MachNhaCungChuyen

 

Qua các truyện ngắn của Mạch Nha, người đọc thấy ngay cảnh sinh hoạt rộn rịp hằng ngày, thường trên quê người nơi tác giả cư ngụ: Paris. Không có cốt truyện gì lâm ly to tát ghê gớm, chỉ là trạng huống nhất thời mà với giọng văn dí dỏm, trong sáng,  sinh động, Mạch Nha đẩy ta đứng trước khung cảnh rộn ràng trong đó có thể bắt gặp chính mình, bạn mình hay cô hàng xóm.

 

Viết cũng như dịch, Mạch Nha thổi vào người đọc luồng không khí tươi tắn trẻ trung, hấp dẫn tự nhiên không hoa hoè cường điệu.

 

Trân trọng.

 

Cùng chuyến

 

Chuyến xe buýt kỳ lạ. Chở toàn đàn bà. Hoặc một mình, hoặc có trẻ em đi kèm. Tài xế cũng là một cái ấm sứt vòi.

 

Mây

 

Gọi em như vậy. Lần đầu gặp em trời lạnh đanh. Nên em mặc áo bông. Trắng. Phau như một bụm mây. Trước, sanh thằng bé nhà xong tôi lập tức đi cắt tóc. Khẳng quyết đàn bà có con không thể nuôi tóc dài. Vấn đề thời giờ và tâm lý. Luôn luôn tự tin mình để tóc ngắn là phải đạo. Giờ nhìn thấy Mây, ngẩn cả người.

Mây bồng trên tay một đứa bé kháu khỉnh, cỡ sáu tháng. Bé có vẻ hạnh phúc. Bởi trời rất lạnh, gió rất dữ, ngày còn rất sớm mà nó không tỏ vẻ cáu kỉnh chút nào. Bé tươi roi rói, liên tục dụi má, môi phúng phính vào ngực mẹ, lâu lâu nhoẻn miệng cười, phô hai mảnh răng cửa nhỏ xíu đang nhú ra từ hàm dưới. Mây lại đeo sau lưng một cái ba-lô căng phồng. Tôi có thể liệt kê, chắc chắn và ít nhất phải có những món sau: cuốn sổ sức khỏe của đứa bé (hồi tôi rời nhà bảo sanh, các cô y tá từng dặn đi dặn lại rằng đi đâu cũng phải nhớ đem theo cái cuốn hộ chiếu - thẻ chứng minh nhân dân - thánh kinh vàng này !), tã, giấy, bầu, bình, lúc lắc, tí tin, yếm dãi, quần áo phòng hờ bé bĩnh ướt. Còn có thêm sữa, súp, bánh quy, nước nôi, thuốc men gì nữa không là tùy Mây đem con đi gửi chỗ nào. Nhà trẻ, vú em, bên nội hay bên ngoại. 

Mây quàng bên vai cái giỏ khá to. (Hơi to quá so với khổ người. Ðàn bà mà, trăm thứ hằm bà lằng). Cái giỏ đẹp nghiêm túc. Chắc Mây đi làm.

Mây đi làm với từng đó vác mang. Trên vai, trên lưng, trên tay, trên ngực, và trên cùng: mớ tóc tơ bung. Bềnh bồng kiêu hãnh.

Tưởng chỉ có Mây năm ngày trong tuần, tôi ngạc nhiên lại thấy hai mẹ con ôm nhau ra đường ngày thứ bảy. Tư thế không đổi. Con bám, mẹ bồng. Tóc bay, tay vác. Cái giỏ thường nhật được thay bằng chiếc làn rộng lòng. Bên trên xum xuê hoa tươi quả mướt. Sâu dưới chất chứa những gì không biết, rõ là nặng. Dáng Mây lên xe bảo tôi thế.

Lúc xe đề máy, thằng bé hứng, thò chân đạp một phát, trúng phải sườn mẹ. Mây đau cong cả người, chân cẳng phản ứng, đá phải cái làn khiến chợ búa tung toé ra cả. Giúp Mây nhặt nhạnh các thứ, tôi hiểu vì sao cái làn nặng : gạo chen thịt, sữa lèn muối. Lại cả cọ, cả sơn, cả búa, cả đinh, cả chất chồng ốc, vít. Tôi nhìn Mây. Mây nhìn nghiêng. Không cảm ơn. Không một lời.  

