Truyện Ngắn

Trần Mộng Tú

Mùa Xuân và Điếu Cày

 

 

Cuối năm âm lịch, trời Tây Bắc vẫn còn lạnh lắm vì mùa đông chưa đi qua. Vân sửa soạn bàn thờ đón Xuân, mời ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại về ăn Tết với con cháu.

 

Bánh trái, hoa quả, nhang nến, không dám thiếu một thứ gì trên bàn thờ tổ tiên truyền thống của người Việt Nam. Vân còn nhớ bày lên bàn thờ những món rất riêng tư mà cha mẹ thích khi còn sống.

 

Vân cố tìm cho được một bó hoa huệ trắng, là loại hoa mẹ thích nhất trưng lên bàn thờ và cái điếu cày cho cha. Cái điếu cày này không phải là cái điếu cha Vân dùng gần một thế kỷ trước ở quê nhà mà là cái điếu Vân mua cách đây mới hơn mười năm, khi Vân về Việt Nam thăm quê ngoại ở Thái Bình. Cái điếu làm bằng tre, một nghệ nhân nào đó đã khéo tay chạm trổ trên cái vỏ tre còn màu xanh hình một con rồng. Vân nghĩ ngay đến cái điếu cày của cha ngày bé Vân được nhìn thấy.

 

Vân còn nhớ hồi đó, có một lần theo cha đến nhà họ hàng, cha được mời hút thuốc bằng “Điếu Bát” Trông đẹp và sang hơn, tiếng kêu cũng lạ hơn. Nhưng cái đẹp ấy không thấy phù hợp với vẻ say bí tỉ của người hút bằng “Điếu Cày”.

 

 

Mỗi năm khi Vân bày cái điếu cày lên bàn thờ, chồng Vân đều cười Vân lẩn thẩn, anh nói:

 

-         Em ơi, nếu bây giờ cha còn sống, cha sẽ nói em mua cho cha cái E-Cigarette

rồi. Ngay cả đến điếu bát, cha cũng chê chứ đừng nói đến điếu cày.

 

Vân cãi bướng:

 

-         Kệ em, em vẫn thích nhìn thấy cái điếu cày bày trên một cái bàn thờ tổ tiên ở Mỹ. Em có thấy sau này, khi hồi cư về Hà Nội, cha hút thuốc lá Melia vàng.

Nhưng hình ảnh em bắt gặp khi mới lớn, cha say thuốc lào với cái điếu cày ở nhà quê, vẫn làm em nhớ nhất.

 

Ngậm ngùi một lúc, Vân nói tiếp:

 

-         Anh biết không, cái điếu cày là hình ảnh tượng trưng hay nhất cho nông dân miền Bắc Việt Nam. Em nhớ bài học thuộc lòng “Bức tranh quê” của Trần Trung Phương có chiếc điếu cày trong đó, để em đọc một đoạn cho anh nghe:

 

           U ơi con đói lắm rồi

           Con vào trong bếp bưng nồi cơm ra

           U đang thái dở đĩa cà

           Hay con gượm tí đợi cha con về

           Trăng nhòm xuống cánh đồng quê

           Trời sâm sẩm tối bốn bề tỏa sao

           Cha tôi đã dắt trâu vào

           Nghỉ ngơi hút điếu thuốc lào say sưa

           Mẹ tôi đi cất cái bừa

           Dỡ mo cơm nắm còn thừa sáng nay.

 

Điếu thuốc lào đó chắc chắn là hút bằng chiếc điếu cày rồi. Đúng không nào?

 

 

Chồng Vân nói:

 

-         Nhưng em bày cái điếu cày của em lên bàn thờ ở Mỹ anh trông nó cũng lạc lõng như hình ảnh của ông Điếu Cày mặc lễ phục, thắt nơ đi nhận giải thưởng Tự Do Báo Chí.(*)

 

-         Tại sao anh lại cho là lạc lõng?

