tế nhị giấu đôi bàn tay cáu đen vô túi quần. Kính thưa bà tiến sĩ ưu thế đỏ. Kết quả của chọn lọc tự nhiên là sự tồn tại những sinh vật mang ưu thế trội, thích ứng với điều kiện sống. Vai trò của chọn lọc tự nhiên là nhân tố chính trong quá trình tiến hoá của các loài, làm cho các loài trong thiên nhiên biến đổi theo hướng có lợi, thích nghi với hoàn cảnh sống cụ thể của chúng. Bởi vậy mà, một đứa con gái mảnh mai yếu đuối như My bám được lên bờ tường trơn trợt rong rêu, trong cơn dông bão dữ dội ở tầng lầu thứ tư. Cái đó mới đáng gọi là đấu tranh sinh tồn, là động lực của quá trình chọn lọc tự nhiên. Chẳng liên quan gì tới nguồn gốc hay dòng dõi. Đám tế bào đột biến trong thân thể My đang biến đổi. Chúng khô quắt lại. Chúng mọc ra những cái móc sắc như móng dơi.

Tôi thuyết trình cho tới lúc cổ hông khô đắng. Lác đác phía trước có tiếng vỗ tay yểm trợ của bọn cô hồn đồng đảng. Trong các hình thức đấu tranh sinh tồn, cạnh tranh cùng loài có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tiến hoá. Trong quá trình đấu tranh đó, những cá thể nào mang nhiều biến dị có lợi sẽ có nhiều khả năng sống sót và sinh sản, làm cho loài không ngừng cải biến theo hướng thích nghi với hoàn cảnh sống. Thưa bà tiến sĩ dòng tuyển lựa phản tự nhiên. My với thằng Thăng bỏ phòng đi từ hôm bị quản lý ký túc xá bắt vạ, ba ngày ba đêm không thấy về. Không ai biết bọn hắn đi đâu. Mấy cái quần lót cũng biến mất theo chủ.

Mỗi lần mở cửa bước vô phòng, tôi lại theo thói quen nhìn lên sợi dây kẽm.

Ký túc xá mùa mưa mất điện liên tục. Khi thì do bão đứt đường dây, khi thì do sự cố lưới điện. Lần này, trạm biến thế ngoài ao rau muống nổ. Khói khét lẹt bay vô tận phòng ở. Cả đám sinh viên không có điện nấu húp, nằm dang tay trên thánh giá vạt giường chờ chết. Mùi khói khét ngang nhiên bò lên chân, lên ngực. Nó cất tiếng cười. Tôi nghe tiếng người quen, vừa mở miệng ra định chửi, khói chui vô dạ dày vùng vẫy. Tôi bò ra giường nôn thốc nôn tháo. Khói có mùi thịt người nướng mắm tôm chua.

My về lại ký túc xá một mình mang theo mùi khói khét ghê rợn. Cặp mắt thuỷ tinh vô hồn của My đỏ đèn xe đêm. Thằng Sinh đang nằm nặn mụn ngồi bật dậy hỏi, Thăng đâu. My xoã tóc cười như quỷ ám, Thăng bỏ học luôn rồi, về quê vĩnh viễn. Tôi trốn khỏi phòng, lang thang tìm việc làm cả buổi chiều. Bỗng dưng tôi sợ phải đối mặt với My, sợ nghe câu chuyện về thằng Thăng. My đột biến, đi qua cõi âm ty. Buổi tối tôi về lại phòng. My đang loay hoay gỡ tấm ri đô trên giường thằng Thăng. Mấy ngón tay My cứng đơ như tay người chết.

My đem tấm ri đô xuống giăng quanh giường thằng Sinh. Giường thằng Thăng đã có một đứa sinh viên khóa sau vô ở. Cả phòng còn chưa kịp hỏi tên, hắn đã chạy biến ra quán, khi trở về nồng nặc hơi bia. My chui vô giường thằng Sinh rồi biến mất, trong đêm chỉ có tiếng thằng Sinh cọt kẹt trở mình. Tôi vật vã thở một chập rồi cũng ngủ thiếp đi. Buổi sáng, cái quần cháo lòng của My treo lủng lẳng trên sợi kẽm ri đô giường thằng Sinh.

