Ban

 

BẠN

 

Chúng tôi có người bạn đàn anh. Anh nhà văn, chị nhà giáo. Hai nhà sống trong một căn nhà “thị tại môn tiền”, lần đầu tiên bước vào chưa quen, nghe mùi thum thủm của linh tinh thứ ùa vào phòng khách. Căn phòng khách nhỏ mà lúc nào cũng rộn ràng các giới, từ sư sãi, bạn văn, đến người cần giúp đỡ.

 

Anh có cách nói chuyện đặc biệt sôi nổi, mọi thứ như có cánh nẩy lửa lúc nào cũng sẵn sàng vút ra, sinh động. Khi nói, anh như quên mình, chỉ biết câu chuyện và say sưa với nó. Kể chuyện là cùng lúc anh vẽ ra  khung cảnh và các nhân vật với màu sắc rực rỡ nhất, ấn tượng nhất, và người nghe như bị hút hồn. Mà anh thì biết rất nhiều chuyện, đông tây kim cổ, muốn gì cứ hỏi, từ việc chính trị thuở ông Hồ còn bôn ba bên Tàu hoặc nhà thơ nhà thẩn hoặc vùng nào có cây trái gì đặc biệt hoặc lịch sử chùa chiền đình miễu… Dù với tuổi tác, trí nhớ anh rõ ràng còn sung túc chưa đến chỗ suy tàn. Một hôm sắp dẫn chúng tôi đi viếng một ngôi chùa, anh kể sơ về lai lịch nơi thờ Phật này, chiêu vài ngụm nước.

 

Chuyện là nhà sư nọ đến vùng đất hoang vu ngồi thiền dưới cây kén. “Cây kén là cây gì thì lát nữa đi xem tận mắt mới biết chớ không thể tả được. Bây giờ nó còn đó”. Thế là chúng tôi không hỏi kén là cây gì. Thời đó rậm rạp thiếu gì cây mà nhà sư chọn  cây kén tức nó cũng có duyên nghiệp tu hành.  Ban đêm thì chỉ có trời và rừng rú âm u, một ngọn đèn leo lét cũng không, một tiếng gọi nhau cũng chẳng có. Ếch nhái, dế hay đom đóm cũng hiếm nữa là.  Dân làng đếm được trên đầu ngón tay, chơn chất hiền lành. Nhưng con cọp đen thì không hiền dù đơn thân độc mã, thỉnh thoảng nó vẫn khiến số dân ít ỏi ở đó khiếp vía. Mà tội, nó có xơi ai đâu, chỉ thỉnh thoảng buồn tình lừng lững thênh thang bước giữa ruộng đồng hóng mát rồi quay về một nơi nào đó trong rừng. Ai gan đâu tìm hiểu chỗ náu thân của nó. Họ chỉ xầm xì như thể nói to là nó nghe. Vậy mà khi nhà sư tụng kinh, chỉ trời biết từ bao giờ, nó đến nằm im bên cạnh, lim dim. Chẳng biết nó có hiểu ất giáp gì không hay thực sự thấu hiểu tiếng Phạn mà ngay cả nhà sư chắc cũng chẳng hiểu mô tê gì, nó nghe kinh với vẻ thanh tịnh bình an như thể lời ru của mẹ từ khi nó còn nhỏ xíu chưa khiến ai sợ hãi. Về phần nhà sư, chẳng biết ông run quíu không chạy nổi hay nhắm mắt thiền không nhìn thấy cọp hay có nhìn thấy mà can đảm bụng bảo dạ cứ bình tĩnh cải hóa cho nó. Chết là cùng chứ gì, ai mà chả chết. Ông an nhiên tự tại tụng niệm, nó nhẩn nha nghe. Từ thuở con gái đến khi bầu bì, con cọp đen vẫn đến nằm bên cạnh nhà sư nghe kinh như vậy, thần thái hiền hòa an lạc. Rồi nó sinh con cũng bên cạnh nhà sư, dưới cây kén ấy. Máu cọp sinh nở rưới gốc cây. Cọp con tung tăng quanh gốc cây.  Nghe kinh riết rồi hoặc là mẹ con chán, hoặc đã đủ trình độ tu hành, chúng nó đùm túm nhau đi biệt, bỏ nhà sư ở lại, từ đấy không nghe tiếng cọp gầm gừ rúng động hay bóng dáng to lớn hùng hồn đen thui đâu nữa.

