KHOÁ
Món quà Giáng Sinh bất ngờ cho cả người được tặng và người tặng
-Em xin lỗi thầy, em về quê ôn thi nên không đến dự các giờ giảng của thầy được.
-Sao cơ? Giữa chúng ta đâu có gì chung.
Cô sinh viên kinh ngạc trước câu trả lời và nhìn thấy một ổ khoá lủng lẳng giữa hai hàng lông mày của thầy giáo, ngay chỗ bắt đầu sống mũi. Cô mở túi xách lục lọi tìm kiếm hồi lâu mà chẳng biết mình tìm gì, rồi cô chợt hiểu ra cô muốn một cái chìa khóa. Nhưng hôm nay vội quá cô đã để quên cả chùm ở nhà, vả lại cô cũng chưa bao giờ chuẩn bị đủ chìa khoá cho mọi trường hợp. Cái ổ khoá im ỉm giữa khuôn mặt đóng kín. Chủ nhà đã đi vắng rồi, phải về thôi, vì sẽ phải đợi đến bao giờ đây? Và đợi để làm gì?
-Giữa chúng ta không có gì chung.
Sao cô ấy không hiểu điều đơn giản này nhỉ? Người thầy ngạc nhiên. Cô ấy đã làm một việc vô nghĩa lý nhất: đến xin lỗi thầy. Cô có lỗi gì đâu khi với cô tri thức chỉ là phương tiện giúp cô đạt điểm cao trong kỳ thi, giúp cô toả sáng như một trí tuệ chất lượng cao thực sự. Và khi giá trị của tri thức được đo bằng điểm thì cô đâu cần phải đến dự những giờ giảng của anh. Cô sẽ không được gì vì học kỳ này không thi vào phần chương trình do anh phụ trách. Anh cũng chẳng mất gì vì tình yêu đối với tri thức, cũng như mọi thứ tình khác, có thể nào ép uổng được.
Thỉnh thoảng anh bí mật dùng chiếc chìa khoá vạn năng mở một vài ổ khoá im lìm nối hai hàng lông mày trên những khuôn mặt kín bưng đang hướng về anh trong giờ giảng. Anh muốn biết mối tình với văn chương có gì khác nhau ở mỗi người. Nhưng anh thường do dự dừng lại trước những cánh cửa đã mở rộng. Anh sợ. Nếu anh gặp một mối tình quá mãnh liệt anh sẽ chết ngạt. Nếu đó là mối tình sâu sắc anh sẽ cảm thương. Nếu nó hời hợt anh sẽ tổn thương. Nếu nó bị cưỡng bức anh sẽ ngán ngẩm. Nếu gặp một kẻ bội tình anh sẽ đau khổ. Nếu không gặp gì cả anh sẽ choáng váng.
Điều đáng kinh ngạc hơn cả là trường Đại học Ngư nghiệp của anh lại dạy văn cho sinh viên.
Họ cần đến văn học để làm gì? Liệu văn học có thể làm tăng sản lượng cá? Tôm có nhờ đến văn học để đẻ nhiều trứng đâu. Và nếu như văn học có thể giải quyết êm thấm vụ kiện bên Mỹ về việc phá giá cá basa thì cũng đáng đưa vào chương trình.
Nhưng đáng kinh hãi nhất là anh lại muốn họ phải yêu chính cái thứ vô tích sự đó.
Cơn kinh hãi lên đến tột đỉnh khi một lần anh cho chiếc chìa khoá vạn năng vào ổ khoá màu vàng được lựa chọn rất ngẫu nhiên, xoay hai vòng sang phải mở toang cái thế giới đằng sau khuôn mặt khép kín của nữ sinh viên có đôi mắt sáng ngời và bắt gặp một mối tình y hệt mối tình của anh. Anh ngây dại cuống quít rút chìa khoá ra cắm vào ổ khoá giữa trán mình và giật tung ném mạnh nó vào không khí. Anh và cô ấy, cả hai cuống cuồng thám hiểm lẫn nhau. Cả lớp ý tứ cho sách vở vào cặp rồi rút ra ngoài. Tiếng lao xao vọng vào từ sau cánh cửa:
-Lạ nhỉ? Sét không đánh từ cái nhìn đầu tiên.
