4-VQ

 

bốn

…và phồn hoa đô thị, với son phấn trong cuộc phấn đấu sinh tồn ngày một kịch liệt

 

12

 

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Từ Đất Mũi tới Cà Mau, mất hai ngày, mười chặng các cán bộ an ninh và kinh tế chặn hỏi giấy tờ tùy thân, khám xét hàng hóa. Mỗi lần, chế Lềnh cười cợt, làm dáng thân quen, và kín đáo bồi dưỡng khiến ai nấy hể hả. Tư không hiểu lời đùa nghịch một anh cán bộ nói giọng Hà Nội rất kiêu kỳ: “…đường đi không khó vì ngăn sông cấm chợ, mà chỉ khó vì chẳng rõ qui luật thị trường khiến lòng mình e chợ cấm sông ngăn!”, hỏi chế Lềnh thì chế suỵt, nói nhỏ “…cái quy luật đó mà!”.

 

Tư ở nhà chế, giúp coi một cái cửa tiệm mặt hàng chỉ có sà-bông, khăn mặt, những cái  giỏ nhựa đủ màu,  mấy cái áo thun, xà lỏn... Coi cửa tiệm, có nghĩa là ngồi đó, và nhận lời nhắn người này người kia trong khi chế đi vắng. Vắng, chế vắng ít là ba bữa một tuần, công chuyện là lên Cần Thơ bắt mối giao hàng. Chế bảo Tư, Cần Thơ mới thiệt văn minh, chớ Cà Mau thì đang tiến lên thôi.   Tư nghe nói ở đó họ ngoại chế khá đông, hiện đang phát huy rất nhiều dịch vụ với Hồng Kông, Đài Loan và là nhất với Quảng Châu, quê hương người chồng chế. Khi Tư hỏi, chế kể, nó bỏ chế khi tới Hà Khẩu, năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra. Khi đó, Tư mới vào học lớp 1, nghe thầy cô trong  trường học biểu là “chiến tranh biên giới”  chớ không phải, như Chế nói,  hiểu lầm. Chế ngắt, “hiểu lầm đó nẩy, làm gì có chiến tranh!”.  Mặc dầu Tư cố nhịn cười, Tư không khỏi liên tưởng đến chuyện răng cắn môi, mà môi thì chẳng có cách nào cắn lại. Nhưng cũng dịp đó Tư nghe chế Lềnh thổ lộ. Chồng chế họ Mạc, tổ tiên qua đảo Phú Quốc thởi phản Thanh phục Minh, sau thăng trầm với miền Nam, từng theo cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu chống Pháp, có người bị xử trảm. Tới thời Mỹ-Ngụy, chính gia đình chế ở Hà Tiên đã bị đế quốc bỏ tù gần hết, sau con đường sống còn là theo Cách Mạng, tin vào Đông Phương hồng dưới sự lãnh đạo của Mao chủ xí. Chế Lềnh nhắc, giọng kiêu  hãnh “Quyền lực đến từ nòng súng, và kèm cái túi tiền, là chuyện xưa nay bất chấp… sông có thể đổi, núi có thể dời!”. Khi xẩy ra “sự kiện biên giới”  thì gia đình Chế được phép hồi hương. Thế là vợ chồng chế và hai đứa con được đưa đến Quảng Ninh, vượt biển “về nước”. Nhưng khi lên thuyền, chồng chế đẩy chế xuống, nói: “Em Thùy Linh thân thương, anh tính sẽ có ngày trở về Cà Mau đón em, chứ về Trung Quốc thế này thì chẳng biết tương lai con cái chúng mình sẽ ra sao!”. Trời ơi, xa hai đứa con đang độ thiếu niên ư? Biết thế nào đây, xuất giá tòng phu! Lấy chồng, là trao mọi quyết định cho chồng. Chế nghẹn ngào: “Nẩy để lại cho ngổ một đứa con”. Chồng chế mang đứa trai út về, để con chị nó sống với chế. Chế bặm môi: “Tư à, thôi thì mình hy sinh cho đời sau!”. Mà thiệt dzậy! Gia đình người Hoa hồi hương được sắp xếp công việc trong một nông trường ở San Thầu. Hai năm liền, những đồng chí liên lạc chuyển hàng chục bức thư chồng xin chế trợ giúp, thơ nào cũng kết bằng một câu, là đời đời chung thủy sống có nhau, và tin  hồi  đáo của chế thường kèm những đồng Nhân dân tệ đổi từ đô xanh chế tìm cách chuyển đến một người bà con sống ở Hồng Kông. Cho đến khi con trai chế lên Quảng Châu học ngành xây dựng trong một trường trung cấp thì cục diện bắt đầu thay đổi. Lượng  theo phép biện chứng thành phẩm khi chế trở thành bà ngoại.  Chồng chế không thể sống cô đơn mãi, đành  than, phải đi thêm một bước để ổn định. Chỉ hai năm sau, ông theo chân lãnh tụ vĩ đại về chốn vĩnh hằng, chẳng hiểu vì cô vợ mới cưới hơi sung sức vì quá trẻ hay vì ông ta kiên trì phục vụ sản xuất nhằm vượt chỉ tiêu để đạt thắng lợi. Nhưng thôi, bàn thêm chỉ nhức đầu, chế biết nay chế chỉ một thân một mình, cái liên hệ với đứa con đã qui cố hương là những đồng đô xanh nay chẳng cần  đổi sang Nhân Dân tệ qua con đường Hồng Kông rắc rối. Và thế là chế “phát triển” kinh doanh, lại cười, nhắc lời vị lãnh tụ thời mèo trắng và mèo đen  đều là mèo, cứ làm giầu được thì thế là yêu nước. Chế ôm vai Tư, nhỏ nhẹ:

 

- Nhớ nghe Tư, ráng phấn đấu làm giàu, sẳm sẽ giúp Tư!

 

Rồi thật bất ngờ, chế ngọt ngào:

 

- Sẳm coi Tư như con… Từ nay, gọi sẵm bằng má nuôi, nghe con!

 

13

 

Khi không phải chạy áp-phe, chế Lềnh coi cửa tiệm thì Tư  được chế cho đi  học hai  lớp “đào tạo”. Lớp thứ nhất là lớp tiếng Anh, do một ông già xưa làm thông ngôn cho lính Mỹ đảm trách. Ông ta mất một nửa hàm răng cửa, tiếng gió thều thào nên ông bảo phát âm th  như  thank you mới thiệt chuẩn. Biết Tư đã học được một năm trường cấp hai rồi mới phải nghỉ để lo giúp coi con bé Út, ông bảo, giọng nghiêm chỉnh: “Dzậy là hên, có học tiếng Việt Nam ta rồi thì học tiếng Anh không khó lắm… Bởi người Anh người Mỹ  tụi nó phát âm cũng đánh vần như mình!”. Lấy một cuốn vở học trò, ông chép cho Tư tiếng Anh qua vần quốc ngữ, bắt to tiếng lập tới lập lui MAI NÊM IZ TƯ (my name is Tư) khi ông hỏi OẮT IZ IO NÊM (what is your name), hay  AI EM ÂY-TIN IA ÔN ( I am eighteen years old) khi ông hỏi HAO ÔN  A  U ( how old are you ?)…

 

Lớp học thứ hai, chế Lềnh nói rất quan trọng để sau này Tư giao tiếp với người thành phố văn minh, tìm công ăn việc làm, do cô Nguyệt Hoa chủ một tiệm uốn tóc có tên là Thẩm Mỹ hướng dẫn. Nghe đâu chồng nay bên Mỹ nhưng đã làm lại cuộc đời với người khác sau khi cô tuyên bố là cô thà chết độc lập ở Việt Nam còn hơn sống nô lệ ở nước ngoài, cô đã gây dựng sự nghiệp bất chấp nghịch cảnh của một thiếu phụ chưa hẳn đã hết xuân. Ngắm Tư, cô nói, giọng ngọt ngào :

 

- Cháu chế Lềnh thì cũng người nhà, dì sẽ chỉ cho con nhiều mánh… Là đàn bà con gái, phải đẹp! Xấu là chết… nghe chưa. Đầu tiên, đẹp là biết trang điểm, đi đứng cho yểu điệu, ăn nói dzuyên dzáng… Theo truyền thống ông bà mình, cái răng cái tóc là vóc con người. Đâu, nhe răng cho dì coi…

 

Tư ngượng ngập chưa biết phải làm gì thì dì thò tay vạch môi Tư, bắt há miệng, lẩm bẩm: “Cũng OK  thôi, chắc phải đi chà lại cho trắng!”. Đẩy Tư ngồi xuống cái ghế bọc nhựa, dì chải tóc, nói  con gái thời hiện đại bây giờ phải tóc kiểu chớ tóc thế này là tóc mấy bà già trầu. Lia ngang một lưỡi kéo, một mảng tóc Tư rơi, Tư chồm dậy  hoảng hồn la:

 

- Dì làm chi dzậy?