 

Lúc bấy giờ dân làng mới hoàn hồn, hiểu nhà sư là bậc chân tu. Họ bắt đầu lên xuống thăm viếng thường xuyên thay vì chỉ thỉnh thoảng mới đến cúng kiến chút đỉnh cho sư có cái lót dạ. Và họ bắt đầu lạy Phật sống ngồi dưới cội kén, thành tâm nghe sư giảng đạo thánh hiền hay nói chuyện nắng mưa thời tiết với giọng trầm trầm nhân hậu. Trời miền Trung thường nắng gắt nên một tấm vải quấn thân cả năm trời, sư xuống suối tắm rồi lên hong khô trên chính thân thể mình, trừ những chỗ thủng thì da thịt đành lòi ra và chẳng còn biết tấm vải màu gì, vàng hoặc nâu hoặc màu bã trầu, không chừng là tím hoặc xanh da trời cũng nên.

– Thấy dân làng có nhu cầu đến cửa Phật, ông mới bèn dựng lên một kấy… một kấy…

– Am.

– Đấy, một kấy am…

 

Úi cha, một cái am mà khó khăn thế rồi. Tiếp theo là cuộc đời tu hành chơn chính của nhà sư, một đồn trăm trăm đồn nghìn, người ở đâu lũ lượt kéo đến lập làng, một nóc nhà mọc lên rồi nhiều nóc nhà mọc lên, vui vẻ bớt cô liêu. Cái làng nhỏ xíu quê mùa giờ bắt đầu tấp nập bán bán buôn buôn cày cày cấy cấy. Những đêm trăng thanh gió mát trai tráng trong làng cũng đã biết dạo chơi lơi lả gái xuân thì. Mùa cấy gặt thì tiếng hò đối đáp vang vang cả  góc trời xưa kia yên ả. Rồi đám cúng đám kiến, thần thánh ở đâu bỗng dưng cũng chuyển hộ khẩu đến làng, nằm ngồi đủ kiểu khắp nơi, lúc thì gốc cây đa cây đề, lúc thì trên đỉnh bãi trống hoang vu, lúc ở một bụi tre đơn độc giữa đường hay tự dưng vài miếng gạch sắp lên ở bất cứ một góc đường mòn nào đấy. Rồi đám cưới đám xin, đám hội đám hè. Dân đông thì nhu cầu cũng lớn theo.

– Rồi nhà sư nghĩ để cho chúng sanh có chỗ ra vào lạy Phật, ông bèn cất lên một kấy… một kấy…một kấy…

– Chùa.

– Đấy, một kấy chùa…

Trong khi anh tiếp tục hăng say mô tả cuộc đời tu hành của nhà sư, sự mộ đạo của chúng sanh vùng đó và sự phát triển của ngôi chùa… tôi nghĩ bụng ouf, may mà có mình tìm chữ chính xác cứu nguy trong khi vì hăng say quá anh quên mất. Anh nói mê man, như thấy nhà sư ngồi trước mặt tụng niệm dưới cây kén, thấy cả chỗ áo thủng rách của nhà sư, thấy dân lành ra vào cửa Phật cung kính vái van, thấy mẹ con nhà cọp quẫy đuôi lững thững vào rừng, dám thấy cả màu mắt cọp con cọp mẹ. Và mặt trời miền Trung rực sáng theo mắt anh, theo những âm thanh anh phát ra nhanh nhẩu nồng nàn. Anh viết cũng như nói, dễ dàng nhanh chóng, sôi bỏng đậm tình. Đi chơi đâu về dù khuya, anh cũng ngồi vào bàn hoặc sáng mai, thả ra ngay một cốt truyện kể lại những điều chứng kiến trong ngày, tình tiết chi ly thâm thúy.

 

