CON RẠCH BẦU NHUM

phan ni tấn

 

Chú Tôi thím Tìa sanh cùng ngày cùng tháng cùng năm tại ấp Bầu Nhum, tỉnh Rạch Giá. Thuở ấy, ấp Bầu Nhum cất dọc hai bên con rạch đâu trên dưới 40 căn, toàn mái tranh vách lá. Nghèo xác xơ vậy mà ấp cũng mở dược một lớp học cho con cái tới học ba chữ i tờ. Ở cạnh nhà, chú Tôi thím Tìa cùng ghi tên nhập học với đám con nít lên năm lên ba. Học được một thời gian chú thím cùng nghỉ học để phụ giúp gia đình làm ruộng, giăng câu sống qua ngày. Sau rốt cả hai... phải lòng nhau mà thành vợ thành chồng. Nghĩa là từ nhỏ tới lớn trờỉ xui đất khiến chú Tôi và thím Tìa cái giống gì cũng long phụng kỳ hòa, loan phượng song đôi, long lân sánh cặp ráo trọi.

Ở Bầu Nhum ai cũng lấy làm lạ về gia cảnh chú thím Tôi. Ngay cả sui gia cũng thiệt lạ đời. Cùng một ngày cả hai ông sui đồng thanh khóc vợ. Bà thì bị rắn mái gầm cắn ở ngoài đồng, chết trên đường chở tới bịnh viện tỉnh. Nội chèo qua rạch Năm Nám, rạch Tư Đương, băng qua sông Chắc Băng cũng đủ tắt thở rồi. Bà thì trèo cây ăn ong ở tận miệt U Minh Thượng bị tổ ong vò vẽ rớt trúng đầu. Sống gì nỗi. Hai bà cùng tuổi, chết cùng ngày. Sống thì sát vách nhau, chết hai bà lại nằm cạnh nhau. Như thể kiếp trước họ hò hẹn sao đó mà kiếp này sống chết có nhau. Lại nữa, nghĩ thấy tội nghiệp. Sui gia nào cũng sanh độc một đứa con như hủ mắm treo đầu giường. Chỉ khác một điều duy nhất là, hai ông sui vốn là bậc võ sư Bình Định gia truyền nên tía của chú Tôi truyền thụ võ nghệ cho chú; còn thím Tìa thì tía thím truyền.

Thật ra xưa kia hai ông là con cháu ba đời của nghĩa sĩ Tây Sơn nối giòng. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, tiên phụ của hai ông phải bỏ xứ Bình Định chạy về tận miệt trên ngọn Sóc Xoài, Rạch Giá lánh nạn. Có lẽ tiên phụ nằm trong nhóm nghĩa quân Tây Sơn từng đánh đuổi Nguyễn Ánh chạy qua vùng đất chim kêu vượn hú này nên để nhớ lại biến cố lịch sử mà đặt tên cho cuộc đất khẩn hoang là Tây Sơn chăng? Ở Tây Sơn, họ mau chóng bỏ đồ đao, cởi lớp áo huyền biến thành dân dã lên rừng đốn củi, làm ruộng rẫy ẩn nhẫn sống qua ngày. (Nghe nói trước 1975 ở Tây Sơn vẫn còn một góc nền gạch vụn chìm giữa đám rừng hoang dã mà cánh tiều phu cho đó là đồn lũy Tây Sơn còn sót lại).

Từ đó, lần theo năm tháng đã đẩy bước chân cần lao của họ qua nhiều cuộc đất. Khởi từ Tây Sơn, tới Cây Xoài, qua Bầu Láng, vô Đồng Giữa, xuống Thứ Sáu Trong, rồi Thứ Ba Biển, Hà Tiên, lúc về tới Bầu Nhum thì dừng chân lấy đất làm kế sanh nhai, lập gia đình nối giòng nối giống qua nhiều đời mà hạ sanh hai ông sui sau này. 