 

Bà Phương Dung

 

Khi chúng tôi mới dọn nhà về khu Gondoles, thành phố Choisy-le-Roi này, người hàng xóm cùng tầng đã nồng nhiệt chào đón chúng tôi bằng một thông tin : khu này nhiều người Việt.

Ra đường, quả tôi thường chạm mặt người Á Châu. Nhưng không chắc họ đều là người Việt. Mấy người bạn Tây hay hỏi tôi : mày nhìn người Á Châu có phân biệt được dân xứ nào là xứ nào không ? Tụi tao thì chịu thua.

Ðáp tướng là có. Thật ra tôi bé cái lầm dài dài. Có khi là đường nét, có khi là nước da, có khi là phong cách. Tưởng vậy mà không phải vậy. Cũng có khi phải vậy rồi mà người ta ngại ngùng chi đó, không muốn nhận thì mình đâm vồn vã quá hoá quê. Cho nên, có gặp láng giềng da vàng tôi cũng thận trọng, không tí ta tí toét ham tỏ tình như hồi non kinh nghiệm.

Với người đàn bà này cũng vậy. Chạm mặt bà ta mỗi ngày hai lần, mà mãi đến lần thứ năm, thứ sáu gì đó, chúng tôi mới cười cười với nhau. Ðể thử cho chắc, tôi lợi dụng lần bà ta ngồi bên cạnh, banh tờ báo tiếng Việt ra đọc. Bà ta hình như chỉ chờ có vậy, tủm tỉm hỏi chuyện ngay. Giọng pha nửa Trung nửa Nam. Ðầm, đậm.

Khu vực, chợ búa, đường xá, xe cộ, gia cảnh, gạo muối, con cái, sanh đẻ, tóc tai, xứ sở, dân tình, v.v. Thôi thì đủ mọi đề tài để tán. Cả hai đều thích nói và ham nghe. Bà cỡ tuổi mẹ tôi, nét người điềm thục. Nói chuyện với bà, tôi thu được nhiều thông tin bổ ích mà cũng thấy hứng vì khi tôi nói, mắt bà hay cười theo.

Hơn cả tháng bác bác con con, tôi mới sực hỏi tên bà.

_ Gọi bác là Madame Fouillout.

_ ...?

_ F, O, U, I, L, L, O, U, T.  

Bà đánh vần xong, tôi vẫn đực mặt ra. May mà bà hiền, đã không trách cái mặt thiếu tế nhị của tôi, còn từ tốn giải thích : tên ông nhà mình đó mà.

Tôi về bữa đó cứ loay hoay. Fouillout. Cơm nguội ăn với cá bống kèo kho tiêu hột chắc bụng. Fouillout. Bên mình cỡ này chắc đang mưa dữ nghe. Fouillout. Có chỗ thì ngồi xuống đi con, đàn bà sanh rồi, đứng nhiều nổi gân.

Fouillout, sao lại Fouillout nhỉ !

Thì bà đã bảo rồi, tên ông nhà. Nhưng mà... tôi phải gọi bà là Madame Fouillout sao ? Nghĩ tới đã thấy bó bó cái miệng. Khó chịu ghê ! Sao không là bác Ba hay bác Bảy, phải gọn hơn không, thương hơn không ?

A, mà sao không là, để xem, Phương Du ? Hay Phương Dung ? Phương cũng đẹp, Dung cũng đẹp. Xứng với tính tình bà, tuy quen chưa lâu đã nhiều lần thuyết phục tôi : sốt sắng, nhân hậu, chân tình.  

 

Củng Lợi

 

Không phải nữ minh tinh màn bạc Trung Hoa lừng lẫy Wong Li. Củng đây là cái váy. Lợi là có lợi. Cái váy có lợi. Ðã hẳn, cái váy nào mà chẳng có lợi che thân. Nhưng cái váy của người đàn bà này có một cái lợi lâm li khác.

Người đàn bà mỗi lần lên xuống xe buýt đều lôi kéo sự chú ý của người khác vì hai đặc điểm. Thứ nhất, bà ta một nách xách tới năm đứa nhỏ. Họ không ồn ào nhưng sự lúc nhúc của họ quá lem nhem, không thể không khiến người ta nhìn. Thứ hai, bà ta đẹp. Cực hoang. Nét dã dại phát ra từ đôi mắt màu nắng cháy rừng rực dưới đôi chân mày đậm giao nhau rì rịt. Thêm một đặc điểm khác, tuy thứ yếu nhưng đặc trưng : muôn đời quấn củng. Lùm xùm, lòe xòe.