My ở lại trong phòng với tụi tôi, tù oải một mùa mưa rởn da. Bây chừ tôi đã có chút can đảm nhìn vô cặp mắt thuỷ tinh của My. Tôi cười, dù chẳng có lý do gì đáng cười. My bỗng cười lại. Nụ cười của My đẹp không ngờ. Khuôn mặt của My cũng đẹp. My đẹp hơn mấy con hoa hậu trên đài truyền hình, ốm hơn mấy con người mẫu trên báo thời trang. Đám tập vở cong queo góc mép My luôn ôm kè kè theo mình tố cáo, My cũng là sinh viên. Nhưng tôi không hỏi trường nào, lớp nào. Trường lớp nào cũng rứa thôi. Vì lẽ gì My lê lết ở đây.

Mùa mưa quán hàng ế ẩm. Nước nhỏ từng dòng lên mặt bàn nấm mốc. Khách đội mưa ngồi ăn vội vội vàng vàng, chẳng kịp để lại một đồng tiền boa. Bà chủ chửi rủa luôn miệng. Cơn giận dữ thường nhằm vào tôi và mấy con chó, nhưng tôi và chó đều điếc. Tuần này, bà chủ quán chỉ trả một nửa tiền lương sau một hồi đọc sớ Táo quân. Tôi nhét số tiền ít ỏi vô túi quần, định không nói gì, nhưng rồi dang dở buột miệng:

"O cho con xin chỗ bún dư."

Bà chủ chửi vói theo một bài kinh. Tôi vẫn điếc, lủi vô màn mưa. Bịch bún lõng bõng nước treo trên tay lái xe. Suốt con đường về ký túc xá, tôi nghĩ tới My và thằng Sinh, mường tượng ra tiếng cười của ba đứa bên nồi bún trộn cơm nguội. Qua bãi gạch đá dẫn vô cổng cư xá, tôi trượt chân té. Đau điếng người mà chỉ sợ bể bịch bún. Nước mưa chảy dọc trên lưng, theo tôi lên tới cửa phòng. Tôi đứng ngay bên giường thằng Sinh, mắt mờ đi. Sợi dây kẽm trống trơn. Buổi trưa tôi không ăn gì. Buổi chiều cũng ráng đợi. Chỗ bún để tới ngày hôm sau hóa chua. Thằng Sinh với My không về.

Tôi lang thang suốt ngày trên những con đường ngập ngụa nước. Tờ báo cần tuyển người nhàu mủn trong túi quần. Những chỗ tôi gõ cửa đều đáp lại bằng cái lắc đầu. Không ai muốn nhận một thằng làm công tả tơi sầu thảm. Ở những chỗ tìm gia sư, người ta quan sát tôi như thằng mang tiền án hiếp dâm trẻ em. Tôi vuốt nước mưa tầm tã trên mặt, tiếp tục công việc chạy bàn cho quán bún. Lương không đủ trả tiền phòng, tôi đợi tới lúc bị đuổi ra khỏi ký túc xá. Đầu tôi nhức bong bong. Nửa đêm thức dậy chữ nghĩa trào ra bên lỗ tai, trắng đùng đục lại có mùi độc.

Bọn vô công rỗi nghề vẫn vật vờ kéo nhau lên giảng đường. Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin dai nhách như thịt cao su Trung Quốc. Sản phẩm giết người chậm chạp không gây thương tích. Tôi thường ngồi ở hàng ghế phía sau cùng, giữa đám nửa người nửa vượn hí húi vọc phá di động. Bọn này từ chối thuyết tiến hoá bằng cách tự thoái hóa về thời kỳ nguyên thuỷ. Râu ria lông lá trổ bù xù. Tay dài tới gối. Não teo bằng trái cam. Trên bục giảng thầy thạc sĩ đang loay hoay tháo gỡ mớ lý thuyết tiến bộ của loài người. Cái quần lót đỏ chói của My nằm lạc lõng giữa đám quần bệch bạc.