 

Đẩy cho Tư ngồi xuống, dì ôn tồn :

 

- Dì cắt tóc…Dì cắt có tiếng là mốt  nhứt Cà Mau đó!

 

Chịu trận, Tư lượm mớ tóc dài, nước mắt rưng  rưng. Tối bữa đó, Tư về, có cảm tưởng trên đường ai cũng nhìn mình. Nước mắt vòng quanh, Tư bỏ ăn, tay ôm mớ tóc kết lại, nhớ Thẻo và tự hỏi chẳng biết Thẻo nghĩ thế nào. Dẫu chẳng bao giờ  nói thành lời, nó biết mỗi lần Thẻo đi hái lá thơm về cho nó gội đầu, ngồi nhìn nó hong tóc cho khô,  là Thẻo mủm mỉm cười một mình, mặt ngây dại, say đắm.  Chế Lềnh hỏi, Tư chỉ lắc đầu, nhưng đoán được, chế sởi lởi :

 

- Sẳm thấy tóc con như dzầy gọn gàng, làm cho khuôn mặt con đẹp lên đó Tư. Bữa  nào má con lên, con hỏi mà coi sẳm nói có trúng không nghe…

 

Những bài học sau là tô son, kẻ mắt. Da Tư còn sậm nắng, chọn mầu khó. Son tô môi đỏ chói, bút kẻ mi mắt xanh lè khiến lần đầu nhìn trong gương Tư thấy mình như đi hát bội trong một gánh hát lưu động dăm ba tháng lại ghé “phục vụ” ở xóm Mũi một lần. Nguyệt Hoa xoay người Tư lại, ngắm gần ngắm xa, trầm trồ : “Con nhỏ này ngộ quá há…”, tay châm chút phấn hồng lên má Tư. Ban đầu, trang điểm xong ở tiệm, Tư lén lau sạch mặt mới dám ra đường. Sau, Tư cũng quen dần, và khi bọn con trai nhìn chằm chằm, Tư không khỏi thấy khoan khoái, giả quay mặt  bước nhanh. Nhưng bước làm sao. Dì Nguyệt Hoa bắt Tư đi guốc cao tới mười  phân, dạy cách giữ thăng bằng, chân trái di động thì mông bên phải nhướn lên, với tiết độ nhịp nhàng khoan thai. Loại bài học này cần tập lâu, ngày đầu Tư sái chân, phải nghỉ ba bữa, nhưng riết rồi quen đến độ sau Tư chẳng còn để ý đến độ cao của guốc, bước  tự nhiên như thuở còn chân đất.

 

Phần còn lại của “chương trình” là chủ đề cư xử thế nào với đàn ông. Dì Nguyệt Hoa cao giọng: “…cơ bản phải biết đàn ông là gì?”. Tư gần gũi đúng ba người. Cha mình là Sáu Nhêm. Làm lụng vất vả nhưng ông ít rên, khi xưa cứ chập choạng tối được cút đế là ông vui, i ỉ hát nho nhỏ dăm ba câu vọng cổ. Anh Ba thì sinh thời còn là thiếu niên, ảnh chịu khó theo cha đi làm, rảnh lại ôm mấy cuốn chưởng Kim Dung mượn được  ra “luyện nội công”. Năm  năm rày chỉ có Thẻo là kẻ lớn lên cùng Tư, và nếu là đàn ông thì Thẻo là kẻ duy nhất Tư rành như lật bàn tay mình ra nhìn, thấy từng đường chỉ ngang dọc nhùng nhằng đan chen nhau mà ông thầy bói kêu là vận mạng. Dì Nguyệt Hoa tiếp:

 

- Tụi đàn ông hảo ngọt, thích bảnh, khoái làm oai, nhưng thiệt thì dzễ dzụ, cho ăn cho chơi là mình “điều khiển” như không! Khật khừ ngày này qua tháng nọ, nhậu rồi ăn rồi nhậu, xỉn đến độ vô giường là chỉ còn biết ngáy, sáng ra  thì nói dzóc cái chuyện ngày ba đêm bẩy cứ như thiệt…

 