Người đàn bà nuôi con bằng hai bàn tay ngửa. Thương hại lũ nhóc và thích nhìn đôi mắt khói lửa của bà mẹ, tôi móc bóp mỗi lần.

Vào hãng, bức xúc, tôi tâm sự cảnh mắt thấy với đồng nghiệp. Ðồng nghiệp phát tay can chớ, chớ.

Xã hội ngày càng nhiễu loạn. Di dân bất hợp pháp tràn lan. Ổ mạng ma túy, trộm cắp và đĩ điếm trá hình cả đấy. Bọn chúng, đàn bà trẻ con lê lết kiếm ăn vặt, đàn ông con trai tung hoành các bến bãi giao dịch « bột phê ». Trông có vẻ tiều tụy, thực ra có đưá ngon hơn mình nhiều. Trên đỉnh, còn các ông trùm cha trùm con chỉ toàn ngự đệm BMW với Mercedes. Vung tay bay tiền mặt.   

Lời lẽ đồng nghiệp hùng hồn soi rọi. Khổ cái, mắt chỉ nhìn gần, đầu ưa thả nổi, tôi lý lì : ai Mẹc, ai Ðét đỉnh nào hổng biết, chỉ thấy trước mắt cái, con lúc nhúc nhục nhằn.

 

Hương

 

Thì thơm. Lạ lùng và kích động. Tôi đi tiệm nước hoa, tìm mãi không ra lọ nào có mùi ấy. Kết luận : cô tự pha trộn để có mùi riêng. Dừa sấy kết hợp với va-ni. Cái ngọt của chè đậu xanh bột báng.

Cô diện ngất. Da thịt ướp đắp sắc màu dồi dào, phong phú. Móng, lông tẩm chuốt kỹ lưỡng. Mỗi ngày mỗi bộ. Khăn, túi nhịp chuyển theo mùa. Ðông quàng lông, dạ. Thu mang bố, da. Xuân khoác cói, đay. Hè khoe the, lụa. Tóc chải cũng đổi kiểu luôn. Cúp trước, cong sau, rũ, hất, vén, xõa, kẹp, vắt, tỉa, dẻ tơi bời hoa lá. Keo xịt, keo bôi ngày càng nhiều loại mới, cứ tha hồ. Giày dép cũng tưng bừng. Này kiểu, này màu, này chất liệu, này độ cao. Nữ trang càng bề bộn. Thật giả không phân. Cốt sao lộng lẫy, xứng hợp với áo quần.

Ngành mỹ phẩm, phục trang và kim hoàn phải chịu ơn cô. Những người đi cùng xe với cô không bao giờ lo bị lạc hậu về kiến thức thời trang. Nhưng chắc cô không phải người mẫu. Có hôm trời mưa, tôi thấy cô căng dù có in tên nhà băng BNP. Có hôm ngồi gần, tôi lại thấy cô đọc tài liệu gì đó chi chít số liệu. Người mẫu chắc không đi xe buýt, cũng không nghiên cứu  thống kê. Tôi thầm phục cô. Vừa đẹp vừa có vẻ chuyên nghiệp. Ông chủ cô chắc tưng tiu cô lắm. Chồng/bồ cô hẳn nâng niu cô như hoa, như trứng. Những người đàn ông này chắc toàn loại cao sang, lịch lãm. Cô diện tận tình đến thế, chẳng cho họ, để xứng với họ thì vì ai ? Chẳng lẽ làm đẹp chỉ cho chính mình ? Có đâu bất hạnh đến thế !

 

Cái ấm sứt vòi  

 

Mây, bà Phương Dung, Củng Lợi và Hương là bốn người đàn bà tôi gặp mỗi ngày ít nhất một lần trên chuyến xe buýt mang số 103, đoạn từ trạm La Folie đến trạm kết ở ga Choisy-le-Roi, buổi sáng ghé trạm lúc bảy giờ kém năm, buổi chiều rời bến lúc năm giờ mười. Có thể đâu đó trước trạm La Folie cũng có đàn ông lên xuống. Chắc là phải có chứ.

