BUỔI SÁNG, BÓNG TỐI, CÔ ĐƠN...    

 

BUỔI SÁNG

 

Bức tranh sống động của con đường ra biển vào 5 giờ sáng ngày nào cũng hệt nhau không thay đổi: góc đường đầu tiên là đôi vợ chồng trẻ bày bàn ghế chén đĩa lên vỉa hè rộng trước nhà. Hai lò than to ngọn lửa hiu hiu từ từ hực lên nhờ cây quạt trời buổi sáng rất “ấn tượng”. Cô vợ xinh xắn lúi húi bên mấy nồi nước dùng to chảng, anh chồng lo dựng mấy cây dù vĩ đại nặng nề. Đi thêm vài trăm mét sẽ nghe nước chảy róc rách từ hòn giả suối mà tôi thường bảo là phí năng lượng, ban đêm thì ngoài sân để điện làm gì. Ở góc đường tiếp theo một bà kéo tủ bánh mì ra lề đường, bật đèn, đàn “bò cười” khúc khích sắp hàng bên trong lớp kính nháy mắt với khách bộ hành. Góc  đường đối diện một ông bận may dô trắng ngồi quay lưng ra đường rót đầy mắm hay tương ớt hay gì gì linh tinh vào chai lọ lủ khủ trên bàn, hẳn là theo lịnh vợ. Vừa qua khỏi là quán cà phê giờ này thường năm ba ông trò chuyện râm ran. Thêm ít bước nữa ở ngã ba con đường nhỏ, hàng bánh canh chả cá đang xun xoe bàn ghế mà sáng nào bà mẹ trẻ cũng được cô con gái  nhỏ lăng xăng phụ giúp. Thêm ba bước cũng rộn rịp ghế bàn cho riêu cua, bún cá. Đối diện bên kia là hàng bún bò có hàng phở nằm kề. Rồi ngay ngã ba đường chính thì đủ loại xôi thơm lừng mùi hành phi sáng sớm. Băng qua đường, “quán” cà phê nữa gồm ba chiếc bàn con sát vách hè, cô chủ luôn luôn đội mũ sụp che kín, giờ đó hãy còn tối và vành mũ rộng nên chỉ đi ngang qua thì không bao giờ thấy mặt. Chiếc ra dô hay máy hát hay điện thoại đi động phát ra những bản tình ca thời trước 75, mùi mẫn. Rộn ràng các sinh hoạt đầu ngày phục vụ bao tử và khẩu vị mỗi người. Là sự sống. Gần tới biển thì khỏi nói, không có lề đường cho người đi bộ, bàn ghế đã chiếm hết rồi và mỗi lò than có một  chiếc quạt máy thổi vù vù, đi gần tàn lửa bén quần áo như chơi. Các nồi nước lèo sôi sùng sục, lỡ trượt chân ngã vào đấy sẽ thành thịt luộc. Rồi cái chợ chồm hổm bất thành văn dọc đường dành cho người đi biển về tiện mua, bắp, sữa đậu nành, đậu hủ, khoai lang khoai mì, bánh dầy, bánh đập... Chẳng thế còn rau cỏ và mùa nào trái ấy cây nhà lá vườn tươi rói, những ngày gần Tết còn có gà sống mà người bán chẳng ngần ngại cắt tiết luôn nếu khách yêu cầu. Một bức tranh sống động trong khi trời chưa rõ mặt. Không ai to tiếng. Bây giờ từng nhóm người đi ngược trở về đã nhiều, dám họ ra biển từ ba giờ sáng.

 

Những hôm trời mưa hay vì lý do gì không ra biển thì đúng 6 giờ, tiếng cây “chổi xương” nhà ai thong dong đưa đẩy. Tiếng suốt cây chổi lên mặt đất nhẹ nhàng, hơi dài, trong trẻo, thanh tao. Đúng bảy cái thì ngưng. Mười lần như một, nhất định không trước hay sau sáu giờ, không ít hay nhiều hơn bảy lần chổi quét.  Thường tôi nằm im và đếm, không có ý tò mò ra xem nhà ai mà đều đặn ngăn nắp vậy. Cứ để nó vẫn là huyền bí, bởi bảy suốt chổi đó vừa dễ thương vừa đằm thắm. Nó đặc biệt quá, ấm cúng quá, dịu dàng quá. Không cố đánh thức ai dậy muộn, không vội vàng tất bật cho xong, không nặng nề đuổi rác, nó thong dong điệu đàng như con gái vừa đi vừa ngoáy lại mỉm cười. Không biết người quét có cố ý đúng bảy cái thì ngưng hay tới đó vuông sân đã hết. Bảy suốt chổi mà đã hết thì sân hẹp lắm, ngắn lắm. Vậy mà nó nổi bật trong buổi tinh mơ nhờ người chủ quét. Ta có thể tưởng tượng bà chủ hay cô chủ nhỏ cầm cán chổi yểu điệu như cầm chiếc quạt trầm, phe phẩy lịch sự đuổi bóng đêm và mấy chiếc lá đi mà không nỡ thẳng tay. Rồi cầm chổi lững thửng quay vào nhà, bỏ mặc mấy chiếc lá vàng vừa túm tụm có thể nhởn nhơ với gió sớm theo chân người vào sân trở lại cùng ánh sáng mỗi lúc một hồng hào.

