Hải Nữ

Khi tôi trở về thì em đã chết rồi, giản dị như một cơn mơ.

Tôi thấy em mỗi chiều, nằm trên các tảng đá chất chồng, nhìn ra xa, trong tư thế cô độc, kiêu sa và tự tin của loài hải nữ.

Căn nhà bạn tôi cao hơn mặt biển ít nhất vài mươi thước, từ cửa sổ phòng khách nhìn xuống, chưa bao giờ tôi trông rõ mặt em. Tôi chỉ thấy lờ mờ một vùng mắt mày sâu thẳm, đen tuyền và trong đầu óc tôi, em như một bức tranh tố nữ. Trông em mảnh khảnh như con chim chìa vôi nhỏ, và vẻ xa vắng lặng lẽ cô đơn của em như một quyển truyện tình hãy còn khép kín.

Hầu như chiều nào cũng vậy,  nằm một lát rồi em  lại bỏ đi dọc theo bờ đá. Em thường đi như thế  với vẻ cô đơn lạ lùng, và chúng tôi như có cái gì gần nhau, cùng một mẫu số chung trong nỗi cô đơn cao khiết đó. Em đi, hờ hững khua  nước ngấp nghé  hai chân chim nhỏ nhắn, mắt dõi mông lung ra xa vẻ chờ đợi, tìm kiếm một cái gì và như biết nó sẽ không bao giờ đến. Tới một lúc nào đó thì em khuất khỏi tầm nhìn của tôi từ cửa sổ phòng mình.

Chiều nay cũng vậy, em nằm đó, trên các tảng đá màu chì ,

 thân thể nổi bật căng phồng trong chiếc áo tắm màu hổ phách. Nhưng khi tôi xuống tới nơi thì không còn thấy em đâu nữa. Tôi nhìn lên cửa sổ phòng khách ra dấu hỏi mẹ em đi đằng nào, nhưng mẹ lắc đầu, khoát tay ra cái điều không thấy.

Nhiều lần như vậy liên tiếp, tôi đâm nghi ngờ bực bội mẹ. Cái cảnh một mẹ một con không bao giờ rời nhau và tôi có cảm tưởng là mẹ không muốn tôi có liên hệ với ai, gây cho tôi cảm giác mình là anh chàng Bates trong phim Psychose của Hitchcock. Người vợ mà cụ đã chọn cho tôi với tiêu chuẩn là nền nếp Việt Nam một chút, - chớ "cái thứ dở đầm" thì sẽ ăn ở không  ra gì - đã đưa đến kết quả là một cuộc ly hôn sau ngày cưới chưa đầy  năm. Tôi luôn luôn khoác tấm áo cô đơn vào người, kể cả khi mẹ cưới cho cô vợ. Ðối với tôi, niềm rung cảm của con tim tựa hồ như một cánh cửa kho tàng mà tôi đã đánh mất chià khoá từ khi mẹ không chấp nhận người tôi lựa chọn. Và tình yêu là cái gì còn xa lạ mơ hồ hơn nữa. Làm sao gây đổ máu cho một thân thể đã chết rồi ? Nên bây giờ thì tôi là một loại trai già gàn dở, bẵn tính, vụng về, ngoài mẹ ra là không ai chịu đựng được.

Cho đến một chiều trời rắc từng hạt nước nhỏ mịn xuống trần, tôi nhìn xuống các tảng đá và thấy em vẫn nằm đó, lơ đãng như không biết dù mưa bụi cũng có thể làm em thấm lạnh. Tiếng mưa mỏng  nhẹ như hơi thở,  như tiếng em thì thâm bên gối, như nũng nịu gọi tôi hãy đến bên em. Một nỗi thôi thúc kỳ lạ như dồn tất cả sinh lực hối hả lên tim và chạy dài xuống chân bảo tôi phải bước đi. Một nỗi ham muốn được đối diện nhìn ngắm em mãnh liệt như dồn hết máu lên mặt làm tôi cảm thấy cả người bừng bừng thiêu đốt.  Tôi lao ra cửa  như bị thôi miên, như có một động lực vô hình khích lệ.

Bầu trời xám xịt hạ thấp xuống. Thỉnh thoảng một vài tia sấm

 chớp xẹt ngang dọc  chằng chịt như những lằn gân máu bao trên óc. Mặt biển lầm lì bao la và bí hiểm  dâng lên, nối liền với chân trời cùng một màu và cùng một vẻ đe dọa như nhau. Thiên nhiên như đồng tình trêu ngươi chế diễu  cái bé nhỏ bất lực nhân sinh. Mưa vẫn lất phất rơi, ẻo lả đẩy đưa theo từng cơn gió.

