VongRung

Mai Ninh

 

 

VỌNG RỪNG

 

 

 

 

Ba mùa hạ ấy đã khiến tôi ngỡ rằng không có mưa trên các miền đất cao nguyên, mà chỉ có nắng, gió cùng bao tiếng vọng của rừng núi. Sau này giữa giấc mơ tôi, thỉnh thoảng những tiếng động đó vẫn trở về, rền rền âm u rồi dồn dập thình thịch nện vào cõi sương mù đặc xám. Tiếng động đi trước hình ảnh, báo hiệu vũng tối của ký ức sẽ nứt tung, tôi bất chợt bị lôi tuột vào rãnh hở của một khoanh quá khứ. Nhiều khi tôi nhận ra vết nứt ấy là đá núi xẻ từ triền cao đổ xuống con suối. Nhưng lạ lùng con suối không còn bắn loá những bọt nước lấp lánh từng tưới tấp vào thân thể hừng hực bao chiều hốt nóng cao nguyên. Nước suối từ năm chín, mười tuổi, đã đông lại thành thứ nhựa sệt cứng trong tiềm thức.

Mấy năm liên tiếp tôi lên cơn đau đầu, mẹ cắp tôi đi hết thầy thuốc nam, thuốc bắc, đến bác sĩ Tây. Khi lũ trẻ, con cậu tôi ôm phao cùng xô xẻng hớn hở ồn ào đi xuống bãi tắm cạnh căn nhà nghỉ mát của gia đình ở Vũng Tàu, tôi ngồi cong queo trên chiếc ghế bành nơi khuất gió, lâu lâu đập trán binh binh vào tường. Tiếng sóng xa xa nhào lên lộn xuống cũng làm đầu óc đau đớn. Đến mùa hè đó, mẹ quyết định cho con lên cao nguyên thay đổi khí hậu. Tôi không muốn -những đầu cọp dữ tợn, mình nai tươm máu cậu tôi đi săn đem về Saigòn thẩy lên sân nhà bà ngoại vẫn làm tôi sợ rúm. Mẹ mang chiêu bài sẽ được tha hồ chơi đùa giữa ruộng dưa, được tắm suối, ăn bắp tươi, ở nhà sàn như người Thượng ra dụ. Cậu mợ đồng ý cho Linh, đứa con gái thứ nhì bằng tuổi tôi rất nghịch ngợm đi theo cho có bạn và thêm u Nu, người u già săn sóc bà ngoại từ hồi di cư 54. Bà ngoại dạo sau thường trở chứng hay la mắng u Nu vô cớ, cậu bảo đem u lên Ban Mê Thuột ít lâu cho u nghỉ ngơi. Nhưng vừa lên xe jeep u đã đòi xuống, nằng nặc bảo không có mình chẳng ai ngoáy trầu cho bà ngoại. Cậu bực hét lên u mới ngồi yên, suốt ngày đường giận hờn im lìm, không nói. U Nu cũng như tôi đều khó ngờ là chúng tôi còn trở lên Ban Mê Thuột hai mùa hạ sau, để rồi cái tên này thành vọng âm của bao tiếng kêu, tiếng nện u uất không tan biến được trong tâm trí cho đến bây giờ.

 