 

Nhớ lại thuở nào nhà bà chị ở Hàng Xanh nằm đầu con hẻm, có cái chợ nhỏ. Buổi sáng chưa rõ mặt, trong khi các bà âm thầm bày thúng mủng và khẽ khàng trò chuyện thì mùi các loại rau thơm rau ngò từ từ len vào khe cửa. Mùi thơm tinh tuyền thanh tao quá đỗi, nó lách vào khứu giác và cả thân hình như được ươm hoa. Sách vở nói xưa kia Đức Phật nghỉ trưa trong phòng ướp hương sen, chẳng biết thơm cỡ nào, nhưng dạo đó chẳng cố ý mà sáng nào cũng được rau ngò lừng lững bước vào, nhẹ nhàng đánh thức dậy với nụ hôn ngọt ngào khiến mình sảng khoái vô biên. Những lá ngò mỏng manh trêu ghẹo, lẳng lơ một cách kín đáo. Tô canh nóng hổi bỏ hành ngò xắt lát sực lên nồng nàn quyện mùi tôm thịt, trong khi rau ngò buổi sáng chỉ có mùi hương mát dịu đượm sương đêm, thơm và thanh. Dạo đó tôi nằm im miên man hít thở nhẹ nhàng, cảm nhận từng hạt không khí thông vào phổi mình có hơi hướm rau lá, một sản phẩm thiên nhiên tao nhã. Người ta nói bộ nhớ của khứu giác dai dẳng lắm, nên giờ nhớ đến vẫn cảm nhận được mùi hương rau cỏ năm nào... 

 

 

BÓNG TỐI

Trưa nắng, nhà tôi vừa ra khỏi cổng, bà cụ bên cạnh đang ngồi dưới bóng mát cây sứ đứng bật lên:

– Chú ơi, con nhỏ cháu tui đi mô từ sáng chừ chưa về, bỏ học.

 

Rồi bà hớt hải tỉ tê:

– Tui đang nấu cơm, hắn đi học thêm toán bên nhà thầy Bình về, dắt xe đạp ra nói nụi ơi con ra ni mua cái ni chút xíu rùi về. Tui biểu ăn cơm để mười hai giờ cha hắn về đưa đi học, hắn nói hắn về ngay. Vậy mà chừ chừ chưa về chú ơi. Cha mẹ hắn đi hỏi khắp nơi rùi, nhà thương, nhà bạn hắn, mà bạn thì đứa mô cũng đi học đầy đủ.

 

Chiều, con đường nhà chúng tôi ngắn, nhỏ, càng lúc càng đầy người đứng ngồi. Ai cũng băn khoăn. Và rất nhiều giả thuyết được đưa ra, rằng chắc nó làm mất xe đạp nên trốn luôn chẳng dám về, cô ruột nó đính chính ngay là nó không thuộc loại sợ kiểu đó,  rằng con nhỏ suốt ngày ôm mạng, mẹ nó đã cấm rồi, đi học về là líu lo điện thoại di động nên mẹ nó cũng rút cạc Sim ra rồi, nghĩa là cắt đứt con bé với thế giới máy móc, chỉ bắt nó chúi mũi vào sách vở thôi, cho nên con bé nghe lời ai trên mạng dụ dỗ rồi, chuyện đó đã xảy ra cho (ai ai đó, ở xóm gì gì đó) rồi, rằng nó rất ganh tỵ với con em (mới lên ba) sao mẹ chỉ lo cho em mà không lo cho nó, cho nên áp dụng một cú đi hoang cho cả nhà hoảng, rằng với cái tuổi đó mà không trông nom cẩn thận là chết, rằng cái dở nhất của người mình là cứ nói (gì gì đó, nghe có vẻ chê chê là gia đình không biết cư xử với con). Chưa bao giờ thấy xóm mình biểu lộ lòng đoàn kết và cùng lúc nhiều ý kiến... siêu phàm như vậy. Ai cũng có ý để góp, có ý để khuyên nên cư xử với con cái như thế nào thì mới không bị xất bất đi tìm...