-Sét đánh vào cái nhìn thứ 203.
-Không phải đâu, 2003.
-Chắc đây chỉ là lần thứ tư thứ năm gì thôi. Thầy có mấy khi nhìn vào góc ấy.
Chiều xuống cô sinh viên đến nhà thầy và họ cùng đàm đạo về văn học. Họ soi mắt vào nhau, người này thấy rõ trong mắt người kia niềm si mê của chính mình. Mọi người nghĩ họ say mê nhau. Còn họ biết rõ họ có cùng một đối tượng say mê, và chẳng mấy chốc đối tượng ấy khiến họ trở thành những tình địch không đội trời chung.
-Cảm thụ văn học theo kiểu của em thật ngu ngốc, thế thì còn gì là văn chương nữa.
-Còn thầy, nhận xét của thầy mới bất công làm sao. Sao thầy có thể kết luận thiếu căn cứ như vậy được.
-Em phê bình văn học đầy cảm tính. Không có tí khoa học nào.
-Thầy có biết rằng chụp mũ người khác như vậy là bất lương không? Thầy mang cân tiểu ly để cân cả một sự nghiệp đồ sộ như vậy, lương tâm thầy ở đâu?
-Em bình tĩnh nào.
-Thầy cũng bình tĩnh lại đi. Tình yêu của thầy chỉ mang đến sự huỷ diệt.
-Còn em thì sao nào? Em mang đến cái gì? Sự báng bổ.
Cơn cuồng nộ bốc khói trên đầu họ. Hai người ôm chặt cùng một niềm say mê ấy lăn xả vào nhau. Họ tống cơn giận dữ vào trong nhau, xé toạc lẫn nhau, cho đến lúc cả hai không còn gì ngoài sự trần trụi thuở lọt lòng. Nội tâm họ bị lộn trái ra ngoài. Có bao nhiêu phơi bày hết bấy nhiêu. Họ run rẩy. Cơn giá lạnh của sự thù địch cuốn họ lên giường. Họ vội vã lật tấm chăn bông, chui vào đó. Một cách thoát hiểm hiệu quả. Hơi ấm dần dần ủ họ vào sự bình tĩnh. Họ thanh thản trở lại và sững sờ nhận thấy mình đang ở tư thế kinh điển của những kẻ yêu nhau: vòng ôm xiết chặt, má kề má, tay trong tay, chân trong chân, mọi thứ đều ở trong nhau.
-Sau này em sẽ làm gì?
-Nuôi trồng thủy sản. Còn thầy?
-Vẫn vậy thôi. Nuôi trồng tâm hồn.
Kết quả của cơn cuồng nộ ngày hôm đó là một bé trai ra đời chín tháng sau. Nội tâm nó bị lộn trái ra ngoài. Trên mặt nó người ta đọc được những chỉ dẫn hết sức đầy đủ về số phận một đứa trẻ không cha và thiếu tình yêu của phái mạnh. Nó sống trong một môi trường âm tính. Những vòng tay và nụ hôn của bà, mẹ, dì, cô giáo mầm non đã thủ tiêu tính tự chủ nơi nó. Nó lễ phép, ngoan ngoãn và mềm mại như cây lúa. Và như cây lúa, nó được chăm bón chờ ngày trổ bông, đơm đòng, kết hạt.
Người mẹ định hướng cho nó thi vào Đại học Ngư nghiệp, mong rằng ở đó tâm hồn nó được vun xới, và mong người vun xới tâm hồn sẽ nhận ra nó. Người đó hàng năm với chiếc chìa khoá vạn năng hết mở rồi đóng những cánh cửa im lìm. Thất vọng nối liền hy vọng đến rồi đi trong nỗi chờ đợi một cơn cuồng nộ mới. Nhưng sau cái lần duy nhất ấy mười tám năm về trước, anh chỉ còn thấy vô vọng.
