QuaQuyt-ARyunosuke-QuynhChi

 

Quả quýt

Nguyên tác: Mikan , Akutagawa Ryunosuke

 

Vào một buổi chiều đông u ám. Tôi ngồi ở một góc toa tàu hạng hai của chuyến tàu đi từ ga Yokosuka lên Tokyo và đang lơ đãng đợi còi tàu khởi hành. Trong toa hành khách đèn đã bật sáng từ lâu, lạ thay ngoài tôi chẳng có một người khách nào khác. Nhìn ra ngoài sân ga mờ tối, hôm nay cũng lạ thật, sao chẳng thấy bóng người ra tiễn, mà chỉ có một con chó con bị nhốt trong cũi thỉnh thoảng cất tiếng sủa ra chiều buồn bã. Cảnh vật sao mà giống tâm trạng của tôi lúc ấy đến lạ. Cảm giác mệt mỏi và một nỗi buồn chán khó tả trong tâm trí như thể đang trĩu nặng xuống dưới một bầu trời tuyết u ám. Tôi cứ để yên hai tay trong túi áo măng tô mà chẳng buồn rút tờ báo chiều trong túi ra đọc.

Rồi tiếng còi tầu vang lên. Tôi thấy lòng hơi dịu lại, tựa đầu vào khung cửa sổ, hờ hững chờ cho sân ga trước mắt sắp chầm chậm lùi dần. Thế nhưng ngay trước đó tôi bỗng nghe có tiếng guốc ghê ta quèn quẹt vang lên từ phía cửa soát vé, rồi cùng với tiếng chực quát mắng của người soát vé trên tàu, cánh cửa toa hạng hai của tôi bật mở ra, và một cô gái chừng mười ba mười bốn tuổi hấp tấp bước vào. Cùng lúc đó con tàu nặng nề lắc mình rồi từ từ chuyển bánh. Từng chiếc cột trên thềm ga chia cắt cảnh vật trước mắt vụt trôi qua, chiếc xe rải nước như bị bỏ quên, rồi người phu khuân vác đang cảm ơn ai đó trên tàu đã cho tiền thưởng, tất cả những hình ảnh ấy đều đổ dài xuống và lùi dần như nuối tiếc trong làn khói tàu tạt vào cửa sổ toa xe lửa. Bấy giờ tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm, vừa châm lửa điếu xì gà, vừa nhướng mí mắt mệt mỏi lên thoáng nhìn vào mặt con bé đang ngồi trước mặt.

Đó là một con bé nhà quê đặc sệt, mái tóc xơ xác không chải dầu được vấn ra đằng sau, hai gò má nứt nẻ đầy những vết quệt ngang đỏ ửng trông phát khiếp. Hơn nữa, con bé còn quấn chiếc khăn choàng len màu vàng lục bẩn thỉu buông xuống trên đùi có đặt một bọc tay nải lớn. Thêm vào đó là đôi bàn tay nứt nẻ vì buốt giá đang ôm cái bọc ấy, còn khư khư nắm chặt chiếc vé tàu hạng ba màu đỏ. Tôi không ưa được nét mặt quê kệch của con bé này. Bộ quần áo bẩn thỉu của nó càng làm tôi thêm khó chịu. Và sau hết là sự ngu ngốc đến nỗi không phân biệt được hạng hai với hạng ba của nó làm tôi bực mình. Vì vậy sau khi châm điếu thuốc hút, để quên hẳn sự có mặt của con bé này, tôi bèn lấy tờ báo chiều trong túi nẫy giờ mở ra lơ đãng đưa mắt đọc. Ánh sáng bên ngoài đổ trên trang báo chiều lúc đó bỗng chuyển sang ánh đèn điện, những cột báo bị in mờ bất ngờ lại hiện rõ trước mắt tôi. Thì ra con tàu đã chui vào đường hầm đầu tiên trên tuyến đường Yokosuka lắm đường hầm này.