 

Bố mẹ con bé chẳng ăn gì từ trưa, chạy xe hết nổi, cô hàng xóm đèo mẹ, anh hàng xóm đèo bố, tìm ngoài bãi biển, trong các tiệm ăn, tiệm sách. Trời ạ. Đứa em gái nó được cô hàng xóm có con cùng tuổi đem về ăn tối, xong một cô khác vào nhà bà cụ lấy bộ đồ dắt về nhà tắm cho nó, một cô khác đi mua cháo về ép bà cụ ăn để còn uống thuốc tiểu đường. Trời càng tối nỗi lo càng ghê gớm. Tôi cũng lóng ngóng như thể nếu vào nhà lấp đầy bao tử là có tội. Bà cụ mệt mỏi hụt hơi:

 

– Giờ nì mà hắn chưa về thì chắc hắn hư đời con gái rùi cô à. Bị ai dụ dỗ đi rùi, chứ hùi giờ hắn có rứa mô.

 

Lại tìm lời an ủi mà trong bụng cũng sợ quá. Hàng xóm mà mình còn thắt ruột huống chi gia đình. Bố mẹ nó về nhà. Mới một ngày mà mặt tọp xuống, thất thểu già nua, đen gần bằng cột nhà cháy. Chị hàng xóm nhà giáo nói nhỏ vào tai tôi:

 

– Tiêu rồi, kiểu này là tiêu đời rồi. Đáng lẽ phải báo công an ngay từ hồi trưa, công an hình sự họ có cách truy tìm, họ biết đối tượng nào hoạt động khu vực nào là tìm ra ngay. Phải vào khách sạn tìm nữa chớ. Mà hồi trưa đáng lẽ phải chận ở bến xe, bến tàu lửa. Chớ giờ này dám nó đã ra tới Huế rồi. Cái gì chớ chuyện này em kinh nghiệm lắm.

 

Và chị kể hồi nẵm, thằng cháu hơi “mát giây” ở Sài Gòn tuyên bố sẽ ra Nha Trang tự tử. Chắc nó nghĩ chết dưới nước biển thì thân thể mặn mà mát mẻ. Buổi tối không thấy nó về ngủ sau một vòng đảo khu Nhà thờ Đức Bà như thông lệ, là gia đình Sài Gòn điện ra, sáng sớm hôm sau gia đình chị ở Nha Trang đã túc trực ở bến xe, nhà ga. Tóm gọn thằng nhỏ vừa loạng quạng bước xuống toa tàu với cái túi ny lông đựng hai bộ áo quần, xuống nước cũng cần có cái mà thay. Cuộc du hành của nó ngắn ngủi một đêm, mộng nằm chết thênh thang trong nước muối bị vỡ tan, nhưng ít nhất cũng cho dì nó là bà bạn hàng xóm của tôi tự hào là “có kinh nghiệm” trong việc tìm bắt thanh thiếu niên muốn sống máu giang hồ. Mà con bé đó ghê lắm nghe chị, nó cá tính lắm, nó nói mẹ nó cái miệng cứ loẹt choẹt suốt ngày. Còn bố nó thì hiền hơn Bụt, vì Bụt thì còn lên giọng dạy đời chớ bố nó con mà còn không dạy đừng nói chi đời, bố nó cũng câm hơn hến, vì hến vào nước sôi còn mở miệng. (Xin lỗi, tôi quên kể chi tiết là hồi chiều trong một lúc tạt về nhà, mẹ con bé lên lầu lục lọi một hồi, xuống tuyên bố với bà con đang tụ tập là nó đem theo một quần rin, cái áo thun vàng và hơn năm trăm tiền lì xì mà mẹ nó không lấy cất). Chị thấy không, như vậy là nó có chủ ý đi rồi, bị dụ dỗ rồi, chớ phải ai bắt cóc gì đâu. Mắc cỡ nỗi gì, cứ đưa hình cho công an và đài truyền hình, họ đăng tin lên thì thằng nào dụ dỗ nó đi cũng biết sợ chớ.