Tôi chạy như lao xuống mấy dãy đá để đến chỗ em nằm. Khi gần tới  thì em nhổm dậy, và với bản năng e ấp của phái yếu, bỏ chạy đi. Tôi đuổi theo. Tôi muốn bảo là mình không làm gì để em phải sợ, rằng có thể trời sẽ mưa lớn hơn và thay vì về nhà, em có thể lên trú mưa nhà tôi và nhìn biển. Nhưng tôi chỉ chạy theo, âm thầm như một cái bóng. Gió thổi thốc từ sau tới, nâng thân hình mỏng manh của em như bay bổng, gió xoắn nhẹ làm em  chạy với vẻ uyển chuyển khoan thai như không chấm đất.

Chúng tôi tới bãi biển cách nhà không biết bao xa. Ban nhạc địa phương hồi sáng diễu hành qua các phố nhân kỷ niệm ngày đổ bộ của  quân đội đồng minh, bây giờ đang hoà tấu trên biển. Tôi không để ý là trời đã ngưng mưa tự bao giờ. Bây giờ là cái choạng vạng của ngày vừa hết chớ không phải vì thời tiết xấu. Tôi vẫn ghét nhất khoảng thời gian này, lúc mà ngày chưa đi hẳn và đêm thì chưa tới. Một thời điểm giao hợp buồn bã nản lòng. Nhưng sao lúc này tôi lại thấy vui vô tả. Các nhạc công đứng trong nước, sóng vỗ nhè nhẹ vấp váp hai chân. Một ánh đèn xanh dịu yếu ớt toát ra từ dưới nước không soi rõ mặt ai cũng cho phép tôi thấy những cặp mắt khép hờ, say sưa trong điệu nhạc. Họ  đàn điêu luyện, đam mê quên mình. Thế nên không ai trông thấy tôi, dù tôi là người duy nhất giờ này còn làm khán giả.

Ban nhạc đàn hay một cách mê hồn. Tiếng nước reo khe khẽ tấp vỗ vào bờ hoà nhịp một cách kỳ diệu. Cái kỳ diệu làm tôi nửa như xúc động muốn khóc, nửa như rạo rực muốn gào lên để diễn tả lòng ái mộ tận cùng. Chưa bao giờ tôi được nghe những bản đàn huyền nhiệm đến thế. Tâm hồn tôi như thoát tục, như phiêu lãng giang hồ tới nơi nào không biết chuyện trầm luân, bần hàn vụn vặt. Thân thể tôi muốn tan loãng ra hoà vào nước, quyện vào những bàn chân đang đẩy đưa theo điệu nhạc.

Tôi dõi mắt tìm. Em đứng ngoài xa, trầm mình trong nước, nháy mắt cười và ngoắc đầu, rủ tôi cùng ra bơi. Em cứ bơi cách trước tôi một quãng, chốc chốc lại quay đầu như khuyến khích tôi theo em ra xa chút nữa...

Và bây giờ thì em nằm đó. Trên chiếc giừơng đàn bà, em kiều diễm đến lịm người.

Tôi đứng ở cửa, không dám gây tiếng động, rõ ràng là Không gian như có giây tơ, bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan. Hai mắt tôi dán vào giừơng,  phần dưới thân thể em mờ mờ sau tấm màn tuyn màu hồng gợi cảm. Trông em bình yên như mơ. Môt tay luồn vào mái tóc mượt mà trải dài trên gối, cánh tay kia tròn lẵn làm dấu gọi tôi, uể oải gợi tình. Như bản năng loài rùa vừa chui ra  khỏi vỏ là trườn người bò ra phía biển, tôi bước vội về phía em, nôn nao hạo hực lẫn ngần ngại vu vơ.

Bên giừơng, tôi vụng về lột bỏ lớp quần áo ướt át dính chặt vào người rồi cuống qúyt trân trọng ngồi xuống mép giừơng. Khoảng mắt mày vẫn đen tuyền kín đáo, mũi miệng nhạt  nhoà trong ánh đèn cùng một màu hồng thật nhạt như màn. Không biết đôi mắt thăm thẳm kia có nhìn tôi trìu mến thương yêu không mà tôi cảm thấy chơi vơi trong mắt em. Tim tôi run rẩy. Tôi muốn nói những lời gan ruột, những lời chưa một lần nào thốt với ai trong đời. Thời gian như ướp lại. Mùi hương của gối chăn và da thịt đàn bà làm tôi ngây ngất. Tôi lướt đôi môi hoảng loạn của mình lên cổ em, cái cổ của chiếc bình sứ. Trên thân thể ngọc ngà quyến rũ, mắt tôi ràn rụa hạnh phúc. Loài cỏ cây khóc trên da người. Tôi cảm thấy một nỗi đắm đuối bí ẩn, say mê  rờn rợn. Da thịt em mát lạnh, nồng nàn như giải đất phì nhiêu nhuận đạt hương đêm. Một luồng hơi mơ hồ quyện lấy tôi kéo xuống người em đang lặng lẽ chờ đợi, ung dung tự tại. Tôi như một ông thầy tu trẻ say men rượu lễ. Và trước em, tôi cảm thấy mình nhỏ nhoi hèn mọn - có phải vì vụng khờ nên tôi trở thành bé nhỏ ?