Thế nhưng khắp mặt trang báo buổi chiều được chiếu sáng bởi ánh đèn điện ấy đăng toàn những chuyện hết sức nhàm chán tầm thường trên đời đã chẳng làm dịu được nỗi phiền muộn của tôi. Nào tin về vấn đề hòa ước, tin cô dâu chú rể, tin tham nhũng, nào cáo phó. Từ lúc con tàu chui vào đường hầm, tôi có ảo giác như là tàu đang chạy ngược, và hầu như tôi chỉ lần lượt đưa mắt lướt như cái máy qua các bản tin khô khan vô vị ấy. Thế nhưng suốt nẫy giờ, tôi vẫn không thể không chú ý đến con bé, với dáng vẻ như thể là một thực thể thấp hèn của con người, đang ngồi trước mặt. Con tàu đang chạy trong đường hầm này và con bé nhà quê kia, với trang báo đầy kín những bản tin đời thường ấy tượng trưng cho điều gì đây, nếu không phải là cuộc đời buồn chán, thấp hèn, khó hiểu. Tôi thấy tất cả đều tẻ nhạt, bèn bỏ mặc trang báo chiều đang đọc dở, lại tựa đầu vào cửa sổ của toa tàu, nhắm nghiền mắt lại như thể chết rồi, bắt đầu ngủ gà ngủ gật.

Chỉ vài phút sau, tôi bỗng cảm thấy như thể có điều gì bất ổn, bất giác đảo mắt nhìn quanh, thì thấy con bé nọ đã từ chỗ ngồi ở phía bên kia chuyển sang chỗ ngồi ngay bên cạnh tôi từ lúc nào không biết, và nó đang cố mở cửa sổ của toa tàu. Nhưng hình như cánh cửa kính nặng trịch nên con bé không tài nào nâng lên nổi. Hai gò má nứt nẻ của nó đỏ ửng lên, tiếng mũi sụt sịt thỉnh thoảng xen lẫn với với tiếng thở hổn hển dồn dập lọt vào tai tôi. Dĩ nhiên là ngần ấy thứ hẳn là cũng đủ làm cho tôi hơi mủi lòng thương hại. Thế nhưng đấy là lúc con tàu sắp chui vào đường hầm, triền núi hai bên đường phủ đầy cỏ úa sáng bừng lên trong ánh chiều sắp áp sát vào cửa sổ tàu, thế mà con bé này lại cố mở cánh cửa sổ đang đóng kín. Tôi không thể hiểu được tại sao nó lại làm thế.. Hay nói đúng hơn, tôi đã nghĩ rằng đó chỉ là một việc làm vô nghĩa của nó. Vì thế, với mối ác cảm vẫn chất chứa tự đáy lòng, tôi đã nhìn bàn tay bị nứt nẻ vì giá lạnh đang cầy cục cố mở cánh cửa sổ bằng kính ấy bằng ánh mắt tàn nhẫn, như thể chỉ mong cho nó mãi mãi không bao giờ mở được. Chẳng mấy chốc, đúng lúc con tàu vừa gầm thét vừa lao vào đường hầm, chiếc cửa kính mà con bé kia muốn mở cuối cùng cũng đã được nâng lên và rơi xuống. Qua khung cửa sổ vuông vức của toa tàu, luồng không khí trộn lẫn bụi than đen kịt đã tạo thành một làn khói nghẹt thở, mù mịt ùa vào đầy ắp cả toa tàu. Tôi vốn bị đau cổ họng, không kịp đưa khăn mùi xoa lên che mặt, đã bị làn khói ấy phả vào mặt, ho sặc sụa đến không kịp thở. Ấy thế mà con bé vẫn không có vẻ gì đoái hoài tới tôi, cứ thò đầu ra ngoài cửa sổ, mặc cho tóc hai bên thái dương bị ngọn gió trong bóng tối thổi thốc vào, nó mải nhìn về phía con tầu đang lao tới. Tôi còn đang nhìn dáng điệu ấy của con bé trong khói và ánh đèn, thì phía bên ngoài cửa sổ toa tàu cũng đang mỗi lúc một sáng dần. Nếu mùi đất và cỏ khô cùng với hơi nước mát lạnh không ùa vào, thì bấy giờ vừa mới ngớt cơn ho, chắc hẳn là tôi đã mắng té tát vào mặt con bé không quen biết này, hoặc đã bắt nó đóng kín cửa sổ lại như trước.