 

Và rồi như thám tử tồi trong phim trinh thám, một đứa thiếu niên nào đó gõ tên con bé lên Gù gồ Mép, ông Gù này cho điạ chỉ nhà một ông Tây ở con phố khác, vậy là thiên hạ lại khẩn thiết gào lên “Tìm ra nó rồi!”.  Có người bắt thang leo vào nhà Già Hù coi các địa chỉ meo cũ mà nó không dùng nữa cố tìm ra manh mối nó “chát” với ai thì sẽ tóm được kẻ dụ dỗ...  Mà dĩ nhiên là chẳng tìm ra cái gì. Nhưng như người bịnh nan y chẳng biết cứu cách nào, ai nói sao làm vậy, với hy vọng mong manh vô lý là tìm ra con bé. Thấy đứa con gái đạp xe ngang nhà, một bà tướng lên “Nó về kia!... Ủa, sao mà giống nó vậy”. Nhà bên cạnh có nhóm người đang nhậu, một ông bỗng hào sảng phán hồi khoảng hai giờ rưỡi chiều, chiếc taxi Mai Linh bần thần dừng ngay cây sứ, có ba đứa con gái cỡ tuổi con bé bước xuống, phân vân nhìn nhìn cái gì rồi lại leo lên xe đi. Một cô hàng xóm cầm hình con bé vù qua rồi vù về, hớt hải phấn khích:

 

- Anh này nói ảnh chắc chắn bảy mươi phần trăm là một trong ba đứa con gái đó là nó.

 

Điên đầu nên không ai nghĩ là anh này đang quàng vai Lưu Linh, cho nên chuyện “chắc chắn bảy mươi phần trăm” gây chấn động gần cỡ tháp đôi bên Mỹ bị tàu bay đâm sụp. Người ta bàn chắc là nó muốn về “lấy thêm cái gì rồi nghĩ sao lại thôi”. (Quái, đúng là con nít, đã cố tình trốn đi mà lại về “lấy thêm cái gì”. Và nếu có người dụ dỗ thì non tay quá, lại cho con bé ghé nhà!). Mẹ nó vội phôn cho hãng Mai Linh, rồi cô hàng xóm lại vụt qua nhóm đang nhậu hỏi thấy xe mấy chỗ, biết là xe bảy chỗ rồi thì mọi người tràn trề hy vọng Mai Linh sẽ hỏi chú tài nào đó đã thả ba cô gái xuống đâu. Là sẽ ra tông tích con bé thôi. Kể ra cũng khá giản dị. Tìm trẻ đi hoang kiểu này thì thám tử không còn đất dụng võ rồi.

 

Rồi nói một cách rất cải lương chi bảo nhưng chính xác là “thời gian không đợi ai bao giờ”, nên đêm vẫn rất đen dù có đèn đường, dù bà con xóm tôi đang có nỗi niềm. Mọi người lác đác ra về. Nhà bà cụ im lìm như đi vắng cả, bình thường mẹ con bé sảng khoái oang oang (mà bà cụ thường nói hắn nói to quá hả cô, tôi cười cười đâu có sao dì, mau mắn vậy thì vui). Chắc không ai yên giấc nổi đâu, mình đây mà còn nao nao xót ruột. Nhưng rồi mình cũng ngủ được, bên kia bức vách ba tâm hồn hẳn đang quằn quại, hẳn là mỗi người tự... kiểm thảo mình có gì quá trớn với con bé không, ngay cả bố nó không nói gì vẫn là quá trớn. Suốt ngày bà cụ đã trả lời bao nhiêu lần cùng một câu hỏi là mấy hôm nay có ai la rầy mắng mỏ nặng lời không. Mấy bữa trước có la chớ hôm qua thì không, mẹ hắn còn khích lệ vì hắn đem về cái giấy khen học sinh giỏi... Và cụ đã bao lần lặp lại hoạt cảnh Tui đang nấu cơm, hắn đi học thêm toán bên nhà thầy Bình về, dắt xe đạp ra nói nụi ơi con ra đây mua cái ni chút xíu rùi về. Tui biểu ăn cơm để mười hai giờ cha hắn về đưa đi học,... Chắc trong đêm cụ bóp trán cố hồi tưởng nhiều điều mà với trí nhớ bận bịu tuổi đời và lo âu hoảng hốt, cụ có quên gì không. Cháu ơi là cháu.

 

Sáng sớm trước khi về Sai gòn, cháu tôi đi thăm biển, bà cụ đứng trước cổng như mỗi sáng mỗi chiều, như hôm qua, kéo tay áo nó (lần đầu tiên gặp nhau):

 

– Cô ơi, con nhỏ cũng chưa về.