Hơn một tuần nay thằng Sinh với My bỏ ký túc xá ra đi. Giường của bọn hắn đã có thằng nào khác vô ngủ. Tôi ngoác miệng ra ngáp, hơn một tuần nay tôi bị táo bón. Ăn toàn rau mà vẫn bị táo bón. Thầy thạc sĩ hùng hổ chỉ tay vô mặt tôi. Ngón tay thầy bắn ra viên đạn mang sứ mệnh lịch sử. Tôi đứng lên, há miệng để cho ngôn từ tuôn ra như bị chảy, hy vọng nhờ rứa mà đầu mình, bụng mình nhẹ đi. Trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, quần chúng lao động luôn luôn ước mơ, mong muốn được sống trong một xã hội bình đẳng, công bằng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Vì vậy, họ liên tục đấu tranh để thực hiện ước mơ, khát vọng đó. Nhiều tư tưởng tiến bộ và nhân đạo đã hình thành và phát triển để dẫn dắt cuộc đấu tranh của quần chúng. Trong ý thức đó, Các Mác và Ăngghen đã xây dựng nên học thuyết cách mạng, khoa học và nhân đạo để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hai ông đã chứng minh sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự quá độ sang một xã hội mới không còn chế độ người bóc lột người.

Tôi tìm được việc ở khu bến cá, cách xa ký túc xá một giờ đạp xe. Đội bốc vác phải có mặt từ ba giờ sáng, đứng xếp hàng chờ chủ vựa tuyển chọn. Tôi thức dậy từ nửa đêm, đẩy xe đi giữa hai bức tường ký túc xá tối đen. Hôm qua trạm biến thế lại nổ, cúp điện toàn khu vực. Hai giờ sáng tôi đã có mặt ở bãi. Loáng thoáng bóng người hiện ra bên bờ nước xen giữa những đốm lửa cửu vạn cháy nhấp nháy. Tôi nghe rặt giọng phụ nữ gọi nhau trong gió ngạt. Vấn đề giải phóng phụ nữ đã được Mác đặt ra từ thế kỷ thứ XIX góp phần quan trọng trong việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Lưng tôi cong gập dưới bao tải đầy bùn, không dám mở miệng than. Quanh đây chỉ toàn những người phụ nữ vĩ đại của Mác.

Giai cấp phụ nữ và tôi ngưng việc ở bến cá khi mặt trời đổ nắng lên bãi. Tôi đạp xe lóc cóc về ký túc xá, giữa cơn đói teo ruột chỉ thấy thèm được tắm rửa. Bộ áo quần keo đặc nước sình ép dính lên người bốc mùi tanh nồng nặc. My đứng bên gốc cây vả, đôi mắt thủy tinh hoe hoe đỏ. Không rõ My chờ ai, nhưng tôi vẫn tự động thắng xe lại bên lề đường. My lắp bắp:

“Em chờ đây từ sáng sớm. Em không có chìa khóa phòng.”

Tôi biết My không có chìa khóa phòng. My cũng không đươc phép có chìa khóa phòng. Những khi về sớm, My đều phải đứng đây chờ thằng Thăng hay thằng Sinh dẫn vô ký túc xá. Chưa bao giờ My chờ tôi. Mùi cá tanh bốc lên dưới ánh nắng. Lưng và bắp đùi tôi bắt đầu nổi ngứa. Tôi không nói gì, chỉ xuống xe đẩy bộ, vừa đủ chậm cho My kịp đuổi theo, vừa đủ nhanh cho My đừng ngửi thấy mùi tanh. Thuyết tương đối E=mc² không tìm ra được vận tốc thích ứng cho mùi cá ươn và xe đạp. Lại còn thêm mùi khói khét bảng lảng trên người My. Einstein thất vọng chỉ ngón tay lên đầu, không tìm ra cách lập trình cho ẩn số khói thịt người.

Buổi chiều tan học tôi không về phòng mà đi lang thang ra công viên. Số tiền vác cá ít ỏi vừa đem lại cho tôi hy vọng trám kín phần tiền trọ ký túc xá. Sự xuất hiện đột ngột của My làm tôi hoảng lên cùng chú Cuội. Tôi không đủ sức mở miệng hỏi thằng Sinh biến mất đi đằng nào. Tôi cũng không dám hỏi mấy ngày qua My trôi đi đâu. Mưa đưa rong rêu từ con sông về đổ xanh đường phố. Tôi đi dưới trời nước chờ gột rửa mùi tanh cá. Chữ nghĩa lại trào ra lỗ tai, chảy xuống cống lềnh bềnh.