Căn nhà cậu xây cách xa tỉnh lỵ, vùng đất bên phải là một bản Thượng gồm dăm mươi nóc nhà sàn. Bên trái có trang trại lớn của ông Giàu, cũng ham mê săn bắn như cậu, còn thêm nghề đẵn gỗ chở về Thủ Dầu Một, Xuân Lộc, để bán. Cậu tôi không mấy thích ông này nhưng vẫn cùng tổ chức săn bắn, nhất là những năm sau cùng khi sức khoẻ cậu sút kém, tay súng không còn vững. Ông Giàu nổi tiếng thiện nghệ trăm phát trăm trúng, tuy thế cũng cần cậu tôi vì cậu có tài đánh hơi ra thú rừng rất nhạy. Dĩ nhiên ông bà Giàu này nhiều tiền, nhiều đất, nhiều công nhân, trong số ấy có anh Ra, tôi không rõ đấy là tên thật của anh hay chỉ vì anh gốc Ra-Đê nên mọi người gọi thế. Ra khác đồng bào mình, tuy làm công nhưng anh có căn nhà sàn đẹp, vững chắc, nằm trên mảnh đất rộng sát sau nhà ông Giàu, do tổ tiên anh để lại qua nhiều đời. Chẳng những khá lớn, đất ấy không hiểu sao đen mềm, dễ trồng trọt hơn loại đất đỏ khi cằn khi nhớt chung quanh. Tuy thời đó còn nhỏ, tôi cũng hiểu chính cái chất đen bắt mắt mềm tay này là nguyên nhân mọi thống khổ của người thanh niên chưa tới ba mươi, tháo vát, tốt bụng, nhưng kém may mắn ấy. Ông Giàu hết tính toán dụ dỗ rồi đe dọa thế nào cũng chưa ép được anh Ra nhường lại mảnh đất gia đình. Chiều chiều khi xong việc trong rẫy của ông Giàu, anh trồng xới vun vén chung quanh nhà mình. Rồi anh khập khễnh đi xuống bản thăm Phiu, cô gái Thượng đẹp nhất trong làng. Anh Ra nhỏ người nhưng hai cánh tay dài thòng, anh bị bệnh viêm tuỷ lúc sơ sinh nên chân ngắn chân dài. Tôi thường bắt gặp anh bước xiêu vẹo trên con đường mòn, tay vung vẩy xua đuổi bóng đêm. Hai mùa hè cuối anh có thêm bạn đồng hành kỳ quái, một con gà trống anh nuôi chẳng biết tự bao giờ luôn đi theo sau, nhanh chậm lững thững bén gót y như chó con. Ai cũng thắc mắc sao con gà sống dai, nhưng chẳng người nào chứng tỏ được con năm nay khác con năm ngoái ở điểm nào từ màu mè lông cánh đến cách nó chạy tung túc sau chân chủ. Mỗi khi anh Ra vung tay khua khoát trên đường thì con gà cũng đập cánh phành phạch vây vẫy. Lông cánh nó đẹp lạ lùng, nâu đỏ chớm ánh vàng, ở đầu thêm vài chiếc lông biêng biếc xanh dương. Thỉnh thoảng Ra quay lại cúc cúc gọi vài tiếng, gà ta liền ngóng mỏ quác quác trả lời. Thế giới thân thiết của Ra chỉ có bộ ba : gà trống, cô Phiu và con Bun. Đi ngang nhà, anh hay đứng lại dưới cái đèn măng-sông cậu tôi treo đầu hiên, ngước mặt ngắm nghía. Có lần anh nói với u Nu là anh sẽ tậu một chiếc đèn như thế ngày anh cưới cô Phiu, dù ánh đèn sáng quắc này đã làm con Bun không chịu cho anh giắt về làng như xưa nữa. Tôi vẫn ao ước một ngày được thấy con voi già nghe nói là chúa tể của đàn voi trong rừng ấy. Cậu bảo cặp ngà của nó to như thân chuối, con voi khổng lồ và tinh khôn này nghe đâu đã được ông tổ của anh Ra cứu khỏi nanh cọp ngày nó mới sinh. Lúc Ra lên năm, cha anh dẫn con vào rừng giới thiệu với Bun. Con voi già quỳ xuống lấy vòi hất Ra lên lưng chạy suốt một vòng rừng rồi trả lại thằng bé con đã sợ đến ngất xỉu, người mềm như bún.

 Nhiều đêm, giữa không gian sâu hút chỉ có tiếng rên của lá cây cùng gió bỗng rền lên những tiếng động ùn ùn như sấm vọng trong núi. Tôi cảm tưởng mặt đất dưới chân giường cũng lung lay. Cậu tôi hé cửa nhìn ra, lắng nghe rồi bảo đấy là đàn voi đang di chuyển. Sau khi cha anh Ra mất, con Bun ngày càng tỏ ra lưu luyến người chủ trẻ. Ra kể mỗi lần anh vào rừng, chỉ rúc lên hai tiếng tù và là chắng bao lâu sau Bun đã cùng mấy voi con tới phục xuống cho anh leo lên và chúng kênh anh vào chơi rừng sâu. Thời cậu tôi mới đến đây, Ra đã có lần đem Bun về nhà. Đêm ấy cậu phải tắt hết đèn đóm, con Bun mới chịu xuống dốc đồi. Thật lạ, nó chẳng sợ gì ngoài ánh đèn. Ông Giàu và mọi người vẫn dụ anh Ra đem Bun về làng cho họ chiêm ngưỡng voi già chúa tể. Ông Giàu chậc miệng kêu, sao đi săn nát rừng mà chưa gặp được nó. Anh Ra nhìn ông ta cười khẩy, anh bảo con Bun mà thấy ông Giàu nó sẽ tức thì lấy vòi bẻ nát xương người đàn ông tham lam thất đức, chuyên bức hiếp người dân thiểu số.

 

                                ***

 

Ba mùa hạ Ban Mê Thuột, ba mùa nắng cháy. Nắng sáng đến nỗi thật khó ngủ trưa, mợ cứ bắt tôi và con Linh nếu không ngủ cũng phải nằm nhắm mắt, nhưng dù nhắm chặt tôi vẫn thấy nắng xuyên qua cửa qua màn, nhảy lưng tưng trên mi mắt nóng rực và sắp chọc thủng vào đến con ngươi. Lúc yên ắng tiếng người, tôi khều tay con Linh, hai đứa len lén ngồi dậy trốn ra ruộng dưa. Cậu mợ dường như thích những rau quả thuộc loài "bò sát" -thời ấy tôi học vạn vật và làm tài khôn bảo với con Linh như vậy- nên cả khu vườn rộng trồng đủ loại : dưa gang, dưa hồng, dưa bở, bí rợ và ngay cả chưa phải mùa Tết đã có cả dưa hấu. Chỉ thảng hoặc mới trồng vài cây ăn trái cao cho dăm tán lá che nắng. U Nu đã giăng sẵn cho hai đứa chúng tôi một cái võng dưới ngáng sung, chẳng phải để nằm đu đưa mà ngồi canh chừng lũ dê. Bọn này từ bản Thượng, nhất là bên trại ông Giàu, thích tràn sang ăn lá và đào bới đất lẫn gặm dưa. Suốt mùa hè, ngoài chuyện học tiếng Pháp trong cuốn sách Mauger với mợ, tôi phải "kèm" con Linh làm toán và trông chừng dê phá vườn. Linh rất ngán ngẩm công việc này, tôi cũng thế nhưng đỡ hơn vì tôi thích chạy đuổi đùa nghịch với mấy con dê bé tí.

