GÖRGELY GÁBOR ( nhà thơ, nhà văn, đạo diễn sân khấu, từng là bộ trưởng Bộ Văn Hóa Hungary )

                                          HỒI ỨC VỀ HAMVAS BÉLA

 

Tôi không nhớ chính xác, hình như khoảng giữa 1955-1958 thì phải, nhờ sự sắp xếp của một người bạn chung của chúng tôi, bác sĩ Záhonyi Aladár chúng tôi ở chung một phòng với nhau trong một bệnh viện ở Kékestető , tôi và Hamvas Béla.

Chúng tôi nằm trong một phòng hai giường trong nhiều tuần. Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông và rất kính cẩn ông, vì tôi và Weöres  Sándor có quan hệ tốt với nhau và Weöres Sándor coi Hamvas Béla là người thày của mình. Nếu ai có quan hệ với Weöres Sándor, không thể tránh khỏi mối quan hệ với Hamvas Béla, ít nhất về mặt tinh thần. Nhưng gặp gỡ ông một cách cá nhân trực tiếp, được sống cùng ông bởi một hoàn cảnh, như M.Gorki nói, là một bến đỗ quan trọng trong trường đại học đường đời của tôi.

Chúng tôi nằm ở hai giường đối diện nhau. Chúng tôi đọc rất nhiều, viết rất nhiều, cả hai, và tất nhiên nói chuyện với nhau cũng nhiều. Ông không cho biết nhiều về đời mình. Đây không phải một dạng quan hệ bệnh viện như chúng ta thường thấy trong phim, tiểu thuyết trong các kịch bản tivi khi người bệnh này thổ lộ với người bệnh kia về những bất hạnh lớn nhỏ của mình. Trái lại thuần túy là những buổi trò chuyện mang tính chất tinh thần.

Lúc đó tôi biết trực tiếp đúng một triết gia duy nhất, và đó lại chính là đối thủ của Hamvas Béla: Lukács György –ông thày dạy trên trường đại học của tôi, và tôi phải thi ở chỗ ông. Lối tư duy phức tạp rất lý thuyết, trừu tượng và cách diễn đạt của Lukács khiến tôi, một chàng thanh niên trẻ  có một hình ảnh khác về các triết gia. Hamvas Béla hoàn toàn không như vậy.

Không hề lý thuyết, những điều Hamvas nói, luôn luôn có thể cảm thấy một cái gì rất sống động trong các kinh nghiệm đời sống, bằng chính đời sống, bằng thiên nhiên bằng sự thật nằm trong các mối quan hệ hết sức tự nhiên, một cái gì đó hết sức lý thú bởi sự kết án của các nhà mác-xít duy vật, của Lukács György với Hamvas Béla chính là: Hamvas là một nhà huyền học và ông theo đuổi những điều huyền bí.

Hamvas Béla vô cùng biết hưởng thụ đời sống, ngay cả trong những tình huống bị ép buộc phải chấp nhận ông cũng biết cách hưởng thụ nó. Trong một thời gian rất dài hiện sinh của ông là một sự thật khốn khó, ông làm thủ kho ở Tiszapalkonya. Nhưng ông không cảm thấy đấy là một điều khủng khiếp, là một sự lăng nhục về bản chất, mà chỉ như thể ở đó ông có thời gian để suy ngẫm, để viết, như thời gian nằm ở bệnh viện  Kékestető tôi nhìn thấy ông ngồi trầm ngâm suy nghĩ hàng giờ dưới một gốc cây. Ông đã tiếp nhận tình huống  sống đặc biệt phũ phàng này với sự cân bằng mang tính chất anh hùng ca, thông thái và tươi tỉnh.