Một lần đi thăm trường đại học quê anh. Ông phó viện trưởng đón tiếp. Chiêu vài hụm trà thông giọng, anh bắt đầu hăng hái nói về chương trình cải tổ của anh Lê. Anh Lê có chương trình thay đổi cảnh quang khu đại học,  sẽ trồng cây xanh ba lớp từ chân đồi đi lên, loại cây thân dai như bạch đàn, dễ trồng và sẽ mang lại lợi nhuận, mặt bằng sân trường sẽ trồng loại hoa gì vừa dễ chăm vừa cho hoa nhiều, lá chết sẽ gom lại làm phân hữu cơ. Chỗ này (anh  trỏ trước sân) thay vì để tấm bảng thiếc như vậy vừa chiếm chỗ vừa thiếu vẻ thẩm mỹ, anh Lê sẽ đặt một tảng đá to, khắc tên trường, vừa độc đáo vừa mang tính chất mạnh mẽ (đá tảng mà !). Băng ghế sẽ đặt chỗ nào vừa đẹp vừa mát vừa không khiến thiên nhiên bối rối, mà sinh viên có thể thoải mái ngồi tâm tình hay sôi kinh nấu sử… Chúng tôi khoái chí tủm tỉm nhìn nét mặt ông viện phó ngơ ngác đang nghi ngờ khả năng thông tin nội bộ. Bởi ông lù lù ở đó bao nhiêu năm rồi và việc gì cũng qua tay ông hết cả, thì cái anh Lê này là ai, từ đâu tới, và tới lúc nào để tính toán chi ly cải tổ ngôi trường của mình quy mô cỡ ấy mà mình mù tịt? Ông viện trưởng có chơi qua mặt gạt mình ra rìa không đấy? Ông ta tần ngần nhìn anh bán tín bán nghi, nụ cười mỉm đông cứng trên đôi môi dày tim tím. Nhưng anh vẫn thản nhiên không bỏ dở chương trình của anh Lê, giải thích bởi vì trường đại học trên ngọn đồi như thế này là có một không hai của Việt Nam thì khuôn viên nó phải xứng đáng. Và nhất là làm gương cho cả nước về cách bảo vệ môi trường, nghĩa là cây xanh, cây xanh, và cây xanh… Anh thao thao đến đâu thì ông viện phó ráng kéo cái gượng gạo tới đó. Một lát rồi anh có vẻ mệt, chả là đã một lần mổ tim. Anh thở dốc, mặt xanh lè, xanh như ông viện phó đang cố nuốt cái chương trình của anh Lê đè nghèn nghẹn ở cổ vì mình ngoài cuộc.

 

Anh Lê là bạn anh thuở còn dùng đũng quần chùi nhẵn ghế nhà trường. Lớn lên anh Lê du học bên Đức về môi trường. Nghỉ hưu, anh Lê thường về Việt nam ăn cơm nhà vác ngà voi rao giảng kiến thức thâu thập được ở xứ người. Và anh thường đưa anh Lê thăm chùa chiền đình miễu. Nơi nào anh Lê cũng lên kế hoạch. Chỗ thì xây bảo tháp, nơi thì đào hồ thả sen, nơi trồng cây ba bốn lớp, làm cầu cảnh, hòn non bộ, dựng tượng đài, chấm chỗ nào mắc võng trên đường… Trường Sơn. Lắm chương trình cái nào nếu không vĩ đại hấp dẫn thì cũng nên thơ lãng mạn. Nhưng mưu sự tại nhơn thành sự tại thiên, chẳng may chưa cái nào ra cái nào thì anh Lê bị bịnh nan y hành hạ. Trên giường bịnh, anh lo dịch Kinh Lăng Nghiêm. Dịch tới đâu bịnh hoạn chạy té re đến đó. Ai cũng phấn khởi, tưởng anh sẽ thắng cuộc chiến tương tàn này. Nhưng một ngày bịnh ở đâu lủ khủ kéo về. Không nản chí, trên giường bịnh, anh Lê viết lại đời mình, kể chuyện từ thuở ấu thơ đến ngày du học, kể lại những ngày trên xứ người tham gia đấu tranh chống Mỹ, kể lại những cuộc tình thời trai trẻ và chuyện tình với người bạn trăm năm, và những ngày hưu trí đi đi về về dạy học ở Việt Nam… Anh Lê cũng gom một ít thơ đã làm từ trước và trên giường bịnh nhả thơ như hơi thở ngày vài ba bài, in thành tuyển tập. Vào Sài gòn phụ với chị Lê chăm sóc  và lo xuất bản các quyển này của anh Lê, và sau khi bạn gác kiếm chịu đầu hàng tử thần, anh viết một quyển sách về đời anh Lê, và trên bàn thờ nhà anh chị có chỗ bạn ngồi. Mỗi năm anh chị làm giỗ  và mời bạn bè văn vẻ đến đọc thơ tưởng niệm. Nghĩa là anh làm mọi điều với niềm say mê, tận tâm và thành khẩn.

 

Chị thì  mái tóc trắng phau trước tuổi và nói năng chầm chậm hiền hòa, lúc nào cũng cười rất tươi, thường lắng nghe anh và tủm tỉm tán thành. Anh tung chị hứng rất ăn nhịp, ý hợp tâm đầu. Mặc dầu thị tại môn tiền náo nhưng tâm anh chị có nguyệt lai môn hạ. Mặc dù anh nói như bay vù vù nhưng tâm anh tịnh một chỗ. Mặc dù khi diễn tả điều gì mắt anh sáng nẩy lửa nhưng cái nhìn chất chứa niềm u mặc ngọt ngào…

 

Thân kính tặng anh chị QG.

Xuân Sương

Paris-NT, mars 2010