TÀ GIÁO

 

TÀ GIÁO

truyện ngắn của Nguyễn Thanh Hiện

 

                                          Rốt cuộc thì cũng trả được mối thù.

 

 

   Ta nhớ lúc bấy giờ là lão ta nhìn ta cười. Vừa mới bước ra khỏi cuốn cổ thư lão đã nhìn ta cười ngạo mạn. Chúng khạc  nhổ ra trên giấy rồi bẹo môi léo lưỡi bảo là tinh hoa trí não. Đồ lừa lọc trần gian. Là lão chửi kẻ làm ra sách. Tất nhiên là ta phải lên tiếng. Sách là do lớp người đi trước làm ra. Nhưng là đang nằm trên giá sách nhà ta. Nên sách là của ta. Phỉ nhổ sách hay đốt sách không phải là việc làm hay ho. Ta nói theo cách nói của thế gian. Đây không phỉ nhổ. Không đốt. Chỉ xé toạc vô minh. Lão Tà Giáo xốc áo đứng lên. Ta lật đến trang cổ thư ấy thì lão ta từ những dòng chữ ấy bước ra như một kẻ vô danh. Tà Giáo là cái tên ta đã gán cho lão lúc lão đã đi khỏi. Còn lúc lão xốc áo đứng lên nói thì  căn phòng như dãn ra trước thứ ngôn ngữ phong  nhiêu của lão. Nghìn năm triệu năm bóng trăng đáy nước. Vồ lấy cái đẹp nơi dòng sông. Huyễn hoặc vút tận trời. Hồn chết. Kẻ ở. Người đi. Từ ngày làm ra chữ viết, con người đã biết cách chơi lấy hồn ra lấy hồn vào. Biết cách lấy chữ nặn ra ngọn gió thổi mây. Nhưng ngươi biết không, đấy là cách chơi của kẻ ngồi nơi đỉnh núi Chơ Vơ. Nhưng Chơ Vơ là núi nào? Quả tình là ta chưa hiểu. Đừng tưởng là đông vui cõi thế.  Xưa có kẻ khóc cạn sạch nước mắt thì bỏ lên ngồi ở đỉnh núi Chơ Vơ. Hóa ra lũ muông thú trên rừng cũng đang ăn nhau. Bèn lấy chữ nặn ra niềm cô độc. Nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ. Còn chuyện lớn? Ta cố lần dò tông tích của lão. Sủa là cách diễn đạt những nghĩ ngợi của chó. May ra, có trục trặc nào trong tiến hóa, nhưng chưa chắc là không còn sủa. Sở dĩ diễn đạt bằng sủa là do lũ chó không có chữ viết. Con người nghĩ ra được chữ viết  quả  là chuyện lớn. Đã có chữ viết mấy trăm nghìn năm nay, nhưng có kẻ vẫn cứ muốn diễn đạt theo cách của chó. Chúng nó vừa sủa, vừa khạc nhổ ra trên giấy, chứ sử sách gì ! Ta đang đọc là sử của làng. Nhưng lão Tà Giáo bảo chẳng phải  sử sách chi cả. Cũng có sông núi, ruộng đồng, chim chóc,  cũng có những  đàn ông đàn bà hỉ nộ ai lạc dưới bầu trời trăng sao, cũng có phân biệt giữa chánh với tà, giữa thiện với  ác, bắt đầu là sao, kết thúc là sao,  thì sao không là sử sách? Cứ tưởng lão nổi giận vì cách chất vấn  của ta. Nhưng không. Ta lại sợ ngươi bị chìm vào cõi tăm tối. Lão lại răn bảo ta. Xưa có người ngủ dưới gốc minh linh suốt mấy mươi  năm để nghĩ ra cách làm cho cây minh linh trỗ hoa suốt bốn mùa, chuyện ấy có chép trong sách ấy không? Những nghìn năm qua, đám dân của làng vẫn âm thầm sống với mảnh đất sỏi đá, không nửa lời  oán trách, vì đất trời đã ban cho đất đai để sống thì sao còn oán trách, chuyện ấy có chép trong sách không? Những  nghìn năm qua đám dân của làng vẫn cứ  chửa đẻ không ngừng để cho nước có dân, để cho đám vua chúa các triều đại có lính tráng canh giữ bờ cõi, canh giữ  ngai vàng, chuyện ấy có chép trong sách không? Ta bí. Bỡi lão Tà Giáo nói đúng cả. Sách chép là chép công lao trị nước của các triều đại, dân sống được là do cái phép cày vua ban, chứ không phải là do cái cách  cày của dân. Sách chép là chép cái sức giàu của  nước, rừng vàng, biển bạc, kho lẫm luôn đầy. Sách chép là chép cái  sức mạnh của một nòi giống, người đông, đánh chiếm giỏi, lừng lẫy  bốn bể mười phương. Là chúng nó sủa, phải không? Lão lại tiếp tục tấn công ta. Nhưng  còn khạc nhổ? Ta lại