Để tôi kể một chuyện vụn vặt, bởi con người đặc trưng bởi những điều vụn vặt. Phần lớn mọi người đun sôi sữa cùng bột ca cao. Hamvas bảo tôi những người phương Đông họ không uống như thế, vì uống như thế thứ tinh dầu thơm ngon nhất của ca cao sẽ bị phân hủy, cần pha ca cao trước tiên và với nước lạnh. Tôi uống thử và thấy đúng là ngon hơn hẳn. Ngay giờ đây con gái tôi cũng uống ca cao như vậy, như cách tôi dạy lại nó.

Đối với một thanh niên rất năng động như tôi lúc đó, suy nghĩ về nhân cách của một tinh thần lớn để lại tác động không nhỏ. Tôi nghĩ một người biết chịu đựng, biết sống trong một tình huống thủ kho (tất nhiên cần hiểu theo nghĩa tượng trưng tình huống này) với một tư cách tri thức như thế, trong thực tế đã là một người vĩ đại rồi.

Lúc đó tôi vừa bò ra khỏi cái hố sâu của mình. Cùng với cha mẹ, vì nguồn gốc gia đình chúng tôi bị đưa đến sống ở một khu biệt lập, thời sinh viên của tôi, một vài bài thơ tập tọng, một cái gì đó tưởng bắt đầu đã bị dập tắt, tất cả chạm vào tận xương tủy con người. Rất khó để vượt qua. Từ khu sống biệt lập tôi bị gọi đi lao động. Một quãng thời gian rất khốn khó của tôi.

Đúng lúc ấy tôi gặp Hamvas Béla. Đúng khoảng thời gian một thanh niên trẻ muốn trở thành một nhà văn trong sạch, vô danh hay ít người biết đến nhưng vẫn phải bắt đầu, cần phải làm gì đây? như thế nào?

Và cái tôi gặp đầu tiên chính là hành vi, cách xử sự của một số phận kiểu Hamvas Béla! Điều này còn lớn hơn cả một ấn tượng sửng sốt! Cái cách ông gánh chịu số phận, bứt bản thân lên khỏi hố sâu của đời mình.

Tôi nhìn thấy sự tích cực không thể bẻ gẫy của ông, tôi sống trong sự mê hoặc bởi các cách diễn đạt của ông. Ông luôn luôn cảm nhận, suy tư với thế gian, luôn luôn triển khai những ý tưởng cao cả và ghi chép lại. Chúng tôi nằm hai giường đối diện nhau, nếu không đọc hoặc trò chuyện, tôi thấy ông liên tục viết không dừng. Nhiều lần tôi ngạc nhiên khi đi dạo chơi trong khu công viên của bệnh viện (lúc đó đang là mùa đông lạnh, không phải khí hậu để nghỉ mát) tôi nhìn thấy ông ngồi dưới một gốc cây, quấn trùm kín mít và viết liên tục.

Một con người đã quá tuổi trung niên, chính xác tôi không nhớ lúc đó ông bao nhiêu tuổi, có thể xấp xỉ sáu mươi, một người nhiều hơn một thập kỷ sống hoàn toàn trong trạng thái vô danh, bị cấm hoàn toàn quyền lợi văn chương, không được phép xuất bản bất cứ cái gì mình viết, không ai biết đến tên tuổi, và tôi có thể nói thẳng: lúc đó không hề có chút hy vọng sẽ được thế gian biết đến, được quay lại thế gian với trình độ tri thức của mình, vậy mà chính trong sự đày đọa tinh thần ấy, ông vẫn viết, viết tác phẩm của đời mình.

Đối với một kẻ trẻ tuổi cay đắng bước vào đời: quả thật là một ấn tượng phi thường không thể xóa nhòa!

Những bài thơ, các bài viết của tôi lại lần lượt ra đời, cho dù không ít lần tôi trầm ngâm không phải vì khả năng để được in, mà tôi trầm ngâm vì viết gì đây, như thế nào, cái gì xứng đáng để bắt đầu lại sau một tình huống; tất cả những điều này tôi phải cảm ơn tấm gương Hamvas Béla.