Còn cái ấm sứt vòi, chị tài thân thiết của chúng tôi nữa. Muôn đời đồng phục sơ-mi trắng vải sợi thôi. Mà đôi vú cứ nẩy tưng tưng, vui như hàm răng, vui như ánh mắt. Hai tay săn khỏe, nắm xoay bánh lái tự tin, nhộn nhịp. Cái tướng lái xe săng sái, yêu đời. Lúc nào cũng nhìn về phía trước. Dáng vẻ y như một con dê mới lớn, chỉ thấy trước mặt hằng hà sa số bụi sua đũa ngon lành.

 

_____________________

 

 

Trừ bà Phương Dung và tôi (đồng hương, dễ sáp vô) thì cái tập thể nữ đồng xa nêu trên chẳng bao giờ trò chuyện trao đổi gì với nhau. Quan sát nhau thì có, nhìn nhau thì nhiều, không thấy nhau chắc cũng thiêu thiếu, gặp nhau mãi chắc cũng mên mến. Cái tình đó chẳng biết gọi là tình gì. Chỉ biết dưới mái xe buýt, chúng tôi tiếp nhận sự hiện diện của nhau, chia với nhau từng đó không khí, từng đó hơi hám, từng đó đoạn đường. Có khi cũng cảm được vui buồn của nhau, thấp thoáng hay phơi bày mồn một trên nét mặt.  

Rõ ràng trong một ngày, tôi có ba đời sống. Ðời sống trên xe tàu, đời sống ở hãng sở, đời sống tại tư gia. Mỗi nơi có không khí khác nhau. Cái giống nhau là tôi luôn được sống chung với người khác, hưởng thụ niềm hạnh phúc không đơn độc, đồng thời học cách chấp nhận cái khác ta. Chung thì phải đụng. Có yêu thì có ghét. Và sự gắn bó thì hiển nhiên, không chối bỏ được.

Tôi dần dà bén mặt, quen hơi những người đàn bà sáng sáng chiều chiều đi cùng chuyến xe buýt với mình. Hôm nào cái ấm sứt vòi - con dê hai ngàn vôn nghỉ lái thì tôi nhớ. Tới giờ mà chưa thấy mẹ con Củng Lợi lục tục xuất hiện thì tôi ngóng. Nói có Trời Phật chứng giám, một trong những nguyện cầu thành tâm nhất của tôi là xin cho cuộc sống mười lăm phút đồng xa kia được yên bình hoài.

Cho nên dạo cuối năm rồi tôi đã bị khủng hoảng thần kinh khi đột ngột một lô sự cố xảy ra đồng thời cho tập thể xe buýt của tôi.

 

Sự cố thứ nhất

 

Liên quan đến cái củng. Năm giờ chiều, trạm ga Choisy-le-Roi, khi chúng tôi ai nấy đã yên vị chờ xe lăn bánh thì tiểu đội trưởng Củng Lợi một tay túm củng, một tay xốc đứa bé nhất chạy hớt hải về xe. Các đội viên khác nhốn nháo nối gót. Phía sau, một anh Chệt bận tạp-dề trắng, đầu đội mũ xếp, tay xách dao phay lịch phịch rượt theo.

Ăn cắp gà ! Ăn cắp gà ! Anh ta la làng. Tiếng Pháp, tuy xổ bằng giọng Ba Tàu rặt, phát âm hai từ ăn cắp và thịt gà hết sức rõ ràng, dễ hiểu.      

Củng Lợi chạy được đến xe buýt, ánh mắt lóe mừng, như về đến thành trì, hối hả xua lũ con lên xe. Nhưng anh Chệt ba chân bốn cẳng, chạy cũng lẹ lắm. Vả lại, anh ta tốt giọng, hô hoán tán loạn khiến ai cũng chú ý, chị tài đâu lý gì tỉnh bơ nhân sự cho xe lăn bánh được.

Dí mẹ con Củng Lợi đến tận góc ghế cuối xe, anh ta trợn mắt hét : Trả gà ! Không tao chém cụt tay !

Chúng tôi xôn xao. Bà Phương Dung đứng lên. Chị tài rời ghế lái.

_ Nó vào tiệm ăn cắp thịt nhiều lần rồi. Kỳ này tui bắt quả tang. Có băng ghi hình đàng hoàng. Tui không muốn dính dáng tới cảnh sát, chỉ muốn nó trả thịt cho tui.

_ Gà đâu, có thấy đâu mà ông cứ đòi ? Tất cả chúng tôi nhao nhao bênh mẹ con Củng Lợi.

_ Con này, mày giở củng lên cho ông xem. Anh Chệt xỉa mũi dao vô vùng đùi người đàn bà.