Cư xá đêm cúp điện vắng tha ma. Bọn trong phòng đã kéo hết ra quán tìm hương sáng. Trên giường tôi tấm ri đô đủng đỉnh giăng ngang. Tôi nhìn sợi dây kẽm kẻ một vệt đen dưới ánh đèn dầu. Mấy cái quần lót rồi sẽ treo lủng lẳng ở đó. Bỗng dưng tôi thấy nghẹt thở. Hơi ẩm trong phòng bị bốn bức tường nén lại đặc sệt. Tôi ôm đầu lùi ra khỏi cửa, theo mấy bậc cầu thang lở lói dẫn lên sân thượng. Hai ba nhóm trùm áo mưa nhậu nhẹt đang hồi đình đám. Ở một góc khuất sau bồn nước tôi tìm được mớ báo cũ. Báo hơi mủn vì ngấm mưa lại hăng hăng mùi nước đái chuột. Tôi nằm cuộn trong lớp báo, thiếp đi giữa cơn đau màng óc. Nửa đêm lùng bùng tỉnh giấc, tôi mò xuống tầng trệt lấy xe. Đường ra bến cá trùng trùng bụi nước.

Suốt hai đêm liền tôi trốn trên sân thượng. Đêm thứ ba, My lên tận bồn nước tìm.

“Ngày mai My đi.”

“Đi mô?”

“Chưa biết”

“Thì cứ ở lại.”

Tôi bỏ việc vác cá ngoài bến, mua cục xà bông thơm về chà rửa khắp mình mẩy. Buổi tối cúp điện, cả phòng đi vắng, tôi rón rén chui vô tấm ri đô. My nằm trong bóng tối, ép sát vô tường, mỏng như cánh kiến. Vạt giường hẹp lép. Vây kín ri đô lại càng thêm hẹp. Tay tôi dụng nhằm vai My. Cái bóng đen rụt lại, gần như biến luôn vô tường. Tôi cũng rụt lại, cố xích ra ngoài lề. Đêm căng như bong bóng. Hơi thở nén lại trong lớp cao su bịt bùng. Tôi loay hoay trở mình mấy bận. Áp suất không khí tăng. Tiếng vạt giường cọt kẹt càng thêm bí thở.

Buổi sáng, tôi dậy sớm đưa My xuống nhà vệ sinh. My ôm cái chậu nhôm đi vô những bức tường tướp xanh, tôi đứng ngoài canh cửa. Hai thằng mặc xà lỏn hở nửa mông từ tầng trên ào xuống bị tôi chặn lại ngay chân cầu thang. Tụi nó như người mộng du cứ theo đà xô tới. Tôi dang hai bàn cào tay ra, nghiến răng kèn kẹt:

“Thằng mô bước qua, tau giết chết.”

Bọn đười ươi tỉnh ngủ lùi lại:

“Có chuyện chi khiếp rứa?”

“My ở trong nớ!”

Một đứa há hốc mồm. Một đứa gật gù:

“À. Hiểu rồi.”

Bọn hắn kéo nhau đi qua dãy nhà vệ sinh mé cầu thang bên kia. Mùi nước đái ủ rong rêu xông vô óc như dao xoáy. Tôi ôm bụng cười chảy nước. Ở chỗ này Darwin đã lầm. Đấu tranh sinh tồn trong cùng một loài không khốc liệt như ông ta nghĩ. Bọn sinh viên vẫn nói với nhau, à hiểu rồi.

Tôi nhận giấy kỷ luật của ban quản lý. Hai tháng không trả tiền phòng, hai tờ giấy cảnh cáo, tôi bị đuổi ra khỏi ký túc xá. Chuyện đã biết trước nhưng vẫn đột ngột. My thì bình tĩnh.

“My biết có chỗ ở được.”

My lẫn tránh ánh mắt tôi. Trên bộ mặt tái xanh hiện ra hai nếp nhăn giữa chân mày. Tôi dọn đồ theo My, không hỏi gì thêm. Miễn có chỗ chui ra chui vô là xong.

My dẫn tôi ra trạm biến thế bên bờ ruộng rau muống. Chỗ này là khuôn viên của ngôi đình cũ, hoang vắng ít người qua lại. Mấy bức tường sạt lở ngăn trạm biến thế với thế giới bên ngoài. Cái giếng phía sau đình từng bị biến thành mồ chôn tập thể của năm mươi oan mạng. Đất này đầy ma quỷ, không hoá giá được, cứ để hoang vu cho cỏ lác mọc. My mở cánh cửa ám khói, đám dây điện bên trong thòi ra cũng ám khói. Tôi theo My lách qua dãy dây điện. Những sợi dây cứng to bằng cườm tay con nít. My đột ngột quay lại, khuôn mặt tái xanh gần như chạm vào mặt tôi. Giọng My làng lạc:

“Máy biến thế có luồng điện cao thế, đúng không?”