Dưa mùa ấy chưa chín hẳn tuy đã ửng hồng, một màu hồng hây hây tròn trĩnh e ấp dưới lá xòe xanh lung linh trong nắng thật gợi cảm. Nắng trưa nẻ đất, dù cậu tôi đã tốn công cho người gánh nước từ giếng lên tưới mỗi ngày. Cứ nhìn nắng bốc bay lênh thênh tới chân đồi thì mắt khi ấy lại muốn díu nhưng cổ họng khát bỏng. Một trưa, con Linh chạy vào đám dưa ngắm nghía rồi vặt lấy hai quả dưa hồng lớn hơn trái bóng đem về tới võng. Chẳng chờ phản ứng của tôi, nó ngoạm ngon lành vào chỗ hồng au nhất, nước tuôn ra mép, vừa liếm vừa ngước nhìn, hai đồng tử đen nhánh lấp láy dụ dỗ. Thế là tôi chụp quả còn lại, chùi xoẹt lên cánh áo rồi đưa vào miệng. Vỏ dưa chưa chín hẳn có vị đăng đắng cay cay, nhưng nước mát ngòn ngọt thấm vào cổ hân hoan khoan khoái. Được một lần, chúng tôi làm tới, trưa nào cũng lựa trái chín nhất, cạp ngay chỗ đỏ hồng rồi vứt đi lấy quả khác. Ăn đã rồi leo lên võng với cái mát rượi luồn suốt từ cổ xuống bụng thật thú vô cùng. Tôi nằm đu đưa, lim dim nghe gà tre xao xác, quên cả trời đất cho đến lúc đàn dê đã băng qua con đường đất đỏ ùa vào tung tăng, be be chen lấn. Hai đứa nhỏ bấy giờ cuống cuồng cầm gậy rượt đuổi tứ tung, nhiều khi vướng vào các nhánh dưa tha hồ vấp ngã.

U Nu rất tinh, chỉ sau vài ba bận, khi giặt quần áo u đã khám phá ra những dấu vết dưa dính lại. Chẳng bảo gì tôi, nhưng mỗi lần con Linh hơi hỗn hào u doạ sẽ mách cậu làm Linh tức lắm. U Nu là người đàn bà sạch sẽ cẩn trọng và ngăn nắp. Tôi vẫn nhớ hai bàn tay u vừa thoăn thoắt vừa trịnh trọng xếp những miếng cao hổ cốt nâu quánh của bà ngoại vừa nấu xong cho vào hộp. Cậu đi săn thú rừng thời ấy một phần là cái thú, phần nữa chủ đích có xương cọp tốt và tươi cho bà ngoại nấu cao. Bà thường bắt lũ trẻ ăn cao vét nồi cho khoẻ mạnh. Cứ tưởng tượng đó là chất toát ra từ xương xác con hổ dữ dằn hôi thối là tôi nôn oẹ, trong khi mấy đứa em họ nhai nhau nháu những miếng cao dẻo quẹo, ngon lành như nhai kẹo cao su. Tôi lấy cớ cao của bà ngoại chẳng chữa được bệnh mà còn làm tôi thêm đau đầu để thoái thác. Ba mùa hè ở Ban Mê Thuột trời không mưa, giếng nước cạn đục đỏ như trộn đất, chỉ dùng tưới vườn dưa. Cậu phải kêu anh tài mỗi ngày vào thị trấn chở bao nhiêu can nước về ăn uống, còn giặt giũ và tắm rửa mọi người phải ra suối. U Nu sợ tắm suối đến nỗi cố dùng nước giếng đục ngàu, nhưng ít lâu sau da u sộp lên ngứa ngáy. Bấy giờ cậu nhất quyết bắt u hai ngày một lần đi tắm suối và giao cho hai con lỏi nhiệm vụ bảo hộ u đi đến nơi về đến chốn. Ai ngờ đấy là cơ hội cho con Linh trả thù nỗi ấm ức của mình.

 

 

                                         ***

 

