Tường Vũ Anh Thy

 

  Tường Vũ Anh Thy

 

 

Cảm Nghĩ Lan Man Trong Lúc Tạo Hình

 

 

 

 

Một đêm tôi đang nằm đọc sách dưới ánh đèn giường, hốt nhiên nghe nhiều tiếng chim lao xao rộn rã. Rồi không biết bằng cách nào chim vào được đầy phòng; chúng xúm lại kéo nâng bổng tôi lên sát trần nhà, rồi lại thả tôi nhẹ nhàng xuống mặt giường. Hình như chúng muốn lục tìm dưới lưng tôi. Lưng tôi không có gì giấu giếm. Sau đó những con chim bay đi hết, lạ lùng như đã đến. Tất cả hiện tượng ấy chỉ xảy ra không quá mươi giây. Đây không phải là giấc mơ, vì tôi vẫn đang đọc sách. Vậy có lẽ là một ảo tượng chăng? Tôi đi rót rượu ra vườn xem trăng. Những tiếng chim mơ hồ ríu rít từ xa vọng về. Trời trăng lạnh đăm đắm hơi sương. Tôi chợt nhìn thấy xác một con chim nằm bên vỏ chai rượu nho lăn trên sàn gạch chiều, và nhiều cái nút chai vương vãi... Dưới ánh trăng mờ ảo, những cái nút chai như đang thì thầm bảo nhau rằng con chim đã chết, và phải làm đám cho chim. Hình như chúng đang cầu nguyện, ca hát, và nhảy múa. Tôi rưới chút rượu lên thân chim; và đem chôn. Khi trở lại tôi thấy những cái nút chai như say như bay như cười như khóc như chia ly như đón mời như chờ đợi… Trong tôi rộn lên những ý tưởng về những bức tranh tượng làm bằng nút chai .

Thế là tôi mê mải làm bức tranh tượng đầu tiên cho quầy rượu để uống với bạn. Có lẽ tôi sẽ làm nhanh hơn nếu không ngừng ngắm nghía nghĩ ngợi lan man mỗi khi cầm lên một cái nút. Tôi lại thường ngơ ngẩn nhìn cái nút chai này và nút chai kia để đoán già đoán non về cuộc đời của chai rượu. Mỗi chai mỗi đời như mỗi người đều có cuộc riêng... 
Nhớ trong thần thoại Hy Lạp có cái hộp của nàng Pandora, khi mở nắp thì mùi rất khó ngửi bay ra cùng tất cả mọi xấu ác đau khổ hãi hùng... Nhưng với chai rượu thì khác hẳn: mở nút là nghe tiếng mừng rỡ tuyệt vời, và hương thơm thoang thoảng. Chao ôi! Khi rót rượu ra ly, chỉ khe khẽ lắc là thấy thơm lừng! Chỉ mới hít ngửi thôi đã ngây ngất đến đắm say! Có ai đó xưa kia từng ví rượu với phụ nữ: phụ nữ vừa mở ra đã ngào ngạt hương say! Tôi vẫn rất vụng về lóng ngóng khi chạm các ngón tay vào khuy cởi, cũng như vào nút chai rượu; mãi mãi mới mở được đến sốt cả ruột gan! Cái khoảnh khắc mở nút là hiện tại thiên thu; là mù lòa cùng trái tim nhiễu sóng. Vậy thì hãy cứ từ từ, nhẩn nha. Một lần mở là mãi mãi phiêu bồng. Tiếng mở nút cũng là tiếng reo vui bất tuyệt của tự do sau bao nhiêu thời gian bị giam hãm. Vì thế khi được mở, chai rượu nào cũng cực kỳ nao nức. Vết mở nở tung của đầu này để thấy được màu son phấn hân hoan của đầu kia, nơi nút chai uống hút màu nho tím đỏ suốt bao lâu bị phong kín. Tùy sắc độ tím đỏ tươi, đỏ nhạt, đỏ bầm... Tất cả màu tím đỏ ấy đều như màu tiên nữ vương vấn với trần gian. Câu thơ của Đoàn Phú Tứ: "màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngát", có thể để tả màu đáy nút chai rượu: Một màu tím đỏ vang vọng của cuộc tình và cuộc đời. Vì thế tôi thầm nghĩ là sẽ sử dụng màu này thật chọn lọc trong tranh tượng, tuy vẫn chưa biết chọn lọc như thế nào, chỉ tuỳ hứng thôi.