Tôi nhún vai im lặng. My biết rồi, hỏi để dọa nhau hay để làm chi. Máy biến thế có thể thay đổi hiệu điện thế xoay chiều, tăng thế hoặc hạ thế, đầu ra cho một hiệu điện thế tương ứng với nhu cầu sử dụng. Nếu My bị điện giật, ký túc xá sẽ mất điện. Tôi tưởng như có thể nhìn thấy rõ ràng cái xác cháy đen của My kẹt giữa mấy sợi dây to bằng cổ tay. Nhưng My là loại cá thể mang đột biến trội, được chọn lọc tự nhiên giữ lại và nhân giống. My không bao giờ chết lãng xẹt như những thằng cùng loài kém thích nghi khác. Tôi lách qua hai ngăn biến áp, nghe hơi nóng từ lớp vỏ tôn tỏa ra hừng hực. Máy biến thế điện lực được dùng trong hệ thống truyền tải và phân phối điện năng, làm nhiệm vụ nâng điện áp đầu ra máy phát điện, từ 6,3kV tới 38,5 kV, lên mức điện áp của đường dây truyền tải, từ 35kV tới 500 kV, và hạ điện áp đường dây xuống mức điện áp cung cấp cho các tải sử dụng, từ 3kV tới 500V. Để nướng thịt, My cần bao nhiêu kV?

Einstein thè lưỡi.

Đoạn sụt lở phía sau bức tường đình hơi dốc xuống. My lần mò theo mép tường xiêu vẹo đi tới, rồi mất hút. Tôi cũng vịn tường loạng choạng bước tới. Qua đoạn vách đất trộn lẫn gạch vụn, tôi tụt xuống tầng hầm mờ sáng. Chiếc bóng đen phía trước với tay bật công tắc đèn trên vách. Ánh sáng vàng vọt soi lên nền nhà phủ lớp bụi dày, lác đác dấu chân người. Gian phòng phía sau bức tường loang lổ rồng phượng khá rộng, trống trơn, chỉ có cái giường gỗ xiêu vẹo và một bàn nước. Mặt bàn bằng gỗ, còn ba chân sắt. Chỗ chân gãy kê lên mấy tấm bê tông và gạch ống.

Phía trong sâu, từng lớp màng nhện giăng mịt mùng lên những đoạn rui mè gãy đổ. Quang cảnh ảm đạm và thê lương. Tôi nghe hơi thở đặc sệt của mình không tan được trong cõi âm ty. Mắt tôi đảo xoay như bông vụ, hoa váng vất. Đằng kia, trên sợi dây kẽm, ba cái quần lót của My nằm im lìm. Một cái màu cháo lòng, một cái màu cam ngả vàng, một cái tím tái bạc nhạc. Đôi mắt xám xịt của My nhìn tôi, lo lắng chờ đợi cái lắc đầu.

Tôi ở lại dưới hầm với My. Hai đứa chia nhau cái giường gỗ mục ọp ẹp và những bữa cơm chiều. Cơm chỉ có rau chan mắm, My nấu trên lò điện đặt cạnh chùm dây cáp tải. Tôi nhớ tới thằng Thăng, chỉ có thằng Thăng mới biết kiểu câu điện như rứa. Trong phòng tụi tôi có dạo toàn xài điện chùa nhờ thằng Thăng dùng dây kim trích điện lậu từ dây tải chính. Đoạn hầm sụt lở phía trong kia tôi không đi tới, nhưng tôi biết thằng Thăng với thằng Sinh nằm trong đó. Lớp màng nhện ngăn cách tụi nó với thế giới còn là con người. Đêm nghe chuột về quậy phá, tôi thở dài nói với My:

“Thằng Thăng là loài động vật kém tiến hóa, bị môi trường đào thải ra làm thức ăn cho chuột.”

Bên kia mép giường, My trở mình co quắp lại. Tôi lại nói:

“Cái giường ni, cái bàn gỗ, mớ dây nhợ trong góc nhà đã có từ trước. Từ cái thời man rợ, người giết người bằng dao cuốc. Trò giết thầy bằng dây điện. Tụi mình không lôi quá khứ lên trên mặt đất mà bò xuống đây chết chung với quá khứ."

My rùng mình:

“Nói nhảm vừa thôi chứ.”