Chúng tôi ồ to. Chị tài xắn tay áo, đôi vú giận, dồn tới phía trước khiến anh Chệt giật mình. Bà Phương Dung nói mấy câu tiếng Tàu gì đó như khuyên can. Anh Chệt chịu ức, quay dao, xuống xe. Vừa đi vừa rủa. Mày ăn con gà đó cũng chẳng thơm tho gì đâu. Lần sau còn dám thò mặt vô tiệm tao, tao chém trước, tâu sau.   

Chúng tôi hỏi người đàn bà có thực đã ăn cắp gà hay không. Ðôi mắt nâu dại đáp : tội tình.

Xe lăn bánh. Buổi chiều nhiều gio,ù cát bụi bay. Người đàn bà gom lũ con ngồi túm lại chỗ cuối xe. Họ thì thầm với nhau, không bằng tiếng Pháp. Mọi người im lặng nhìn cơn giông đang kéo về. Dáng lái của chị tài vẫn cà tưng, nhấp nhổm. Hình như cô đã quên ngay chuyện gà vịt. Hình như cô đã lại đang tơ tưởng đến một túm sua đũa thơm tho nào đó. Nét hân hoan ngời sáng trên gương mặt cho đến khi cô buộc phải phanh gấp chỗ ngã ba, nhường một chiếc xe con lái ẩu. Phanh gấp quá, ai nấy đổ dồn về phía trước. Ở hàng ghế cuối, một tiếng « bịch » nặng cỡ ba ký vang lên. Con gà, đầu cổ thõng thẹo, chân cẳng cong quèo tuột khỏi lớp trong cái củng, rớt xuống, nằm phè cánh trên sàn xe. Cái tiếng « bịch » định mệnh ngoắc tất cả những cái đầu phía trước quay lại. Bằng chứng sống dập chết tươi lòng tội nghiệp. Mọi người cảm thấy mình bị lừa. Nỗi thất vọng hiện rõ trong ánh mắt, trên khóe môi từng người một.

Tôi nghĩ mẹ con Củng Lợi rồi sẽ phải kéo nhau đi làm ăn chỗ khác thôi. Quả vậy, chẳng ai có thể gặp lại họ bằng xương bằng thịt nữa. Chỉ biết tin họ qua truyền hình và báo chí hai tuần sau đó.

Tin :

Vào khoảng sáu giờ chiều ngày 23 tháng 11, một chiếc Porsche do một thanh niên lái, trong lúc mất khả năng tự chế đã đâm ngang vào trạm xe buýt Le Destin, chuyến 183, cán chết tại chỗ chín mạng người, trong đó có một thiếu phụ đi cùng năm con nhỏ, trong bụng đang mang bào thai khoảng hai tháng đứa thứ sáu. Kẻ gây tai nạn đã bỏ trốn. Nhà chức trách hiện đang tìm kiếm người nhà của nạn nhân.

 

Sự cố thứ hai

 

Bảy giờ kém năm. Trạm La Folie. Bà Phương Dung vẫn đứng bên tôi. Chúng tôi chờ xe, như thường ngày. Không ai nói gì. Hôm qua chúng tôi đều có mặt ở nhà thờ Choisy-le-Roi. Chúng tôi đến đó dự lễ tang những nạn nhân bị chiếc Porsche cán chết. Ai nấy đều muốn chia sẻ nỗi bi thương với gia đình nạn nhân. Tôi muốn xem mặt người đàn ông của bảy mạng người vừa thọ nạn. Sáu mạng người níu kéo nhau lê lết trong cõi sống, bảy mạng người dính chùm đột ngột rớt tòm vào cõi chết. Nhưng người đến dự lễ tang đông quá. Tôi chỉ thấy được tấm lưng người đàn ông, từ xa.

Bảy giờ kém năm. Chúng tôi im lặng chờ xe. Mùi chè đậu xanh bột báng đằng đặc trong gió. Hương, tình cờ hay cố tâm để tang mẹ con Củng Lợi, đen từ đầu chí gót. Cô vẫn đứng riêng một góc, tỏa hương khoe sắc. Hương thật ngọt mà sắc thật buồn.

Sát bên lề đường, Mây bế con thẫn thờ nhìn phố. Một chiếc vận tải hạng nặng lắc lư tiến tới. Ðang đứng như thiền cạnh tôi, Bà Phương Dung đột ngột chạy sấn đến chỗ Mây. Thộp cánh tay cô, bà đẩy mạnh hai mẹ con vào phía trong vỉa hè khiến Mây bất ngờ, mất thăng bằng lảo đảo suýt té ngửa.