Cậu sinh viên ấy mang một cái ổ khoá to chưa từng thấy. Anh cũng chưa thấy một khuôn mặt nào bí hiểm như vậy. Nó khiến anh trở nên dè dặt, thận trọng. Thay vì ở trên lớp, anh mời cậu bé đến nhà chơi và đưa cái chìa khoá vạn năng của mình lên trán cậu với tất cả sự căng thẳng, tập trung cao độ. Nó không có tác dụng. Nó quá nhỏ so với ổ khoá. Lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm dạy học của anh, nó trở nên vô dụng.
-Em là ai?
-Mẹ em nói thầy sẽ nhận ra em.
-Mẹ em là ai?
-Là một học sinh cũ của thầy. Mẹ em bảo em là con của một gia đình đầu rau.
-Mẹ em là nhà văn sao?
-Dạ không. Mẹ em làm nghề nuôi trồng thuỷ sản.
-Thầy xin lỗi, phần lớn sinh viên của thầy đều làm nghề ấy. Sau này em sẽ làm gì?
-Em chưa biết. Em không thích nuôi trồng thuỷ sản. Còn văn học, đối với em, giống như một cái ổ khoá không có chìa.
Cậu vừa nói đến đây thì ổ khoá trên trán cậu rơi xuống đất. Thế là hết, không còn cách nào để mở vào thế giới của cậu giờ đây đã vĩnh viễn khép chặt. Người thầy nhặt nó lên và lẩm bẩm: đây chính là văn học sao?
Anh yêu cậu sinh viên đó. Anh biết vậy. Yêu bằng một mối tình không lý giải nổi. Hàng tuần anh chờ đợi giờ lên lớp để nhìn cậu. Hai tuần một lần anh đợi cậu đến thăm anh mang theo món quà tôm cá của bà mẹ cậu gửi cho anh, còn anh gửi lại bà những lời cảm ơn mà nội dung có thay đổi chút ít. Cả hai, anh và mẹ cậu ấy, đều chờ đợi cái ngày anh sẽ nhận ra cậu là ai. Giờ văn cuối cùng ở lớp cậu. Anh dồn tất cả tâm huyết gắng xuyên qua vầng trán bí hiểm của cậu. Anh nhìn thấy, tại đó, trên khuôn mặt cậu, sự bất lực của chính mình. Anh thấy cậu giống mình khủng khiếp và anh ước sao cậu là con trai mình. Nhưng anh không muốn cậu đi vào cuộc sống với sự bất lực của người khác in dấu trên mặt. Anh lặng lẽ từ giã cậu, lặng lẽ gìn giữ cái ổ khoá cậu đánh rơi ở nhà anh, cậu không bao giờ biết đến nó. Đêm đêm anh đặt nó trên bàn, ngay trước mặt anh, âm thầm dùng ngòi bút mở nó ra từng tí một. Khi ổ khoá được tháo tung cũng là lúc anh hoàn tất cuốn tiểu thuyết viết tặng cậu sinh viên và người phụ nữ từng là học trò anh nhưng anh không còn nhớ nữa. Khoá, chính là cái tên mà anh đã đặt cho cuốn tiểu thuyết ấy. Cuốn sách được tung ra thị trường. Một chiến dịch quảng cáo rầm rộ khiến độc giả háo hức tìm mua. Họ lật trang đầu tiên thì thấy một ổ khoá nằm đó, câm lặng. Không thợ khoá nào đủ tài đánh nổi chìa cho ổ khoá đó. Cuốn sách, vì vậy, cho đến giờ vẫn chưa được mở ra.