Cuối cùng người già lần lượt rủ nhau qui tiên bỏ lại gia đình chú thím Tôi với con đùm con đề sống leo nheo bên con rạch Bầu Nhum nước chảy lờ đờ.

Ở Bầu Nhum, từ ông già bà cả cho tới chòm xóm đều nhất tề ghi nhận gia đình chú thím Tôi là một gia đình đặc biệt nhất: đông đảo nhất, nheo nhóc nhất, chộn rộn nhất, săng sái nhất, võ nghệ nhất, hào phóng nhất, xung phong nhất, khắn khít nhất nên có tiếng nhất ở rạch Bầu Nhum.

Bà con nào chân ướt chân ráo lưu lạc tới miếng đất Bầu Nhum xa xôi hẻo lánh đều được cả gia đình chú thím Tôi hè nhau giúp đỡ. Trong khi vợ chồng chú thím cùng chòm xóm mau mắn dựng tạm cái lều cái chõng trú mưa trú nắng thì sấp nhỏ chạy đi quyên miếng rau, góp miếng muối, sớt nhúm đường - của ít lòng nhiều - ủy lạo bà con mới tới.

Người ta có thể gán câu "yêu nhau lắm, cắn nhau đau" cho chú thím Tôi coi bộ không trật cái chỗ nào. Sống êm thắm quá, hạnh phúc quá riết cũng chán nên lâu lâu chú thím quậy lên chút sóng cho vui nhà vui cửa.

Xưa nay vợ chồng hục hặc nhau là chuyện thường tình. Nhưng ngẫm ra cũng thấy ngộ. Như ở Bầu Môn có cặp vợ chồng Tư Nhọn hễ gây gỗ nhau, anh liệng cái chén thì chị liệng cái dĩa, ngược lại chị cái dĩa thì anh cái chén, rốt cuộc không còn một miếng sành ăn cơm họ lại phải nạo mũng dừa đựng cơm đụng canh lua qua bữa. Đúng là giận mất khôn.

Riêng chú thím Tôi, vì mang nghiệp võ vào thân nên mỗi lần gặp cảnh cơm không lành canh không ngọt, chú Tôi không bao giờ đập đồ đập đạc (dại gì) mà thím Tìa cũng không lời qua tiếng lại (tốn hơi), cứ đưa nhau ra sau hè giải quyết bằng quyền cước là xong cái rột. Riết rồi thành thông lệ. "Cắn" nhau đến sứt đầu lỗ trán xong hè hụi thoa bóp, nắn gân, sửa khớp, băng bó vết thương cho nhau đâu vào đó rồi ... chú thím lại "yêu" nhau ra rít.

Kết quả của "sự yêu" là sòn sòn năm một thím Tìa cho ra đời bốn cặp sanh đôi vị chi là tám mống khiến cả làng cả xóm phải lắc đầu le lưỡi. Trai cũng như gái, y chang tía má sấp nhỏ: khoẻ như văm, mà mạnh thì như trâu cui. Cả tám đứa chưa từng thấy dứa nào... bịnh một lần cho chòm xóm "nó" vui. Hồi còn sanh tiền thỉnh thoảng hai ông sui phải đứng ra làm trọng tài cho chú thím Tôi giải quyết chuyện gia đình xào xáo bằng võ nghệ. Sau này hai ổng qui tiên chú thím mới bắt sấp nhỏ làm chứng. Để san bằng chuyện bất đồng, lần nào cũng vậy, thím Tìa cũng hơn chú Tôi, không một đường cước thì cũng một đường quyền.