Cái bóng tên My lùi lại, lút sâu hơn vô vách hầm. Tôi quay qua nói chuyện với thằng Thăng. Hắn năn nỉ:

“Tụi mình lùi về chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ, bỏ qua giai đoạn bươi móc quá khứ. Được không?"

"Về công xã nguyên thuỷ là tiêu trừ mô hình nhà nước."

"Quá tốt. My đi trước rồi. My vô sản, vô chính phủ, tự do, ốm như xác ướp.”

“Có cái gì ăn đâu mà không ốm.”

Buổi sáng trong quán bún, mắt tôi bị hút vô thau thịt bò của bà chủ. Đêm qua nghe thằng Thăng trách, tôi mới nghĩ tới chuyện ăn uống của My. Cứ mỗi lần bưng bún ra, mắt tôi lại liếc ngang chỗ thịt đỏ au. Vừa lúc bà chủ có việc chạy xuống bếp, tôi lẻn ra sau quầy, nhanh tay túm một nắm thịt nhét vô túi quần. Bà khách ngồi cạnh bên quầy trố mắt nhìn sững. Tôi nhìn trả lại. Bà già, bà có đọc báo Thanh Niên sáng nay không. Đổi mới đã làm thay đổi một dân tộc. Đó là đổi mới phương thức phát triển, biến nước ta từ nền kinh tế nông nghiệp khép kín, lạc hậu sang nền kinh tế thị trường, không phải thị trường manh mún mà thị trường mở cửa. Kinh tế Việt Nam bao nhiêu năm nay với hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau, con người đi sau rốt" nhờ đổi mới đã thoát khỏi hình ảnh đó. Chuyển sang nền kinh tế mở, bước đầu tiếp thu công nghệ thế giới. Đó là sự đổi đời ghê gớm. Bà già, vì lẽ đó mà món rau xào chiều nay của My phải có thêm chút thịt hồng hào.

Tôi không mang thịt về ngay được. Ngày cuối tuần quán bún bán tới trưa. My cũng đi làm, chiều tối mới về. My làm việc chi, tôi cũng không hỏi, có việc là may rồi. Buổi trưa tôi đạp xe về ký túc xá, lòng nao nao nghĩ tới My. Con đường rợp bóng cây băng qua công viên lớn, qua khu siêu thị sầm uất. Cấu trúc kinh tế bây giờ là kinh tế thị trường, lực lượng lớn nhất là kinh tế tư nhân, có thêm thành phần đầu tư nước ngoài đang lớn mạnh. Nhà nước lãnh đạo quá trình hội nhập, luôn thay đổi theo luật chơi thế giới nên năng lực, cấu trúc, bộ máy đều thay đổi. Mô hình công xã nguyên thuỷ của thằng Thăng vì tờ báo lá dưa cải mà rữa chua. Nhà nước lãnh đạo thành công quá trình hội nhập. Tôi đang vui, chẳng muốn lo lắng, cứ đạp xe đi tới. Cả dòng người áo quần diêm dúa trôi đi bên cạnh cũng đang hạnh phúc, chẳng ai phải lo lắng.

Con đường cây phượng vĩ đột nhiên nổi cơn huyên náo. Hai thằng trẻ tuổi từ con ngõ nhỏ phóng ra, tay cầm tấm vải đỏ. Một thằng xô ngang bánh xe đạp trước. Một thằng xô ngang bánh xe đạp sau. Tôi té xuống, đập mặt lên tấm băng rôn. Chiếc xe đạp bị hất văng ra đường vừa lúc xe buýt trờ tới. Tôi nhổm dậy la rú lên trong tiếng niềng sắt kéo lết trên mặt đường. Xe đạp ơi. Tiếng la của tôi bị đứt đoạn khi trận mưa dùi cui đột ngột đổ xuống. Tôi ôm đầu lăn trên đất. Đám chữ cái A B C lồng lộn muốn phá vỏ não chui ra. Ai đó hét lên:

“Đánh chết mẹ nó đi.”

Tôi không bị đánh chết mà bị hai người đàn ông nắm chân quẳng lên xe buýt như con heo. Trên xe đã có rất đông người. Họ bằng tuổi tôi nhưng có vẻ không thuộc về loài phản tiến hóa như tôi. Trong vùng ánh sáng xanh đỏ tím vàng, họ hiện ra sạch sẽ và lành lặn. Tôi ôm đầu bò vô góc trống sau lưng tài xế. Máu từ kẽ tay rỉ rả chảy xuống mặt, xuống quần. Giọng con gái la lên thất thanh:

“Trời ơi, bạn này bị thương nặng quá. Có ai bên y khoa không, tới chăm sóc giùm coi?