Cho đến giờ anh vẫn chưa hiểu vì sao mọi người lại nói với anh rằng họ không có chìa khoá để mở cuốn sách của anh và đề nghị anh giúp họ. Lúc đầu anh tức giận nghĩ là họ đang nhạo báng, đang đem anh ra làm trò cười, vì anh đi vào cuốn sách rất dễ dàng, không thấy một ổ khoá nào như họ nói, cả những cuốn anh có ở nhà, cả những cuốn họ mang đến cho anh. Để chứng minh anh không hề bị chế giễu, họ tự tay mở trang đầu tiên và chỉ cho anh: “đấy, ổ khoá đấy”. Anh nhìn theo ngón tay họ và đọc được từ KHOÁ viết hoa in đậm, tên cuốn sách. Anh nhẹ nhàng lật giở từng trang từng trang trước đôi mắt tròn xoe mở to đến mức lồi ra của họ. Nhưng cũng cuốn sách ấy khi ở trong tay họ thì những trang giấy ép chặt lại với nhau và họ cứ loay hoay ngay trước mặt anh. Anh đờ đẫn đứng nhìn, biết rõ không giúp gì cho họ được. Anh quên mất rằng mình là người có tài mở khoá. Anh đã sở hữu chiếc chìa khoá vạn năng lâu đến mức giờ đây nó nhập hẳn vào mắt. Chỉ cần mắt chạm vào bất cứ thứ gì, thứ đó lập tức sẽ được mở ra. Nhưng tiếc rằng quyền lực của nó rất hạn chế. Anh không thể mở hộ người khác được.
Anh khóc cho những cuốn sách của mình. Bao nhiêu điều anh đã gửi gắm vào đó. Rốt cuộc, nó cũng câm nín như suốt một đời anh đã câm nín. Hy vọng và tuyệt vọng , rốt cuộc, có giá trị ngang nhau trên các kệ sách. Càng khóc mắt anh càng sáng hơn, quyền năng của chiếc chìa khoá trong mắt anh càng lớn hơn. Quyền năng đó cho phép anh nhìn rõ thế giới mục ruỗng xung quanh mình. Anh khóc, và khóc, và khóc. Với một mong muốn mãnh liệt là chiếc chìa khoá ấy phải lìa khỏi mắt anh, để anh có thể nhìn mọi thứ như tất cả những người xung quanh và được hạnh phúc như họ. Anh khóc vì biết rằng nếu anh nhìn mọi thứ giống những người xung quanh thì anh cũng không thể hạnh phúc như họ, vì anh sẽ không quên được những gì đã nhìn thấy.
Giáng sinh. Hai tư tháng mười hai năm hai ngàn không trăm linh ba. Trên bàn có cuốn sách của anh và bên cạnh là cái ổ khoá của cậu sinh viên năm nào. Anh sẽ đọc lại nó lần cuối cùng rồi dùng ổ khoá kia khoá nó lại, vĩnh viễn. Những giọt nước mắt cuối cùng của anh sẽ đẩy chiếc chìa khoá ra ngoài. Anh sẽ vứt nó xuống bồn cầu, vĩnh viễn. Bằng cách đó anh sẽ bình đẳng với tất cả mọi người còn lại.
Hai giọt nước mắt cuối cùng rơi xuống. Hai giọt nước mắt lớn nhất đời anh. Hai vật cuối cùng mà anh nhìn thấy. Chúng là hai con ngươi của anh. Chúng va vào ổ khoá, khiến nó mủn ra thành bột. Bột ấy cùng tiếng chuông nhà thờ phát tán khắp không trung. Mười hai giờ đêm. Người đàn ông bay vào trong cuốn sách mở rộng. Cùng lúc ấy, những cuốn sách khác của anh, nằm rải rác trên các kệ sách trong thành phố, giật mình để rơi xuống đất một ổ khoá treo phía sau trang bìa nhất. Sáng hôm sau sẽ có 950 cái ổ khóa bị vất vào sọt rác (cũng có thể chỉ có vài trăm thôi). Cũng sẽ bị vất vào sọt rác những tờ báo có đăng mẩu tin: một giáo viên văn trường Đại học Ngư nghiệp đột nhiên mất tích vào đêm Noel.
Sáng hôm sau người mẹ sẽ dẫn cậu con trai đến gặp bố.
Mùa Giáng sinh 2003