Người có tinh thần thượng võ, hơn thua là chuyện thường tình, nên sau khi sóng êm bể lặng chú Tôi thím Tìa lại vui vẻ bắt tay dựng lại nhà, sửa lại vườn, tiếp tục dạy dỗ truyền thụ võ công cho đám nhóc nheo đang lớn. Từ thằng hai, con hai cho tới thằng út, con út được chân truyền nên võ công của tụi nó khiến cả xóm đều nể phục. Phải nói nhà của chú thím Tôi là một lò võ công chi bảo. Có điều, chòm xóm tuy không nói ra nhưng ai cũng thương gia đình chú thím có võ mà không có đất dụng võ; không có thời có đất khiến võ nghệ ở cái chốn khỉ ho cò gáy này đâm ra lạc loài, trật quẻ làm sao. Coi oai phong lẫm liệt, phong độ dữ dằn, tiền hô hậu ủng vậy nhưng cả nhà đều hiền khô như con rạch Bầu Nhum.

Lần theo năm tháng trôi qua, sắp nhỏ của chú thím Tôi cũng đã lớn bộn. Như những con chim ra ràng chúng bay đi khắp chốn. Đứa dắt vợ lên Sài Gòn mở trường dạy võ, đứa theo chồng ra Phú Quốc làm nước mắm, đứa Hà Tiên, đứa Long Xuyên, đứa Cần Đước, đứa đi biển, đứa đi buôn; riêng vợ chồng thằng út vẫn ở Bầu Nhum nhưng dọn ra gần đó, còn vợ chồng con út ở chung với tía má làm ruộng, giăng câu, đặt lợp sống qua ngày. Nhà Phật nói phúc đức tại mẫu nên con cái sau này đứa nào cũng ăn nên làm ra, thỉnh thoảng vài ba tháng gởi tiền về cho tía má xài chơi.   

Từ ngày có tiền bạc rủng rỉnh, chú Tôi sanh tật... mê gà. Hôm đi coi đá gà ở xóm bên về chú chợt nảy ra một ý khá kỳ ngộ. Là con nhà võ chú quan niệm: "Đá gà cũng là một môn đấu võ". Từ đó, vợ con mần gì thì mần, riêng chú suốt ngày cứ con gà đá mà nâng niu ôm ấp. Lúc chú Tôi tậu gà về thím Tìa trầm trồ khen miết: "Chèng đéc! Cái cựa bén ghê. Cái mào đỏ chét hà. Ông coi cái tướng của nó kìa, so cựa thì phải biết...". Có điều gà nhà ta coi tốt mã vậy nhưng đá đâu thua đó. Ban đầu cả nhà còn an ủi, phụ chú Tôi cho nó ăn nó uống theo cách chỉ dẫn của mấy trự đá gà, nhưng thắng đâu không thấy, thua vẫn hườn thua. Riết rồi thím chán gà, ngán lây qua ông gia trưởng. Ba tháng ròng đổi ba con gà nòi, hết lòng nựng nịu chăm lo, lúc ra sân con thì ngất ngư, con tử mị, con thua chạy dài. Vợ thương hại, ngó đức ông chồng dù thua trắng vẫn vui với cái vui hồn hậu.

Nhưng ở đời cái gì cũng đừng quá đáng. Hiền như thím Tìa tới lúc bực cũng phải lên giọng. Ngặt một nỗi thím vừa mở miệng, chú đã hất cái bản mặt thấy ghét hướng ra sau hè tỏ ý thách thức. Một lần hai lần còn bỏ qua, lần thứ ba thì có chuyện.

Cái gì mà mới bét mắt đã thấy chú Tôi nựng con gà vừa hun hít vừa lẩm bẩm xì xàm. Đang làm cá thím ngước lên thấy ngứa mắt bèn nổi cơn tam bành lục tặc cắm con dao xuống tấm thớt nghe một cái kịch; đứng phắt dậy phủi đít thím hét một tiếng trợ oai tay dùng chiêu Hùng kê quyền tấn công liền. Chú Tôi mê gà không kịp né bị năm ngón tay của thím mổ trúng ngực đau điếng. Buông rớt con gà khỏi tay chú Tôi lạng quạng giựt lùi năm bước liền. Dựa vách, chú nhăn nhó ôm ngực phán một câu xanh dờn làm thím Tìa khựng lại:  

- Bà có ngon ra sau hè ăn thua đủ với tui. Nói bà hay bà mà thắng tui keo này tui thề bỏ nhà đi luôn. Ngược lại, bà đi.