Vợ tôi gửi những gói quà nho nhỏ, thêm vào khẩu phần ăn ở bệnh viện. Tất nhiên tôi mời ông ăn. Cái cách ông thưởng thức một lát mỏng xúc xích, thời đó quý giá như thế nào, cái cách thức thưởng thức đời sống mà vẫn không bị quỵ lụy vào đời sống!

Lối suy nghĩ của ông vô cùng logic và rất biết trở nên trừu tượng, nhưng cách đánh giá, nhận thức của ông gắn liền với hiện thực đời sống. Ông không thuộc loại triết gia không biết cái gì đang xảy ra xung quanh mình, ông ‘’hiểu tất cả’’ –một con người có quan hệ với tất cả. Trong văn bản của ông thiên nhiên đóng vai trò lớn, một thứ thiên nhiên đã được thánh hóa, như cách thức ông diễn đạt.

Và điều này không hề chỉ như lý thuyết đối với ông - đã có tác dụng biết bao đối với tôi. Ông có thể nói một cách phổ quát về thiên nhiên nhưng ông còn biết tường tận đây là cây gì hoa gì bụi cây gì khi chúng tôi dạo chơi lướt bên chúng. Những hiểu biết về những điều cụ thể này ông rất ưa thích, như thế ông có thể nắm bắt,  biết tường tận về chúng- đây là thế gian nằm dưới bề mặt siêu hình học của triết học.

 Lúc đó tôi hay than phiền với ông là tôi ngủ tốt, nhưng lại khó ngủ. Ông bảo:’’ đây là hậu quả của một quá trình yoga bị bỏ dở. Cậu đã từng tập yoga một lúc nào đấy rồi?’’

Thật tuyệt vời! tuyệt vời vì đúng là tôi đã từng tập yoga, thời thiếu niên tôi đã gặp thiền sư Ấn độ Selva Raja Yesudian, người năm 1948 đã bị chính quyền mời đi. Lúc đó ngài đã có một cơ sở thiền ở đây. Lúc đó gia đình tôi có phòng cho thuê và ngài đã ở chỗ chúng tôi trong những năm xảy ra thế chiến. Tôi lúc đó là một đứa trẻ bị hen, gầy gò, thiếu máu, và yoga đã khiến tôi trở lại bình thường. Khi thiền sự bị mời đi tôi cũng ngưng tập yoga. Và vào năm một nghìn chín trăm năm mươi mấy đấy tôi không nhớ, Hamvas Béla hỏi: cậu đã tập yoga một lúc nào đấy phải không?- thật đúng là knock out (đo ván).

Hamvas nói với tôi rằng trong tôi đã bắt đầu hình thành một quá trình biến đổi vật lý (hatha-yoga) và tinh thần (raja-yoga) và tôi đã dừng quá trình này lại. Cơ thể tôi chờ đợi sự tiếp tục, tôi hãy đừng để nó phải chờ đợi (cần nói thêm là từ lúc đó trở đi tôi đã quay lại với yoga).

Mối quan hệ của chúng tôi sau đó vẫn tiếp tục duy trì, thỉnh thoảng tôi có đến thăm ông. Và gia đình Hamvas cũng đến chỗ tôi. Tôi dám mạo muội gọi đó là một tình bạn, dù không thường xuyên như đáng lẽ cần phải xảy ra. Tôi phải vật lộn với đời sống, tôi làm việc rất nhiều, dịch nhiều và từ từ tình bạn này chậm lại rồi đứt đoạn. Cần nói thật một cách đau đớn, tôi không gặp Hamvas Béla trong những năm cuối đời của ông. Khi nghe tin ông mất tôi cảm thấy hai lần bứt rứt, vì cả sự sơ xuất lơ đễnh của mình.

Tôi đến Szentendre dự đám tang ông- một đám tang lặng lẽ, đẹp đẽ và thiêng liêng-tôi cảm thấy không thể tha thứ cho mình vì đã không gặp ông trước khi ông mất. (1980)

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary

( Budapest 2016. oktober. 29)