Nhưng lúc ấy con tàu đã êm ả chui ra khỏi đường hầm và sắp đi qua một cổng xe lửa ở một xóm nghèo nào đó nằm giữa những triền núi phủ đầy cỏ khô. Gần cổng xe lửa là mấy căn nhà chen chúc cạnh nhau, cái thì lợp rạ cái thì lợp ngói, nhà nào nhà nấy đều lụp xụp tồi tàn. Một lá cờ màu trắng nhạt lay động trong bóng chiều ủ rũ, có lẽ là do người canh cổng xe lửa đang phất.

       Tàu vừa ra khỏi đường hầm, liền trông thấy có ba đứa bé trai hai má đỏ au đang chen nhau đứng giàn hàng ở phía bên kia thanh chắn của chiếc cổng xe lửa đìu hiu vắng vẻ ấy. Chúng nó đều bé loắt choắt như thể bị bầu trời u ám kia đè bẹp dí xuống. Và chúng mặc những chiếc áo bạc phếch giống như khung cảnh lầm than ở cuối phố này. Chúng nó vừa ngước lên nhìn chuyến xe lửa đi qua, vừa nhanh nhẹn đồng loạt giơ tay vẫy, đồng thời ra sức gân cổ lên gào thật to những tiếng gì ấy mà tôi không nghe ra. Đúng vào lúc ấy, con bé nọ đang nhoài cả nửa người ra ngoài thành cửa sổ tàu, tay vươn ra và cái bàn tay nứt nẻ vì buốt giá ấy vừa mới vẫy sang hai bên, tức thì liền thấy chừng năm sáu quả quýt vàng ửng như ánh nắng ngọt ngào ấm áp lộp bộp rơi xuống trên đầu mấy đứa trẻ đang đứng nhìn theo con tàu. Bất giác tôi nín thở. Trong một thoáng tôi đã hiểu cả. Có lẽ con bé sắp đi ở cho nhà người, đã ném qua cửa sổ xe lửa mấy quả quýt cất trong ngực áo, để thưởng công cho lũ em trai đã ra đến tận cổng xe lửa đưa tiễn chị.

Cổng xe lửa ở cuối phố trong bóng chiều tà, cùng với tiếng ba đứa trẻ hò reo như bầy chim non ríu rít, và những quả quýt màu tươi rói rơi tung ra trên đầu lũ trẻ, tất cả đều thoáng vụt qua bên ngoài cửa sổ tàu trong khoảnh khắc. Thế nhưng quang cảnh đến là xúc động ấy đã in sâu vào tâm khảm tôi. Và không hiểu sao từ đó tôi đã cảm nhận được một niềm vui lai láng trào dâng. Tôi ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào con bé ấy lúc này như đã thành một người khác. Con bé đã về lại chỗ ngồi trước mặt tôi từ lúc nào, đôi má đầy những vết nứt nẻ vẫn ủ trong chiếc khăn len quàng cổ màu vàng lục, và bàn tay đang ôm chiếc bọc tay nải to tướng vẫn nắm chặt chiếc vé tàu hạng ba….

Kể từ lúc ấy, tôi mới quên được phần nào cái cảm giác mệt mỏi rã rời và cuộc đời không sao hiểu nổi, thấp hèn và buồn chán này.

Nguyên tác: Mikan (4-1919)của Akutagawa Ryunosuke

Người dịch : Quỳnh Chi (14/12/2009)