Con suối không có tên, nhưng với con bé tôi nó đẹp mê hồn. Suối nằm dưới chân đồi, bên kia con đường chính đổ từ thị trấn về làng bản này. Ngọn đồi cao và nhiều loại đá đủ màu, từ hoa cương, hoàng thạch chen lẫn đá vôi. Giữa cây cối xanh um bỗng lộ một thác nước đổ sầm sập trắng xoá từ trên ngọn, nước ào ạt qua nhiều lớp đá nhưng khi xuống thấp toả thành con suối, ánh xanh trong vắt. Dân bản Thượng cắm thêm mấy mương tre cho các nàng thiếu nữ tha hồ gội tóc. Con Linh và tôi rất thích tắm suối, nực nội suốt ngày đã đành, chiều ra đây thật vui vì có đám con gái Thượng ríu ra ríu rít cười đùa, nhất là cô Phiu. Giọng cô trong như tiếng khánh pha lê, nó từ lòng suối bay lên đỉnh các đồi bọc quanh, vọng dội giữa đá rừng. Lần đầu tiên nhìn thấy tấm thân nâu, rắn chắc nhưng mịn màng, tóc mượt rũ tới đầu gối, tôi ngẩn người ngó cô không nháy mắt, quên bẵng hai bàn chân cô to bè vẫn bước tành tạch trên đường đất. Cô Phiu như phần đông thiếu nữ Thượng trần truồng không biết ngượng là gì, những chiếc vòng đủ màu cô đeo đầy hai cánh tay reo vui rộn rã. Các cô gái Thượng cô nào cũng mê mẩn đồ trang sức. Mợ tôi chỉ cần có cái kiềng bằng kẽm quấn len màu hay vòng đeo tay gắn hạt cườm là có thể đổi lấy một gùi bắp hay măng tươi họ đem từ rẫy về. Cô Phiu còn sẵn sàng địu mấy gùi măng khô đầy đặn đến cho mợ mỗi khi mợ ở Saigòn lên đem theo một đôi hoa tai nhấp nháy. Anh Ra cum cúp để dành tiền, anh muốn có một vòng vàng trạm rồng giống cái của mợ làm quà cưới cô Phiu. Mỗi khi u Nu đập vào vai anh hỏi chừng nào cưới, cặp mắt anh liền lanh lên, xoá hẳn nét rầu rầu cố hữu. Nhìn từng bộ phận trán mũi miệng Ra thì chúng khá thô nhưng lại hài hoà với nhau và tạo nên một khuôn mặt hiền lành, nghị lực.  

Đã bao nhiêu lần chúng tôi nèo u Nu xuống suối, u vẫn hãi sợ. Đường từ nhà đến suối băng qua con lộ chính rồi dốc sâu với nhiều đá sỏi rễ cây gập ghềnh. U Nu lo vấp ngã đã đành nhưng điều u kinh khiếp nhất là hình ảnh cọp rình trên những đỉnh đồi chung quanh. U bảo mình tuổi mão khắc với hổ. Con Linh lợi dụng dọa thêm là mấy cô Thượng nói chúa sơn lâm đã nhiều lần xuống suối uống nước. U Nu sợ lắm, tính lại hay mắc cở, con Linh thường ghẹo vú u dài toòng teng như bà Triệu Ẩu nên u nhất định không loã thể trước bọn đàn bà con gái bản Thượng. Mỗi ngày từ rẫy về lúc xế trưa họ rủ nhau đi tắm, khi họ tắm xong ra về trời bắt đầu ngả tối, khí núi có hôm tỏa mù âm u. Những con chim lớn bấy giờ mới bay ra nhào lộn giữa các ngọn đồi, tiếng rít chói tai dữ dằn trộn với những giọng gì rì rầm rung rúc từ trong cánh rừng đen. Tất cả màu đá núi thẫm lại trong bóng chiều, chỉ còn có dòng suối trắng rưng rức. U Nu đang chậm chạp tắm táp, nhất định bắt tôi và con Linh tắm trước rồi leo lên quay mặt đi, lúc ấy u mới chịu cởi quần áo. Ngồi canh cho u giữa không gian nặng nề đó tôi luôn thấy sợ. Con Linh cứ rập rình muốn chạy về nhà trước, rủ tôi bỏ u Nu ở lại. Sợ bị đòn, tôi cương quyết không chịu, mãi cho đến lần đó.

 

Hôm ấy cậu mợ và các anh làm công cùng về thị trấn có việc. Nhà chỉ còn u Nu với chúng tôi. Sau cơm trưa, trời bỗng nhiên nổi mấy vạt gió, dăm đám mây thong thả trôi về. Con Linh và tôi nằm võng chưa bao lâu đã ngủ tít. Bỗng tiếng u Nu ré lên trong ồn ào be be hoảng loạn của đàn dê. U Nu vừa đuổi dê vừa mắng mỏ hai đứa nhỏ, rồi bỗng u trượt chân vào quả dưa con Linh gặm xong vứt bừa. U chỉ trầy tay một tí nhưng con Linh trả lời tay đôi nên u giận lắm, doạ nhất định lần này không tha, tối về sẽ mách cậu. Xế chiều vẫn chưa mưa, trời ấm ức oi, mồ hôi ròng giọt trên da. Chúng tôi sốt ruột chỉ mong tới giờ hộ tống u Nu ra suối. Không nói cho tôi hay, nhưng nhìn khuôn mặt chàu bảu của Linh tôi biết nó đang hầm hè tính toán một chuyện gì. Lúc hai đứa đã mặc lại quần áo và u Nu đang ngồi vốc nước bên mép suối, mấy đám mây xám đặc đã đậu giữa bầu trời. Không gian nhập nhoà cây lá run rẩy, hai ba tiếng động nối tiếp nhau nổ trong vách đá. Thừa cơ hội, con Linh vùng lên bỏ chạy leo ngược con đường đất, miệng la hoảng : Cọp về! cọp về! Thế là tôi kinh hoàng chạy theo. Linh bỗng quay lại gom luôn bộ quần áo của u Nu trên phiến đá. Các tiếng động lại tiếp tục ầm ầm vang vọng, tôi cắm đầu vượt qua những hòn đá nghiêng ngửa trên đường. Hình như tôi có nghe giọng u Nu kêu gào từ con suối. Thể trạng vốn yếu lại quá sợ nên chân quýnh quíu, tôi chạy không nhanh bằng Linh. Nó đã về đến nhà mà tôi còn lạng quạng bên kia con lộ. U Nu lọt tuốt phía sau, nhưng tôi chẳng còn hồn vía nào chờ u vì con Linh đã bảo nó nhìn thấy bóng cọp rõ ràng ngay trên đầu đồi gần con suối nhất. Tôi lại sực nhớ lời nó vẫn bảo hai đứa tôi tuổi cọp, và cọp cái thích về bắt cọp con đem đi.