- Á à! Cái này ông nói đó nghen.

- Quân tử nhứt ngôn. Phen này tui cho bà đi luôn.

- Xì! Theo chú bước ra sau hè thím Tìa cười khẩy, chưa biết tui đi hay ông đi đây.

- Khỏi nhiều lời. Ra tay đi.

 

Trận đấu sống mái giữa chú Tôi và thím Tìa đã để lại trong lòng chú một ấn tượng khôn nguôi. Đã 25 năm rồi chú Tôi vẫn không sao thoát khỏi vùng tù hãm của nỗi buồn tràn bờ. Cái buồn âm ỉ đó như ứa ra từ đáy sâu tâm hồn tạo thành một trạng thái mộng du, một nỗi ám ảnh, ngày và đêm c dày vò, ray rức tâm can chú.

Vợ chồng ăn ở với nhau tới đầu bạc răng long, rốt cuộc lúc tỉ thí chú Tôi vẫn không làm sao thắng được thím Tìa. Cũng mấy chiêu thức quen thuộc đó, cũng ba cái khẩu quyết rành rọt đó, nhưng không biết ông già vợ truyền bí quyết gì mà qua tay thím Tìa nó trở nên biến ảo khôn lường, đã áp đảo chú Tôi thật mãnh liệt. Lúc bị thím đánh té ngồi trên đất, chú Tôi vừa tức vừa thương vợ nhiều hơn. Chú nhớ hoài cặp mắt nhơn hậu, biết cảm thông và tha thứ của ngươì đàn bà nhà quê, là thím Tìa khi thím cúi xuống kéo chú Tôi đứng dậy. Cũng may, lúc đó vợ chồng con út đang làm cỏ lúa ngoài ruộng không hay biết gì.

Dù chú Tôi thua cuộc dẫn đến cảnh bại vong lưu lạc qua Hà Tiên ở với vợ chồng thằng Tư nhưng là con nhà võ, sau một thời gian dài chìm trong buồn bực, chú Tôi dần dà lấy lại tinh thần lạc quan, dũng cảm. Đã lâu chú không dụng võ, lúc dợt lại vài đường quyền, phóng ra vài ngọn cước đối địch với thằng Tư chú mới biết mình đã già thiệt sự.

Nhà Phật nói sanh lão bệnh tử thiệt không sai. Chú Tôi là người, chú Tôi theo tuế nguyệt, tuy không ốm đau bại sụi gì, tinh thần vẫn minh mẫn, nhưng ở cái tuổi cửu tuần chú mất vì bệnh già.

Lúc con vợ thằng Tư hơ hải về Bầu Nhum báo hung tin, đúng lúc con út bay ngược qua Hà Tiên báo thím Tìa lìa đời. 

 

Chuyện tôi viết ra đây là do anh Hai Tụ, con của chú thím Tôi trong lúc trà dư tửu hậu đã kể cho tôi nghe năm 1972 tại huyện TâySơn, tỉnh Bình Định. Năm đó tôi cùng đại úy Vĩnh từ Kontum ra Qui Nhơn công tác với sư đoàn Bạch Mã, Đại Hàn mới biết ở Tây Sơn có tổ chức lễ hội truyền thống phát huy tinh hoa võ thuật. Tại đây tôi quen biết võ sư Hai Tụ.Từ đó đến nay ngót 45 năm tôi không còn nghe tin tức gì về anh.

Nghệ thuật của võ thuật, qua gia tộc chú Tôi và thím Tia, tôi nhắc lại đây như một hoài niệm, nó dựng lên trong cuộc đời làm người một nỗi đam mê, cầu tiến lẫn u hoài.