Tôi thiếp đi trong tiếng la hét, khi tỉnh dậy, đầu đã được quấn vải kín mít. Một thằng con trai cởi trần trùng trục, phơi bộ ngực nở nang nước da hồng hào. Gã nắm tay tôi bắt mạch. Bàn tay gã ấm. Nụ cười của gã tròn trịa và hồn nhiên.

“Chỉ choáng vì mất máu. Hy vọng cài áo thun của mình không bó chặc đầu bạn quá.”

Tôi không nói gì, giấu đôi mắt giữa lòng bàn tay cho tới lúc xe dừng bánh. Ánh sáng xuyên qua mắt chui vô đầu, làm đầu tôi đau nhức tưng tưng. Cả đám người trên xe và thằng tôi đười ươi bị lùa hết vô một căn phòng. Tiếng la ó phản kháng vang lên giữa tiếng u u. Tôi bịt tai lại, tiếng u u vẫn không dứt.

“Đả đảo công an bắt người vô tội.”

Tôi giơ tay lên cố hét: "Nước. Nước." Cây dùi cui phang trúng đầu tôi đau thấu trời xanh. Tiếng mấy đứa con gái lại hét lên:

“Không được đánh người bị thương.”

Tiếng la của tụi hắn làm tôi bị đánh mạnh hơn. Có ai đó xô tới, vật tôi xuống đất. Đứa nào đè lên người tôi. Bộ ngực trần áp của hắn có những múi thịt cứng cáp. Tôi hé mắt nhìn, đó là thằng cởi áo thun băng đầu cho tôi. Chẳng hiểu vì lẽ gì, một thằng lạ hoắc lại xông vô đỡ đòn cho một thằng lạ hoắc. Ông Darwin, ông giải thích sao đây. Có phải bọn người này thuộc giống loài khác, mang thứ gien trội lặn khác. Họ chẳng nằm trong môi trường đấu tranh sinh tồn của tôi. Bởi vậy mà tôi nằm im re cho thằng phía trên ăn đòn.

Tiếng u u xuyên vô não, tôi lại ngất đi.

Tôi choàng tỉnh trong cơn mơ hãi hùng bị sóng thần ập tới. Nước lạnh từ đầu tôi chảy ào ạt xuống lưng, xuống ngực. Cổ tay còn hằn vết dây trói tê cứng. Người đàn ông ngồi trước mặt tôi quất dùi cui xuống mặt bàn gỗ, quát lên:

“Thằng này ngoan cố.”

Tiếng u u lại vang lên như gió xuyên từ lỗ tai này qua lỗ tai kia.

Người đàn ông vẫn tiếp tục quất dùi cui xuống mặt bàn:

“Tiên sư bọn mày, tuần nào cũng tụ tập. Hoàng Sa với Trường Sa là cái gì.”

Quần đảo Hoàng Sa là một tập hợp trên 30 đảo san hô, cồn cát, ám tiêu và bãi ngầm thuộc biển Đông, ở vào khoảng một phần ba quãng đường từ miền Trung Việt Nam đến phía bắc Philippines. Quần đảo trải dài từ 15°45′ đến 17°15′ Bắc và từ 111°00′ đến 113°00′ Đông, có bốn điểm cực bắc-nam-tây-đông lần lượt tại đá Bắc, bãi Ốc tai Voi, đảo Tri Tôn và bãi Gò Nổi. Tôi ôm đầu, khó khăn mấp máy đôi môi khô nứt:

“Nước.”

Gã đàn ông đẩy xấp giấy về phía tôi, hằn học nói:

“Nước non mẹ gì. Ký vào đây rồi đi về nhà.”

Tôi ký vào khoảng trống bên dưới tờ giấy, vẫn cứ nghe ai nói u u bên lỗ tai. Rồi đi về nhà. Rồi đi về nhà. Đám thanh niên bị trói ngồi dưới chân tường bật dậy, nhao nhao lên tiếng. Tụi ni không hiểu gì hết. Đã lách được qua trạm biến thế là lách qua được mọi chỗ. Một cái giường trong ký túc xá còn chưa giữ nổi, làm răng mà giữ mấy cái đảo ngoài khơi. Cặp mắt mấy đứa con gái long lanh nước. Gã đàn ông cầm dùi cui cười đắc thắng. Thằng này không nên cười, nụ cười để lộ hàm răng sói. Sói là một loài động vật có vú thuộc bộ Ăn Thịt Carnivora. Sói là thành viên lớn nhất trong họ Chó, cũng là loài chó hung dữ và quỷ quyệt nhất.