 

                           

                              mi tình xa xưa - tranh tượng bng nút chai 12/2012


 

Trong nghệ thuật tạo hình, hiện nay người ta đã sử dụng tất cả mọi chất liệu, từ cái tăm, cái đinh, que diêm, cọng cỏ, nút áo, nút chai, quả bầu, trái bí, hòn đá, khúc gỗ... đến nồi niêu xong chảo, chai lọ bình gốm, khung xe, vỏ xe, giây xích, các vật liệu phế thải ... không thiếu thứ gì. Với sự khéo léo tài tình, người ta dùng mọi kỹ thuật để đục đẽo, tô nắn, lắp ráp, xếp đặt, tạo ra tác phẩm. Cuối cùng là nghệ thuật trong các tác phẩm ấy. Nghệ thuật hiển lộ tùy theo mỗi tác giả. Tôi cho rằng nguyên vật liệu và kỹ thuật mới chỉ làm được một nửa tác phẩm trung bình; nghĩa là công việc của người thợ thủ công. Nhớ từ xa xưa, các nghệ nhân tạo hình, từ kiến trúc, hội họa, điêu khắc đều chỉ được coi như thợ. Đến đầu thế kỷ 16, ở tây phương mới bắt đầu trọng đãi các thợ thủ công này, và nâng lên hàng nghệ nhân, nhờ hồn vía nghệ thuật phả được vào tác phẩm sáng tạo. Riêng Việt Nam như tôi biết thì mãi nửa sau thế kỷ 20 người ta mới nâng cấp thợ lên hàng nghệ nhân với nhiều dè dặt.
Tôi nghiệm ra điêu khắc, kiến trúc, và âm nhạc gần nhau, vì đều là nghệ thuật điều khiển khoảng trống, điều khiển cái không hư. Khoảng trống chính là đời sống của hình tượng và âm thanh.
Tôi đã thử bắt chước sự tình cờ của Archipenko, để hai chai rượu nho cạnh nhau, lập tức nhìn thấy một cái ly ở giữa. Đó là cái ly từ khoảng trống. Một ly của không hư, hừ, cũng như một nụ hư không, ta hãy uống hay ta hãy nhận lấy, đấy là phần thưởng của cả đời người. Có cần phân biệt thực vơí mộng không nhỉ? Những thôi thúc của trái tim cộng với óc đam mê để có thể làm nghệ thuật, đưa người ta gần lại với nhau, cả trong khi thức và trong khi ngủ. Tôi thường tin vào giấc ngủ. Bởi vì khi ngủ ta rất thật là ta hơn nhiều so với khi thức. Giấc ngủ không bắt ta phải chải chuốt so đo. Khi mơ, ta sẽ đưa đẩy những hình khối để lấp đầy khoảng trống; hoặc sẽ làm khoảng trống mông mênh. Tôi thường tự hỏi khi còn sống, ta ngủ với mẹ cha, anh em, bè bạn, người tình, người vợ, người chồng, người con, người cháu...Vậy thì sau khi chết ta ngủ với ai? Chưa chắc đã là một mình. Bởi vì khi ngủ lúc mơ, nếu không tỉnh dậy tức là chết. Cái chết ấy chính là giấc ngủ với mơ. Đã bao nhiêu lần rồi, từ lúc sinh ra, ta vừa kịp tỉnh dậy trước khi chết, trước khi được ngủ vùi với giấc mơ ? Tất cả những ý nghĩ này tôi gửi hết vào bức tượng bằng cement pha màu acrylic vừa hoàn tất chiều qua : Giấc Ngủ Vùi Trên Sa Mạc. Đây cũng là bức điêu khắc đầu tiên phổ từ những bài thơ tôi làm mấy tháng nay cho mối tình mươi năm trước để giữ lại một mùi hương xương rồng. 

gic ng vùi trên sa mc - điêu khc bng cement pha màu acylic 3/2013