Ðứa bé trên tay cô giật mình khóc ré. Mây trố mắt nhìn bà Phương Dung. Lần đầu tiên tôi thấy cô nổi hung quát tháo. Bà Phương Dung bối rối chỉ cái xe tải, miệng lắp bắp :

_ Xe ! Con ơi... coi chừng... số mệnh. 

Chiếc vận tải từ từ lăn qua. Chiếc 103 xuất hiện sau đó. Cái ấm sứt vòi tươi cười bấm nút mở cửa đón chúng tôi. Mọi người lên xe, trừ bà Phương Dung. Ðứng lại bên bến, bà phẩy tay chào mọi người. Từ trên xe, tôi ngoái lại. Thấy bà ôm mặt. Mây cũng ngoái lại. Hình như cô đã hiểu ra hành vi vừa rồi của bà, nhưng chưa thông cảm nổi. Cô lầu bầu gì đó. Cô càng bực, con cô càng cáu. Nó khóc rống lên từng hồi, chẳng biết là đồng tình hay phản đối thái độ của mẹ. Cho đến lúc xe cập bến chót, đứa bé vẫn chưa thôi phát biểu.

Từ chiều hôm đó, tôi không thấy bà Phương Dung. Hôm sau, mẹ con Mây cũng biến mất.

 

Sự cố thứ ba

 

Từ ngày bà Phương Dung và mẹ con Mây thôi đi chuyến buýt bảy giờ kém năm, Hương đổi sắc. Son phấn bạc phều. Áo khăn xám ngoét. Diện mạo ủ ê.

Không thấy Hương đọc thống kê nữa. Buổi sáng cô ưa mân mê cái mặt dây chuyền. Buổi chiều cô loay hoay với cái điện thoại di động. Nói gì lí nhí, chẳng ai nghe ra. Chắc là chuyện tình cảm bởi vì cặp mi cứ chơm chớp và bàn tay lâu lâu lại run rẩy. Có lần tôi thấy trên má kem lăn dài mấy giọt nước mắt đen. Mascara nhấm nhem. Tôi còn thấy cô cắn móng tay. Tàn phá không thương tiếc công trình dưỡng nuôi, mài dũa, sơn phết. Rồi một hôm cô mở trái tim tròn quay trên ngực, lôi ra từ ngăn trái một mảnh hình, vứt đi. Gió bên ngoài cuốn phỏng mảnh hình bay xấp ngưả, ngược dòng xe chạy, mất tiêu. Tôi chẳng kịp nhìn ra nhân ảnh.

 

Sự cố thứ tư  

 

Nhiều lần tôi muốn đến gần trò chuyện với Hương. Rồi thôi. Có lẽ vì cô lộng lẫy, thơm tho quá. Cũng có lẽ vì dạo sau này cô động khổ, động sầu quá nên tôi ngại.

Sau hôm vứt bỏ đi phần phân nửa trong trái tim, Hương có vẻ nhẹ nhõm hẳn. Trang phục lên màu. Sắc diện bình ổn trở lại. Rồi một buổi sáng cô tiến đến bên tôi, cười chào rạng rỡ. Chiều về, cô lại ngồi cạnh tôi. Nói chuyện gì không nói, tôi ngứa mồm khen trái tim trên ngực cô dễ thương. Và kinh ngạc nghe cô tuyên bố, làm như tôi đã đương nhiên tỏ tường chuyện riêng tư của cô : chỗ hổng đó đang chờ được lấp.

Tôi động viên : đàn ông trên đời không thiếu !

Hương liếc tôi, tủm tỉm: chẳng cứ phải đàn ông.

Tôi nhéo nhéo cánh mũi, ngó lơ chỗ khác. Hương cười, đổi đề tài hỏi thăm bà già đồng hương của tôi. Bà Phương Dung, lâu nay mất tăm khiến tôi cũng băn khoăn. Nhân Hương nhắc, tôi chợt nghĩ sao mình không đi tìm. Bà từng bảo tôi rảnh thì ghé. Ðường d'Alfortville, số 49 hay 59 gì đó.

Là số 49. Madame Fouillout. Lầu 4. Cửa bên trái.   