Vừa băng qua được con lộ, tôi đứng chết trân bên lề để thở. Ngay khi đó tôi nhìn thấy anh Ra đang thả bộ xuống bản, con gà tòng tọc theo sau. Tôi trỏ tay xuống mạn suối, lắp bắp kêu Ra đi cứu u Nu rồi ngồi bệt xuống vệ đường. Một lát sau anh Ra leo trở lên, lưng cõng u Nu lả người trần truồng. Nhưng khi anh tới bờ lộ thì u bừng tỉnh, nhận ra mình không quần áo u hét lên xô anh nhảy xuống, tay chèn ngực tay che bụng rũ rượi chạy sang đường. Cũng chính lúc đó, một chiếc xe hơi trờ đến. Anh Ra nhào ra chụp u Nu, con gà nhảy theo. Chiếc xe chạy chẳng nhanh lắm đã thắng kịp nhưng cũng đụng nhẹ vào chú gà. Nó không chết nhưng quặt chân. Từ đó, mỗi chiều một người một vật, cả hai nghiêng vẹo gập ghềnh trên đường xuống bản. U Nu càng quý anh Ra và thương con gà. U dành cho nó những hạt thóc to và vài con trùng mà thảng hoặc lắm mới đào thấy trong đất đai rang nắng. Con Linh mới đầu nhìn u lấm lét nhưng sau thấy u không hở miệng mách cậu dù vai và hông u bầm tím, nó ngoan và tử tế hẳn. Tôi còn nhớ rõ hai con ngươi tinh anh, hai viên ngọc đen trong đẫm nước của Linh ngày u Nu im lìm nằm xuống.

 

Càng thương Ra, u Nu càng ghét ông Giàu thậm tệ, nhất là khi ông ta bảo sẽ gọi lính về đây truất cứ anh ra khỏi vườn đất. Ông còn phao tin anh Ra đã liên hệ với nhóm Fulro đang bành trướng mạnh, hơn nữa Ra điều khiển được đàn voi hung dữ trong rừng nên trở thành mối nguy hiểm cho chính quyền và dân chúng. Cậu tôi không quen biết và nhiều thế lực như ông Giàu nên chỉ ngấm ngầm nghe ngóng, can gián ông ta đồng thời khuyên Ra nhẫn nhịn. Nhưng một hôm xe nhà binh đổ tới, mấy người lính bồng súng đứng chặn trước căn nhà sàn vừa lúc Ra ở rẫy về. Họ bắt anh phải dời nhà xuống bản, ở chung với những người Ra –Đê khác vì đây là vùng của người Kinh. Ra nhất quyết xông vào, họ dùng báng súng gạt anh té nhào, gùi măng tươi trên lưng tung tóe. Cậu tôi liền chạy sang, can rằng dù gì cũng phải có giấy có lệnh hẳn hoi. Ông Giàu la lối bắt những người lính phải đuổi anh Ra, nhưng họ đã chùn tay, sau cùng lên xe trở về thị trấn. Anh Ra chồm dậy uất ức gào : Dù chết, cũng đem voi về dày đất dày nhà ông Giàu tan nát.

Vài hôm sau, Ra đem bầu rượu cần sang nhà chúng tôi, cô Phiu và hai người em trai cũng đến. Chúng tôi đốt củi trong sân nướng thịt nai, lửa phừng phừng lấp loá những chiếc vòng leng keng và áo váy sặc sỡ của Phiu. Anh Ra tuy khập khiễng nhưng biểu diễn nhảy ống tre, múa cà-kheo thật nhịp nhàng. Ánh mắt cậu hôm nay không ngừng quan sát anh Ra. Đêm trước nằm trong màn, tôi nghe mợ nói cậu nên cẩn thận, phải dò xem có thực Ra đã theo Fulro. Sau khi hút gần hết bầu rượu cần, Ra đến ngồi cạnh cô Phiu, thốt một tràng tiếng Ra -Đê. Tôi không hiểu nhưng nhìn nét mặt anh thành khẩn ai cũng đoán đấy là lời tỏ tình. Cậu tôi lợi dụng cơ hội bảo anh là mai này cưới vợ, theo tục lệ phải về ở rể, sao không bán nhà cho ông Giàu để tránh phiền phức, nhất là anh không có ai hậu thuẫn. Bộ mặt Ra đang ngô nghê sung suớng ngó cô Phiu bỗng bần thần, anh bảo tuy chẳng có người che chở nhưng sẽ chống đối đến cùng để bảo toàn đất đai của dòng họ và vì đó là gia sản của các con anh sau này với cô Phiu. U Nu xen vào hỏi có thật anh sẽ đem voi về trị ông Giàu? Ra nhếch miệng cười, lắc đầu bảo mình không bày cho con Bun làm chuyện ác nhân, nhưng thế nào cũng đưa nó về làng một lần cho ông Giàu sợ.