Tư hỏi chuyện ngày ba đêm bẩy là chi thì Nguyệt Hoa bật cười, tay bất ngờ lật áo Tư thò vào, nắn nắn. Ngực Tư cương cứng, rần rật. Đẩy tay Nguyệt Hoa ra, Tư nghe dì nói nho nhỏ: “Chắc “mới tinh”, còn quê một cục chẳng biết thế nào là mấy món ăn chơi trong đời!”. Nhìn vào đôi mắt Tư đang tròn ra, dì  lơ cái chuyện Tư hỏi, tiếp tục bài giảng về phương án dzụ đàn ông:

 

- Muốn “điều khiển” tụi nó, đừng nói không là không, có là có. Mình lơ lửng, nắm cái có cái không như lưỡi câu, nó cắn vào mình mới giựt ném nó vào nơm vào rổ, rồi thì bảo chi nó nghe nấy. Nhưng bảo nó làm sao mà nó  thấy cứ như nó tự nghĩ tới là hay nhứt…

 

Từng đi thả câu với Thẻo, Tư không khỏi rùng mình ớn lạnh khi tưởng tượng Thẻo biến thành một con cá bị lưỡi câu móc rách mép, máu ròng ròng ứa ra từ những cái vùng vằng giãy giụa mong thoát thân.

 

14

 

- Thẻo à, Thẻo ơi…

 

Nghe tiếng gọi, Thẻo ngửng lên. Trên bờ kênh thấp thoáng bóng dì Sáu. Đầu chít khăn rằn che nắng như sối lửa xuống ruộng đồng, dì tất tả bước, tay vẫy. Thẻo bỏ cái cào đất xuống, tay khuấy nước rửa những vết bùn lấm, lòng rộn lên một niềm vui. Cả tuần, Thẻo mong dì, để có tin Tư. Nó nhẩy lên bờ vuông tôm, reo :

 

“Đợi con… Dì coi chừng té lọt xuống nước nghen!”

 

Khi đến gần dì, nó hỏi ngay:

 

- Dì đi lâu dữ! Công chuyện Tư tới đâu…

 

Dì Sáu thật chỉ biết Tư lên thành phố, nhưng lặp lại những lời hứa của chế Lềnh là Tư đi học tiếng Anh, đồng thời tập việc trong một thẩm mỹ viện. Thẻo buồn buồn:

 

- Con cứ tưởng Tư chỉ lên chợ Năm Căn chớ đâu biết nó ra  tới Cà Mau…

 

Dì Sáu ngó lơ, nói dì phải quay trở lại chợ ngay trưa nay để lo việc giấy tờ sang cửa tiệm. Dì nhỏ nhẹ:

 

- Dì xin chuyển hộ khẩu, nhưng nhà ở xóm mình thì Thẻo vẫn giữ, sau này khấm khá dì cho Thẻo luôn đó.

 

Tin này thật bất ngờ. Nó hình dung là sau Tư sẽ cùng dì lo làm ăn ở Năm Căn. Còn nó, nó tiếp tục nuôi tôm ở xóm Mũi. Nhìn xuống vuông tôm, Thẻo tính nhẩm. Tháng tới đổ tôm giống, sau thì chờ, cỡ trăm ngày sẽ vớt lứa đầu. Khi đó, nó sẽ thưa với dì chuyện nó và Tư, rồi sau thì sau sẽ tính, lo chi mà cập rập. Dì  Sáu dặn :

 

- Có quà cho Thẻo để trong hộc tủ, khi về sẽ thấy…

 

Dì khơi khơi, không nói là quà của Tư chắt bóp mới mua được cho Thẻo, lơ cái chuyện tình cảm giữa hai đứa mà dì thừa biết. Trong cái “phương án” chế Lềnh đã bàn bạc với dì thì tình cảm  đó chắc chắn sẽ là một vật cản. Dì quày quả bảo phải đi ngay, dặn coi nhà và chăm chút mảnh vườn trồng rau trong kế hoạch nâng cao chất lượng  kinh tế gia đình.

 

- Tư có nhắn gì con không dì? - Thẻo vội hỏi.

 

Dì cất bước, ngoái lại nói :

 

- Không! Nó con nít, còn ham chơi… Mới lên chợ Năm Căn mấy bữa mà đã bạn bè tùm lum… Coi bộ nó hạp đời sống văn minh hơn là ruộng đồng xóm mình!

 

Thẻo nhìn theo dì, bỗng xót xa. Có cái chi chưa hẳn định hình vừa vuột khỏi tay, rơi xuống,  vỡ như thủy tinh, sắc, nhọn, đâm vào lòng và cứa những vết  thương ngang dọc.