Nam Dao giới thiệu

 

Sẽ Sóng mãi Trăm Năm

 

 

NXB Nhân Ảnh ( liên lạc han.le3359@gmail.com)

 

Tựa

 

Sóng về đâu mà sẽ sóng trăm năm

 

Sóng, có những con sóng gầm thét lồng lộn vỗ kè đá chặn nước giữ đất dưới trời mênh mang gió.

Có những đợn sóng bạc đầu đuổi nhau xóa trắng thời gian. Có những gợn sóng trong lòng, dẫu đưa người Thâm Tâm không đưa qua sông. Có những con sóng bị xô ngược về biển khiến Trịnh Công Sơn băn khoăn chẳng biết sóng về đâu.

Nay chúng ta có thêm sóng của Phạm Hiền Mây, người nổi danh với thơ lục bát, thể thơ rất dễ thành vè. Thơ lục bát đóng dấu ấn tuyệt phẩm trong thi ca hiếm. Dĩ nhiên Nguyễn Du là thi nhân hàng đầu. Sau, có Nguyễn Bính, thơ như ca dao. Rồi Phạm Thiên Thư, Nguyễn Duy, Du Tử Lê…Trao đổi riêng, có lần tôi mạnh miệng cho rằng lục bát  Phạm Hiền Mây có thể đã vượt cả Đoạn Trường Vô Thanh. Vượt, không phải ở tiết điệu, vì vần buộc là vần bằng ở chữ số 6 trong mỗi câu 6 và 8. Vượt có thể từ thủ pháp cấy ghép những từ tách biệt để tạo ra liên cảm mới lạ, từ đó những rung động bất ngờ. Vượt,  có thể đến từ thủ pháp xử dụng điệp ngữ. Vượt  có thể đến từ cách nối dòng câu 6 vào câu 8, tuy đã có trong thơ, nhưng tinh tế như thơ Phạm Hiền Mây thì hiếm. Nói, phải có dẫn chứng cụ thể và nay xin chép một đoạn  để ta cùng động não :

nỗi buồn giấu
tại sao không
vào trong mắt rất màu đông mỗi lần
mỗi lần nhớ nhắc em cần
quá chừng anh lúc trời gần đổ mưa

( trích bài Bềnh bồng Mây bay)

Lưu ý :

Cấy ghép : mắt rất màu đông (màu đông, màu gì đây mà không nhìn cũng lạnh buốt)

Điệp ngữ : mỗi lần ( câu 2 và 3)

Nối dòng : em cần (câu 3) quá chừng (câu 4)

Gần đây, nàng thơ của chúng ta lại tạo bất ngờ với thể thơ 7 hoặc 8 chữ mỗi câu, viết tắt là thể 7/8. Nhắc, thơ nàng không phải kiểu Đường thi niêm luật cứng queo, chỉ dùng âm nhạc và tiết tấu loại thơ cổ này đã ảnh hưởng (quá) nhiều lên thơ Việt. Vần thì  Phạm Hiền Mây vẫn chủ yếu dùng vần bằng, và so với lục bát thể thơ 7/8 chữ cho phép linh động hơn khi tạo vần. Nàng tiếp tục làm những bứt phá cấy ghép, nối dòng, điệp ngữ.  Thí dụ :

tình non trái lên xanh buồn hai nửa
rêu tự nguồn thương vết dấu hôn phai
nghe ra mình chân lối hẫng vào mai
thiên thu nẻo vô cùng cơn bụi cát


thiên thu khói hương mờ anh tay ngát
buốt ngón rầu thơm thắp buổi yêu nhau
dỗ em hồng ngoan giấc mộng ngày sau
sao nghe đã thức đau lời ru vụng


mà nghe đã vàng xưa vườn cội rụng
đóa sương tàn phút cuối đẫm hồn nhiên.

( trích Nghe)

Lưu ý, vần trắc trong thơ 7/8 chữ rất lợi hại. Thanh Tâm Tuyền trong tập ‘’Thơ đến từ đâu’’ là một thí dụ tạo ra những tương phản qua xử dụng vần trắc vẫn khá hiếm trong dòng thơ nước ta. 

Đến đây, tôi thấy tôi chỉ mới đề cập đến dăm ba hình thức qua đó Thơ định hình. Như thế, có khác gì chỉ nói về trang phục những hoa khôi trên sân khấu trình diễn đi đứng yểu điệu tạo dáng cho bắt mắt. Thơ khác, đòi hỏi hơn. Thơ hay, là thơ có hồn vía, phần ẩn bên trong của mọi hình thức. Vậy phần hồn thơ Phạm Hiền Mây là gì?

Thơ Phạm Hiền Mây không cật vấn ta từ đâu tới, sinh ra ở cõi này làm gì, và rồi đi về đâu…Thơ nàng không dáng dấp siêu hình, thứ dùng làm dáng trang điểm cho cái sang trọng học thức.  Thơ Phạm Hiền Mây không kêu Chúa cầu Phật, không có thiên đàng địa ngục, không vô thường, không tịnh độ, tức  hầu như tránh dán mác tâm linh. Thơ Phạm Hiền Mây không cổ động xuống đường, hô hào theo cái này chống cái nọ, chắc chắn không thuộc loài lưỡi gỗ sách động…Không, Thơ Phạm Hiền Mây không là loại sản phẩm đèo bồng những đẳng cấp thời thượng vừa kể. Thơ Phạm Hiền Mây là thơ trữ tình. Có chia xa đau cắt, có hân hoan đoàn viên, có nước mắt thương thân, có tiếng nấc giữa đêm trường cô quạnh…Nhưng trong tình huống nào thì thơ Mây không bao giờ nhỏ nhen oán trách, căm giận oán hờn. Thơ em buồn, nhưng vắng bóng tuyệt vọng. Thơ em da diết, nhưng không than van cầu xin bất cứ gì, ngoài khoan dung và dộ lượng, với người, với mình.

Sóng, sóng thơ Phạm Hiền Mây không là cơn sóng đập vỡ ghềnh đá chắn giữ đất trơ gan cùng tuế nguyệt.  Sóng thơ Phạm Hiền Mây không bị xô ngược khiến có kẻ trạnh lòng chẳng biết sóng về đâu. Sóng thơ Phạm Hiền Mây là những gợn sóng hiền hòa trong một giòng sông độ lượng đẩy mọi phế hưng về biển xa. Và đưa người, đâu cứ phải đưa qua sông. Đề còn nghe được tiếng sóng ở trong lòng, nghe ra những thủ thỉ được mất, dịu dàng bởi hoàn toàn vắng bóng chua cay trì triết oán hờn.

Vì thế, hãy mời nhau đọc Sẽ mãi sóng trăm năm mà nhà thơ Phạm Hiền Mây nay trao tặng.

 

Nam Dao

15-07-2018