 

 

-         Tại vì nhiều lý do lắm. Có lẽ con mắt của anh nó lệch lạc. Này nhé: cái khuôn mặt xương xương còn rất nhiều nét bàng hoàng, cái nụ cười vừa hạnh phúc vừa gường gượng của ông trông tội nghiệp lắm. Em biết không, anh đoán, chỉ đoán thôi nhé. Khi đi nhận giải, khi đứng chụp hình, trong bao tử ông bao lời khen, lời chê, như tiếng cánh của đàn ong, đàn ve cùng cất lên một lượt. Rồi, cái hình ông Điếu Cày đứng giữa ông bà John và Diane Foley anh thấy thật cảm động. Hai ông bà này đi dự, đại diện cho người con ký giả của ông bà là James Foley bị quân khủng bố ở Syria chặt đầu hồi tháng 8 vừa qua. Ông Điếu Cày chắc thấy mình may mắn, và trách nhiệm nặng lắm.

 

 

Vân vẫn cố cãi chồng:

 

-         Nói như anh thì ông Điếu Cày cứ nên ở Việt Nam, cứ nên tiếp tục vào tù, ra tù, tiếp tục tranh đấu gần như tuyệt vọng à?

 

-         Anh không có ý nói thế, em đừng hiểu sai ý anh. Thế em không thấy mấy ông sang trước Điếu Cày à? Ông nào sang đây cũng bị người ta bắt làm anh hùng ngay. Bị cộng đồng này, tổ chức kia kéo đi mỗi nơi một mảnh và mảnh nào cũng bị dán những cái nhãn rất lạ. Đôi khi tưởng như là cái nhãn đó viết ra không bởi những người cùng một phía với mình.

          Ít ai nghĩ rằng, họ thoát ra được để bảo toàn mạng sống là điều mình nên

          mừng. Cứ ở trong nước rồi ngồi tù, hoặc bị giết chết, mình có mong cho họ

          như vậy không?

 

 

-         Chuyện chính trị em kém lắm, nhưng sao bất kỳ ở đâu trên thế giới, mỗi lần có người tranh đấu, thoát ra được nhà tù cộng sản đến phần đất tự do, chỉ sau một thời gian em không nghe thấy tên họ được nhắc đến nữa.

 

-         Chuyện ra đi từ một nhà tù cộng sản như từ cõi chết trở về cõi sống. Kỳ vọng ngay họ phải làm được điều này hay điều kia chưa chắc đã là đúng đâu.

          Em có nhớ ông Solzhenitsyn của Nga thậm chí còn không viết được tác

          phẩm nào ở hải ngoại nữa kìa. Bao nhiêu người Tàu thoát ra khỏi Trung Hoa

          sau vụ Thiên An Môn  từ 1989 làm được gì?

          Trước tiên là mừng cho họ được sống yên lành, thoát chết đã.

 

Vân vừa nghe chồng nói vừa xếp đặt bàn thờ. Thật ra những tiếng nói của chồng không còn lọt vào tai Vân nữa, chị đang khe khẽ khấn:

 

“Cha có linh thiêng thì về nhận tấm lòng thành của con, con vẫn yêu quý cái hình ảnh cha say thuốc lào bằng cái điếu cày khi con mới lên 7 tuổi.

 Xin cha cũng phù hộ cho ông Điếu Cày còn nguyên là cái điếu cày, đừng bị ai chẻ ông ấy ra như chẻ tre.”

 

Vân rưng rưng nước mắt, thắp ba nén nhang vái bàn thờ. Chị nhìn lên tờ lịch treo trên tường, cố nén một tiếng nấc, quay lại, dúi đầu vào ngực chồng.

 

-          Sắp bốn mươi năm rồi đó anh.

 

 

Chồng Vân mắt cũng đỏ hoe, vòng tay ôm, cúi xuống hôn nhẹ trên mái tóc đã ngả mầu khói nhang của vợ.

 

 

tmt

 Xuân Ất Mùi- 2015

 

(*)  Điếu Cày Nguyễn văn Hải, đi nhận Giải Báo Chí Tự Do- CPJ (Committee to Protect Journalists) ngày Nov.25th 2014 ở New York-

Giải này ông được trao năm 2013, khi còn ở trong tù.