Tôi có cảm giác sống gấp rút mê man như lên đồng. Ðầu óc tôi điên đảo trong niềm tin và tự mãn có em trong tay. Tôi không còn cô đơn buồn phiền và khép kín như con sò nữa. Vì vậy mà tôi phải giữ em, giữ em bằng tất cả tấm lòng cô đơn bao nhiêu năm tháng, giữ em với tất cả cái ngông cuồng của một đời trai cô độc, giữ em bằng tất cả các sợi gân máu sôi nổi làm thừng, giữ em thật chặt trong đôi tay hãy còn rắn chắc của  mình...  Tới lúc tôi cảm thấy rằng trên đời không còn gì hiện hữu nữa cả, không còn sĩ diện hay danh thơm tiếng xấu gì, chỉ còn có em,   không còn cả con người, không còn chim muông thú vật gì, chỉ còn có em, không còn sông biển hoa cỏ gì, chỉ còn có em, không còn sách vở nghiên bút báo chí gì, chỉ còn có em, và tôi không còn cả sức lực, không còn gì chung quanh để bám víu vào, tôi chơi vơi hụt hẫng như bị rơi vào khoảng không mênh mông trống vắng, chỉ còn có em ...  một cái gì như vừa thoát khỏi người làm tôi tê điếng sững sờ, thì tôi càng ghì chặt em hơn nữa,  và thốt ra một tiếng kêu thất thanh, mê đuối,  hoang dại của loài thú trong cơn say mồi...  Em - lần đầu tiên từ lúc gặp  nhau tới giờ - thì thầm :

- C'est bien!

Tôi hé mắt nhìn. Ðôi mắt em mở to nhìn tôi chăm chú qua cặp kiếng. Tôi khép hờ mắt lại vì mệt rồi chợt nhớ, lại mở hết sức ra để nhìn. Bây giờ thì tôi thấy cả mẹ đứng bên cạnh. Mẹ mừng rỡ  :

- Con, con thấy trong người ra sao ?

Tôi dáo dác tìm em vì chợt nhận ra người mang kiếng bận áo choàng trắng là người xa lạ. Màu trắng lạnh lẽo của căn phòng làm tôi dại cả người, em có sao không ? Tôi hấp tấp hỏi mẹ :

- Cô ấy đâu rồi mẹ ?

Mẹ tôi ngạc nhiên :

- Cô nào ?

- Cái cô vẫn thường nằm trên bãi đá đó.

Mẹ tôi lắc đầu :

- Rõ khổ. Con cứ nói về cô ấy mà có bao giờ mẹ trông thấy cô ấy đâu !

Tôi chán đời, chán mẹ, xoay mặt vào tường không nói gì nữa. Mẹ tôi sụt sùi :

- Có cô nào đâu kia chứ. Trời thì mưa như trút nước, gió như bão vậy mà mày một mình băng mưa băng gió chạy ra biển. Rồi còn bơi nữa, sóng đập trồi lên trồi xuống. May mà tao gọi cấp cứu  tới kịp lúc mày bị tấp vào đá, cái chỏm đá vẫn lòi lên mỗi lần nước rút ấy, chớ không thì giờ này chắc chết mất rồi ! (thở dài) Ba cái thứ nhà văn nhà báo rõ là khéo !

Tới đó thì tôi bực bội quay người lại, gắt :

- Thế còn ban nhạc ? Con có xem ban nhạc chơi đàn ngoài bãi với cô ấy mà !

Mẹ tôi tròn mắt lên :

- Ban nhạc ? Nhạc gì ? Nước dâng lên gần bờ tường không còn bãi bung gì nữa. Phố xá vắng teo ai cũng lo núp mưa núp bão chưa xong mà còn ban nhạc ! Cả nhà thương này nói mày có điên thì mới ra biển với thời tiết như vầy.

Tôi im lặng. Mẹ vẫn thường lo nếu tôi có vợ thì cụ sẽ bị bỏ rơi.

Tôi khăn gói trở lại Paris. Cứ mỗi lần mất  một người bạn thì con đường mình sẽ bị cắt ngắn đi một khúc. Tôi biết là từ nay sẽ không bao giờ  trở lại vùng biển này nữa, và vẫn sẽ tiếp tục kiếp trai già dở hơi, cô quạnh.

Bởi vì bây giờ thì em đã chết rồi, giản dị như một cơn mơ.

 MIENG Paris, Octobre 1995.