 

Rồi cụ  kể lể, cũng là những chuyện hôm qua mà cụ lặp lại như mới lần đầu, vừa hăng hái vùa ủ ê, thì điện thoại reng. Rồi chẳng biết từ đâu hàng xóm ào ào kéo đến hân hoan ra mặt, câu nó về rồi, nó về rồi trên mọi đôi môi. Nhanh thiệt. Nhưng nó chưa về, chỉ là bác nó ở Sài  Gòn điện ra cho biết nó vừa chân ướt chân ráo bước vào nhà bác. Ouf. Nhẹ nhõm. Bà cụ cười như mếu. Hôm sau cụ nắm tay tôi nói say sưa:

 

– Cô biết tại răng hắn đi không, hắn viết tờ kiểm thảo kể hết rùi, tại vì bữa tê làm bài, hắn không thuộc mới giở sách ra, con phó lớp bắt gặp, nói với thằng trưởng lớp, hai đứa hắn đòi con ni đưa ba trăm nghìn nếu không sẽ trình lên hiệu trưởng, con ni nói không có tiền, hai đứa hắn nói thôi hai trăm cũng được, con ni cũng nói không có tiền, hai đứa hắn viết giấy bắt con ni ký nợ, bắt phải hứa là mỗi tháng trả một trăm, con ni xé toạc tờ giấy rồi chiều nớ bỏ đi để trốn khỏi lên lớp.

 

– Khoan khoan, dì nói từ từ chớ cháu chưa hiểu lắm. Nó học lớp mấy?

 

– Lớp sáu cô nờ.

 

– Lớp sáu mà biết tống tiền?

 

– Rứa mới ghê chớ cô. Tụi hắn biết chi, bắt chước người lớn đó. Hắn nói nhiều đứa bị lắm, cái chi cũng có giá, phải thuê, mượn cây bút chì là năm trăm, cây kéo là một nghìn. Hồi giờ chỉ nghe nói, tưởng chuyện nhảm nhí chi chi, chừ con cháu bị rứa mới biết cô nờ. Hắn kể hết trong tờ kiểm thảo rùi, để mai tui đưa cô coi.

 

Tôi không muốn hỏi mượn bút mượn kéo của ai mà phải trả tiền, chẳng lẽ học trò phải tới tận... nhà cầm đồ hay cho vay lấy lãi?  Mắt bà cụ tràn lan bóng tối.

 

 

CÔ ĐƠN

Sách anh ấy viết thì phải nói lấy thước mà đo, nắn nót đẹp lắm, nhưng nhất định không chịu in. Có người ở ngoại quốc về đề nghị đưa tiền in, bản quyền vẫn của anh, chỉ là giúp anh in ra thôi, nhưng anh vẫn không chịu. Chẳng biết anh có... khùng không, ai cũng muốn cái gì mình viết ra, hay dở chẳng biết, nhưng muốn in cái đã. 

 

- Chẳng giấu gì anh, ba mươi triệu đối với tôi là to lắm, là cả gia tài. Không phải tôi không tin anh bạn muốn bỏ tiền in, nhưng có một kỷ niệm chẳng hay ho gì cứ ám ảnh tôi hoài. Chẳng là vợ tôi đi làm nuôi tôi, tôi nói bà nuôi cơm tui đi, tui sẽ viết những cái sạch sẽ để không phụ hạt cơm của bà. Rồi con của một đại văn thi hào, nói quyển nào anh cũng đề tặng vợ mà bây giờ chỉ bịnh nằm đó anh không có tiền thuốc men cho chỉ thì mấy quyển sách này giúp gì cho chỉ đâu. Có lý quá nên tôi đồng ý để họ lấy đi một quyển hứa in và trả tiền để tôi lo thuốc men cho vợ. Chờ mãi chẳng thấy tăm hơi. Tôi có hỏi thăm một đại văn hào khác và được bắn tin là tôi muốn mất chỉ một quyển hay muốn mất hết các quyển đã viết? Tức là nó có thể lấy hết anh à, mà tôi đã gửi tản mác hết rồi. Đó, để thấy như vậy đó anh. Cho nên tôi chán nản, những gì mình viết chỉ là chuyên môn chẳng đụng đến ai, tất cả đều rất sạch sẽ đàng hoàng, mà nản lắm anh. Cô đơn lắm anh.

 

Biết an ủi anh ấy bằng cách nào đây. Sống giữa xã hội tất bật rộn ràng của một trong những xứ dân số vẫn tăng vù vù dù kế hoạch gia đình, mà không ít người vẫn rất cô đơn.

 

Nhưng tiểu thuyết Buổi sáng Bóng tối Cô đơn của Quỳnh Dao là câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. 

 

MIÊNG

Paris-NT Mars 2013