Tôi hên. Bà Phương Dung có nhà. Bà đón tôi, ngạc nhiên chút chút, vui mừng lộ diện.

Tôi rời căn hộ ngổn ngang của bà khoảng hai tiếng sau đó, ôm theo một mớ đồ bà tặng và nỗi buồn ngơ ngẩn.

Bệnh quá, con ơi. Bữa lên cơn, hết hơi, tay chân như rụng mất. Vô cấp cứu, họ bảo có cục sạn chạy lang bang đâu đó trong người.

Ði nghỉ đông hả... (cười) kỳ này bác nghỉ mút mùa luôn. Biết đâu rồi nghìn thu... 

Ông nhà bác về với Chúa mười năm nay rồi. Thằng con đã yên bề gia thất. Còn luyến gì. Con thấy không, bác phây phây à.

Vào nhà dưỡng lão vậy mà hay. Khi yên có bạn già chung quanh. Tâm tình được thì tốt, không thì ra vô thấy người cùng lứa, cùng cảnh cũng yên tâm. Khi nguy có ngay y tá, y công coi sóc. Có chết cũng có người hay, không phải thối lâu.

Con à, đừng ngại nghe, đem mấy cái khuôn bánh này về xài. Còn bình bông kia, đến từ cố quận đấy, con có thích không ? Nè, vô đây. Thích gì cứ lấy. Kỷ niệm với bác. A, còn con búp bê này nưã, nó… nó… 

Tôi nhìn con búp bê cuả bà Phương Dung, không, bà Fouillout chứ, trong óc bỗng hiện rõ hình ảnh đưá con Mây tươi rói mỗi bình minh.

Tôi  nói : bác ơi ngồi xuống đây. Bác làm con khóc tới nơi.

 

Sự cố thứ năm

 

Chắc có duyên. Ngay sau hôm từ giã bà Phương Dung, tôi gặp lại Mây. Trông thấy cô từ xa, tôi mừng quá, vẫy gọi í ới, không kịp nhận ra cô đang tất tả. Mây không bồng con. Cô theo chân những người cứu thương, leo lên chiếc xe trắng toát. Bên trong, đứa bé con Mây, giấy bạc bọc thân*, tái nhách trong vòng tay một nhân viên y tế.

Cháu bị sao vậy ? Tôi kịp hỏi nhưng Mây không kịp đáp. Hay cô cũng có đáp trước khi cửa xe sập lại, bằng những giọt nước mắt.

Tôi sẽ còn gặp lại mẹ con Mây không ? Ðể nói hộ bà Phương Dung một lời trần tình. Và để hỏi vì sao Mây luôn dính dáng đến màu trắng.

 

Sự cố thứ sáu

 

Bị thuyên chuyển.

Tân tài xế chiếc 103, chuyến bảy giờ kém năm, trạm La Folie nhếch mép trả lời như thế, vào một ngày giáp Tết, khi tôi ngơ ngác hỏi anh ta chị tài thường khi của chúng tôi đâu.

_ Tại sao ?

_ Lộn xộn.

_ Tôi ấy à ?

_ Ðàn bà.

Nhìn cái mặt câng câng của tay tài xế, tôi ngộ ngay : nói gì thêm cũng uổng lời.

Hương ngồi ngay đấy, toét miệng cười. Cô ngoắc tôi lia lịa. Phết vào tay tôi, cô khuyên : đừng chấp bọn đàn ông. Họ cà chớn đấy rồi lại đáng yêu đấy. Nếu không có họ...

Cô nói lung tung beng. Tôi chẳng nắm bắt hết. Ðại khái khi xuống xe, tôi đoán cô đã có bồ mới, hệ phổ thông. Âm dương đuề huề.

_______________________

 

Chuyến xe buýt 103, đoạn từ trạm La Folie đến ga Choisy-le-Roi bây giờ không có chi lạ nữa. Thiên hạ lên xuống dập dìu, lẫn lộn. Tôi vẫn hằng ngày đi về trên ấy. Vương vấn những người nữ từng đi cùng chuyến. Từng niềm bí ẩn sáng láng. Thương quá, tất cả. Nhưng không nói. Vì không chắc diễn tả được bằng lời. Thì viết. Mà, làm sao viết hết được tư duy, cảm xúc !

 

Mạch Nha

Giữa tháng 01 / 2003

*  Loại giấy được dùng khi cấp cứu, quấn quanh người để giữ nhiệt độ tiêu chuẩn.