“Ký tiếp vào đây.”

Tôi nguệch ngoạc ký hết đống giấy tờ bằng mấy ngón tay tê dại. Tiếng lao nhao của đám ngồi dưới chân tường xa dần. Căn hầm bụi bặm vàng vọt ánh đèn hiện ra ngay trước mắt tôi, rõ ràng tới độ, tôi nhìn thấy My đang lui cui xào rau trên cái bếp điện đỏ rực.

Tôi mò về tới trạm biến thế, khi trời đã tối mịt. Cái áo thun băng vết thương trên đầu rớt xuống khi qua đập đá. Nước mưa nhỏ lên vết thương lạnh tê dại. My hét lên kinh khiếp khi tôi hiện ra ở cửa hầm. Tiếng hét của My lẫn vô tiếng cười u u của thằng Thăng. Tôi nói, chỉ bị té xe, không sao hết. Hình ảnh chiếc xe đạp dúm dó hiện ra. Tôi tưởng như có ai cầm chảo quất mạnh vô đầu. Suýt nữa thì tôi té xuống mép giường. Chiếc xe đạp là cặp chân lặn lội đi kiếm ăn của tôi. Rứa là xong. Xong luôn vật sở hữu cuối cùng của quyền sở hữu bình đẳng. Tiếng thằng Thăng nhảy lóc cóc trên màng tang:

“Cởi đồ ra, My giặt cho. Coi chừng cảm lạnh.”

My cẩn thận kéo cái áo thun đen qua khỏi vết thương trên đầu tôi, dưng rồi lại hét thất thanh. Phần dưới bụng tôi, máu loang đỏ một khoảng quần. Tôi choáng váng chạm tay lên vết thương. Lạ lùng chưa. Vết thương không gây đau, chỉ nổi cộm lên một cục. Tôi thò tay vô túi quần lẩn thẩn moi ra dúm thịt nhão nhoét đã bốc mùi chua. My ôm tôi cười rống lên. Tôi vụng về tựa sát người vô My. Mùi áo quần ẩm mốc quen thuộc. Mấy cái quần lót treo lủng lẳng trên dây. Tôi thì thào vừa đủ cho thằng Thăng nghe, ở chỗ ni bình yên.

My chuẩn bị đi học khi tôi còn chìm trong cái chảo dầu sôi sùng sục. Diêm vương ngồi trên bệ chạm rồng phượng, có thằng Thăng thằng Sinh đóng vai quỷ sứ cầm giáo đứng hai bên. Ánh đèn vàng vọt soi lên hai ba cái bóng đen đang cúi xuống. Bàn tay lạnh lẽo đặt lên trán tôi.

“Để My chạy ra đầu đường mua thuốc.”

Tôi cố trương mắt lên tìm sợi dây kẽm. Mấy cái quần lót sẽ giữ tôi lại với thế giới con người. Sợi dây kẽm khi to đùng như dây cáp, khi teo tóp biến mất. Bước chân My đạp lên đống gạch đá ở cửa hầm lạo xạo. Mấy cái quần lót đong đưa chực biến đi. "Đừng. Đừng." Tiếng nổ lớn làm ốc vít trong đầu tôi long ra. Trong căn hầm tối, pháo hoa bắn ra từng chùm rực rỡ. Tôi không nhìn thấy gì nữa. Chân tôi phóng đi. Đầu tôi đập vô xà gỗ. Khói bay từng cuộn mang theo mùi cháy khét ghê rợn. Mùi thịt người nướng mắm tôm chua. Tôi cố bò dậy, chạy loanh quanh trong căn phòng ngập khói. Đám màng nhện cũng bắt đầu bốc cháy. Thằng Thăng, thằng Sinh đen loang lổ từ trong góc nhà bò ra với đàn chuột cống. Ba đứa tụi tôi rượt nhau, cười rú lên từng chập. Bây chừ là mùa mưa. Nước chảy ra từ con mắt đỏ.

Quê Hương, tháng 9. 2014

Nguồn : DaMau.org