Thời gian kế đó không khí nặng trĩu, nhà ông Giàu luôn có người canh gác. Ông gờm gờm cậu tôi, không còn thân thiện. Anh Ra hết làm công ở rẫy cho ông ta, ban ngày anh theo xe cậu tôi xuống thị trấn kiếm việc khuân vác. U Nu thương xót, thường để dành cho anh ít cơm cháy với canh rau. Nhưng có khi anh từ chối, ngồi thu lu gặm bắp sống rau ráu. Con gà suốt buổi quanh quẩn bên u Nu, thấy anh về cuống quít gáy và chuẩn bị theo anh tập tễnh lên đường xuống bản cô Phiu. Từ một dạo nay, cơn giông cứ trù họa mỗi chiều nhưng cũng như hôm con Linh dọa cọp về bên suối, trời chỉ nổ mấy tràng sấm rồi thôi, không nhỏ một giọt nước. Đêm lợi dụng không gian vốn sẵn nặng nề đổ xuống thật nhanh, vừa thoáng chiều đã lềnh bóng tối. Rừng núi âm u rì rầm. Cậu tôi cho đóng cửa nhưng thắp đèn khí sớm ở đầu hồi.

Khuya ấy tôi đã chợp ngủ, không biết mấy giờ, bỗng trong nhà ngoài sân tiếng người gọi nhau nho nhỏ nhưng cấp bách quan trọng. Tôi nằm co rúm trong tấm chăn đơn, con Linh nắm chân tôi thì thào: Dậy! dậy coi con Bun về làng ! Khi tôi ra tới thềm hiên, cậu đã tắt cây đèn khí. Tuy thế bên kia con đường đất đỏ, đèn nhà ông Giàu sáng rực. Cả nhà chạy ra bờ đường nhìn lên về phía rừng, một khối đen to hơn nóc nhà sừng sững trước cặp mắt tôi kinh hoàng. Thoáng chốc tôi không nhìn thấy anh Ra, mắt bị hút vào cài vòi rồng lê trên đất và cặp tai to như cánh quạt máy bay, hai vòng ngà chĩa lên oai vệ của con Bun. Nó im lìm đứng đó, hiên ngang lừng lững như ngọn núi. Bên nhà ông Giàu vừa bùng thêm bao ngọn đuốc. Ông ta quát tháo gia nhân bắt giơ đuốc, giơ đèn lên thật cao và xông ra đường cho con Bun loá mắt không dám tiến tới. Bấy giờ con voi già hiện tỏ tường trong ánh lửa. Nó chớp mắt liên hồi, chiếc vòi vũ bão cuốn lên cao rồi giận dữ đập xuống. Bỗng nó rống lên một tiếng, tôi chẳng thể nào tả nổi âm thanh ấy, nó vang toả vào bóng đêm nhưng đồng thời đánh thình vào lồng ngực. Lúc ấy cơn đau đột xoáy sâu trong đầu, tôi níu lấy người đứng cạnh, chẳng biết là ai. Tiếp theo tiếng voi, tôi nghe cậu thất thanh kêu anh Ra coi chừng ông Giàu nạp súng.

 

Bao nhiêu cây cối bật rễ, đất đá bắn tung cuốn theo bước chân nặng chịch, mạnh mẽ của con voi già. Đứa bé run rẩy ôm chặt vòng bụng người đứng bên nhưng mắt vẫn mở trừng nhìn vào khối đen đang cuồng nộ chuyển vận. Quang cảnh trước mắt vừa dữ dội tàn khốc vừa cuốn hút huyền ảo như thần thoại. Đuôi voi quất tới đâu những cành cây gẫy rời tới đó. Lửa đuốc loá trên hai thớt mông đen xì, chúng lắc lư trong đám đất bụi tung mù theo từng cột chân con Bun đang dộng bước quay trở vào rừng, sau khi rống thêm một tiếng làm đổ vỡ không gian. Đứa nhỏ đã thấy rõ hai cánh tay anh Ra lòng khòng đong đưa, con voi đã hất vòi quấn tấm thân nhỏ xíu của anh đặt nằm trên lưng. Không ngờ trong cơn đau khủng khiếp, với lỗ mắt đỏ ngòm phụt máu, con Bun còn nhớ cứu Ra. Chỉ khoảnh khắc trước đó thôi, anh ta đã hoảng hốt khua tay múa chân kêu gào ngăn cản con Bun đừng tiến tới cổng nhà ông Giàu nữa. Dưới ánh đuốc, trông anh quay cuồng như con loi choi tuyệt vọng. Nhưng Bun nhất quyết giơ cao cái chân to bằng thân cổ thụ. Thế là mọi người có mặt đã chứng kiến hai phát súng thiện xạ kinh hồn của ông Giàu. Một xuyên ngay vào mắt phải của con voi và phát kia, có lẽ để chứng minh cùng khoe thêm tài nghệ cao thủ của mình, người đàn ông đã nhắm vào đít con gà đang sợ hãi nhảy cuống quíu dưới chân anh Ra để nổ súng. Không ai biết được ý nghĩ của con Bun, vì sao sau phát súng nó rú lên giận dữ nhưng lại quay trở về rừng với anh Ra trên lưng? Ông Giàu được thể đuổi theo la hét, tiếp tục bắn vào lưng voi nhưng chỉ chốc lát nó đã biến trong bóng tối, nơi ánh đuốc con người không thể nào rọi đến. Trước mắt con bé tôi, những hàng cây rậm rịt đang từ nơi đó rầm rầm tiến ra như một đoàn quân, san sát chập chùng. Thoáng chốc con đường đất đỏ đưa vào bìa rừng bị che khuất. Thế giới bên kia rặng cây chằng chịt trở thành mịt mùng kỳ ẩn.