vặn lão. Ca ngợi bọn vua chúa kê giường trên đầu dân để ngủ với đám  mỹ nữ thì không khạc nhổ là gì? Lão Tà Giáo nói. Và giật lấy cuốn cổ thư trong tay ta, xé toạc một trang. Phép màu? Từ nơi trang sách nhàu nát lại bước ra một  người con gái. Ta thích mà sợ. Cô gái choàng lên người lão Tà Giáo chiếc nhung y. Để có sức mà xé toạc vô minh. Một cuộc hát thơ? Những giấc mơ màu đen. Cơn thèm muốn chạy dọc theo biên giới của những phân biệt. Bất chấp mọi  hình thù của những ý tưởng  hình thành tự những thiên niên kỷ trước.  Con nước dội ngược dòng tiến hóa. Những tiếng thét bật ra nơi  cổ họng của những kẻ thô bạo.  Xương cốt vặn mình thành  trận thế. Chảy những âm vang nát đá. Xói mòn những màu sắc mù lòa. Mù lòa luân thường. Mù lòa giòng giống. Lũ  quỉ mặc áo choàng gai  dựng những lò  thiêu  minh triết  trên khắp mặt đất. Bữa tiệc hận thù diễn ra dưới ánh trăng đầu mùa  làm tắt nghẽn mọi ngả vào thế giới. Em lang thang vào những lối vào bụi bặm. Những bước chân mệt mỏi và bụi bặm. Nhay bộ ngực khô cạn vào miệng đứa trẻ khát sửa bỗng thấy thèm muốn một ngày có mưa. Tiếng kêu cứu của lũ quạ chuyên ăn xác chết át mất tiếng khóc trẻ thơ. Ai đi bên bờ vực thẳm nếu không phải là những loài thú sắp bị tuyệt chủng? Hát giữa những xác người là việc làm của  kẻ đang đói. Em, một ngày hát không biết bao nhiêu bài hát về những loài hoa đương nở trên những ngọn núi rực lửa tham tàn. Hát là hát cho những bông hoa đang nở. Nhưng bọn  người quyền thế đã mang những bao tiền đầy ắp đè em xuống tận đáy cuộc đời. Cho đến lúc chẳng còn hát nổi chúng  vứt em vào thứ cô nhi viện dành cho những người lớn đã bị liệt vào hàng phụ phẩm. Lão Tà Giáo không giải mã thì  ta cũng chẳng hiểu cô gái đã nói những  gì. Từ làng này ra đi nên ta biết tỏng  lũ người xu thế. Đầm đìa giọt sương. Ta đi giữa những gào thét của lũ người thuyết lý. Kể từ lúc nhận ra ngọn lửa trí tuệ trong người là con người quen thói thuyết lý. Hương thơm của những miền không có đâu. Ánh sáng của những năng lực huyền bí. Trực giác. Và vô ngôn. Thuyết lý như những giọt cam lồ rưới lên nỗi  khổ đau của con người. Và con người thì  chẳng hay biết tự lúc nào thuyết lý đã  trở nên thứ  phương sách hai mặt. Để xích lại nhau hơn. Và cũng để thù hận  nhau hơn. Nàng đã lạc loài giữa cuộc hận thù của thế giới. Hát để có áo mặc. Để có cơm ăn. Cho đến lúc lũ người thuyết lý ném nàng vào thứ lò dưỡng sinh đương đại, ta chuộc nàng từ tay cai ngục, để kết nghĩa phu thê. Lập tức lũ chúng, cái lũ người nhân danh chánh giáo, hô hoán rằng ta là kẻ trụy nát. Ta lặng lẽ cam chịu làm kẻ trụy nát để cho tròn nghĩa phu thê.  Nhưng đến lúc lũ người thuyết lý lập đàn tế trời, kêu gọi lương dân đem sức lực ra phá rừng trồng kê,  ta không im tiếng được, bảo rừng là trời sinh để thở dưỡng chất cho con  người, phá rừng là làm cho con người không còn thở nổi. Lập tức lũ chúng bảo ta là phản trắc. Ta nói thà làm kẻ phản trắc chứ không thể để cho kẻ ngu làm cho lương dân thoi thóp.  Lập tức chúng đuổi ta ra khỏi làng. Và ghi vào sử sách rằng  ta là kẻ theo  tà giáo. Mấy trăm năm qua phu thê ta đã đi khắp thế gian để nói cho mọi người hay những thuyết lý xưa nay đám vua chúa đem ra để trị dân chẳng qua là những nước bọt đã được cô đặc lại thành chữ nghĩa. Nhưng ta lại lo cho ngươi đang  thành kẻ xu thời ! Lão Tà Giáo vò nát trang cổ thư ném xuống chân, bảo. Rồi dắt  cô gái  bước về phía vô hạn đang mở ra ở phía trước.

tiết lập hạ, 2011