Sáng sớm hôm sau, u Nu lượm xác con gà về chôn. Máu con Bun sệt đen trên màu đất đỏ. Không có người chết nên trên quận cho lính về hỏi qua loa rồi lại đi. Không gian trở lại lặng lẽ như mọi ngày, gà tre vẫn cất tiếng gọi trưa, nhưng tôi và con Linh chẳng dám ra nằm võng. Tôi lại ngồi co ro trong nhà, đầu cứ rêm đau, thỉnh thoảng người bật run sợ hãi. Con Linh theo sát u Nu, u bỏ ăn kêu mình lên cơn sốt. Thỉnh thoảng u ngồi bật dậy lớn tiếng la cậu tôi đã không xách súng bảo vệ Ra với con Bun. Cậu nhịn nhục bảo là cả hai đi vào rừng và đều còn sống, nhưng u chẳng tin vẫn nhì nhằng than trách. Tối hôm ấy đêm chụp xuống rất nhanh, cậu đóng cửa cái cửa sổ kín mít, ngoài hiên cũng không đốt đèn, trời đen và nặng. Nằm trong mùng tôi lắng nghe từng tiếng động, có lúc tôi tưởng con gà đang đập cánh bên ngoài sột soạt, lẫn tiếng u Nu sốt rên trong âm thanh rì rào của suối. Rồi bỗng dưng tôi cảm giác cả căn nhà đang lay chuyển, và từ mạn rừng dồn lên rầm rập tiếng chân tiếng đạp tiếng kêu giận dữ của đàn voi. Tôi không kìm được tung mùng gọi thất thanh : - Cậu ơi voi về ! Cậu tôi vẫn ngồi ở bàn trong bóng tối vội đứng lên mở cửa. Chẳng ngờ nhiều luồng sáng lấp loá trên nền trời, từ dưới bản Thượng đuốc cháy phừng phừng, vọng bao tiếng trống, tiếng tù và, tre dộng, và cả tiếng người. Họ không kêu lớn mà đồng thanh đều đều u uất, thỉnh thoảng mới hú to lên một loạt, rồi lại lắng xuống rền rền. Bên nhà ông Giàu đèn đóm cũng sánh trưng, thách đố. Cậu tôi nhìn lên trời rồi lại ngó xuống bản Thượng, bồn chồn lo lắng bảo mợ : Chắc họ đang cầu đảo cho thằng Ra, lạy trời họ đừng tràn lên đây.      

 

                                         ***

 

Một tuần sau, cả nhà nhồi nhét lên xe về Saigòn. Suốt tuần ấy, bặt tin anh Ra. Đêm nào dân bản Thượng cũng đốt đuốc dội trống ùng ùng. Mợ tôi sợ không khí u uất dù nắng trưa đã trở lại đỏ ửng màu dưa. Hơn nữa bệnh u Nu không thuyên giảm. Cậu hết qua lại với ông Giàu dù ông ta cho người sang rủ cậu đi săn. U Nu về tới Saigòn héo rũ thoi thóp. Bà ngoại đau lòng đòi đi Thủ Dầu Một đặt quan tài gỗ trắc cho bà và cho u Nu. Bà bảo đã hứa với u từ xa xưa. Nhưng chẳng ai ngờ bà ngoại chết trước u Nu. Bà nhất định không đợi cậu đưa đi, bà theo một anh tài quen biết chuyên chở mây tre trên chiếc xe cam nhông nhỏ. Nơi con dốc chưa tới Thủ Dầu Một, một xe đò từ trên đổ xuống lại muốn vượt qua cái xe bò trước mặt, nhưng xe đò đứt thắng, lao thẳng vào cam nhông có bà tôi. Lạ lùng, kể từ ngày đám tang bà ngoại, u Nu không nằm liệt giường nữa. Cứ chiều chạng vạng tối, u gắng đứng lên ra ngồi ở thềm cửa sau, bên cạnh bể nước mưa. Đến nhà cậu vào lúc ấy, tôi lại bắt gặp cũng dáng u ngồi như vậy với anh Ra trước hiên căn nhà Ban Mê Thuột. Một bà già người Kinh giọng Bắc đặc, một anh chàng Ra-Đê trẻ tiếng Việt tuy rành nhưng giọng ngọng nghịu, họ thủ thỉ những gì? Tôi không biết. Mà để ý thì họ chẳng nói chi nhiều, thỉnh thoảng vài ba câu. Anh Ra vấn thuốc hút, u Nu ve vẩy chiếc quạt nan đuổi muỗi. Vậy mà họ ngồi với nhau như thế khá lâu, dưới trăng rừng khi tỏ khi mờ rải xuống ruộng dưa.

Trong mấy tháng liền, u co hai chân trên bực cửa, tay vuốt tới vuốt lui tấm nhung đen đã mòn, mái tóc thoáng chốc chỉ còn một nhúm lơ thơ dù tôi nhớ u chưa già lắm. Miệng thì hết thở dài lại nhiếc móc cậu tôi về chuyện anh Ra, có khi đổ tội cả bà ngoại vì nấu cao mà cậu tàn ác đi săn, giết chóc thú vật. Ồn ào xong u lại mơ màng, bắt đầu một mình thì thào kể chuyện quá khứ. Cậu mợ hết áy náy xốn xang rồi bực bội, nhưng không cách nào kìm giữ được u Nu. Chỉ có tôi và con Linh cứ mong đi học về để xúm lại bên u, vì chúng tôi không ngờ quá khứ ấy thú vị hơn cổ tích, gay cấn rùng rợn hơn những chuyện chém giết ngoài đời nghe lóm được từ cửa miệng người lớn. Cứ thế, mỗi chiều, u kể về cô Nu mười sáu tuổi có chồng đi lính khố xanh tuy nghèo nhưng biết đọc biết viết, khôn ngoan. Cưới nhau đúng một tháng trời, đếm số lần được ăn nằm mới vừa đủ ngón trên hai bàn tay thì hôm ấy Tây về làng. Chị dâu Nu sinh con đầu lòng, da hồng mũm mĩm, thằng quan Tây thấy trong nhà chỉ có hai người đàn bà và đứa trẻ, liền đẩy chị dâu xuống chõng, xé toạc chiếc yếm hãm hiếp ngay trước mặt đám tùy tùng và cô Nu run rẩy nép mình sau tấm vách. Không ngờ chồng cô đi gác về, nhìn thấy xông vào chộp ngay cái sào đập đúng gáy quan Tây. Ngay ngày hôm sau, anh ta bị trói vào gốc gạo, hai cánh tay anh vốn dài lòng thòng gần chạm đầu gối, vòng được nguyên cả thân cây. U Nu bảo hoa gạo nở đỏ rực trên đầu chồng mình chẳng khác hào quang. Và hào quang đã bung vỡ, tả tơi rơi rụng theo ba phát súng lính Tây nổ đoàng giữa một buổi trưa tháng sáu nắng ngời.

Câu chuyện của u Nu còn nhiều lắm, u trút hết bao nhiêu năm đời sống vào bóng chiều sóng sánh trên bể nước, vào tâm hồn thơ thiếu của tôi và con Linh. Qua u, tôi nghe được nhiều chuyện gia đình bên ngoại mà người lớn không kể. Tôi biết nhiều hơn khung cảnh, tục lệ làng thôn xứ Bắc, cùng những khổ cực của dân nghèo thời ấy. Dù u không có học, chẳng đủ hiểu biết để nói về lịch sử hoàn cảnh đất nước cho đúng và rành mạch nhưng tôi vẫn mải mê nghe. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ, những gì u nói về đời sống và tinh thần dân quê đã đi sâu vào tôi hơn cả sách vở. Chỉ vì chúng thật, không phủ dụ hay chỉ trích và cố tình khuếch đại. Hơn nữa, lời u là lời ngọt ngào của một người từng tắm đẫm nước ao, từng đi đánh giậm dưới trăng, từng ăn cá rô kho khế. Như con bé tôi đã từng, mà hình ảnh may thay chưa thể xoá nhoà trong trí nhớ. Thứ ký ức trẻ thơ tinh khôi của lần cuối cùng trở về quê hương với mẹ, buổi đất nước sửa soạn chia đôi. Sau này nhớ Ban Mê Thuột, tôi muốn nói chuyện với cậu tôi, có biết bao điều thời nhỏ tôi chưa ý thức được sự kiện để tìm hiểu rõ hơn về tâm trạng những con người trong cuộc. Nhưng khi thì lỡ dịp, lúc chợt thấy cậu đã già nên tôi ngại ngần, sợ bắt người soi gương nhận miểng chăng ? Hay chỉ đơn giản vì tôi muốn giữ lại, xem đó là một huyền thoại cho riêng mình, như hàng cây đêm nào đã rầm rộ tiến ra, trùng trùng điệp điệp tạo thành bức tường ngăn chia hai thế giới.

 

Hôm trước ngày qua đời, u Nu vẫn ngồi ở bệ cửa nhưng không còn nói gì về chuyện làng xưa, cũng không mắng nhiếc ai nữa. U chỉ lập lại mỗi câu hỏi : Bao giờ cậu tôi đem u về Ban Mê Thuột ?, như thể đấy là nơi chốn cuối. Sau cái chết của bà ngoại, cậu đã bán ngôi nhà cùng ruộng dưa cho ông Giàu. Ngày cậu trở lên ký giấy, nhà sàn của anh Ra thông thống, gió rít vu vu. Mưa ngập tràn bản Thượng.    

 

 

Mai Ninh

(cho đầu năm Dậu – 2005)