tám
trước hai con đường, phải chọn!
35
Tư tung cửa cắm đầu chạy một mạch lên chùa. Chó sủa dọc con đê ngoằn ngoèo đệm vào tiếng chân nện trên nền đất vang lên thình thịch. Vầng ô xém đỏ một vết chém ngang cần cổ nhiễu xuống chân mây những vết hồng tươi rói rỉ từ trời xuống biển. Đến cổng chùa, Tư thất thanh gọi. Khi Sư bước ra sân, nàng khuỵu chân, chúi ngã, thở dốc.
Phải bắt Tư nhắc đi nhắc lại, Sư mới hiểu ra câu chuyện vừa xẩy ra. Đăm chiêu, Sư cúi đầu suy tính, nét lo âu hiện ra trên một khuôn mặt xưa nay dày dạn sống còn. Lát sau, Sư kéo Tư vào cái ngách cạnh bồ đoàn, tay lần một cái chốt ngang lẩn sau đống kinh kệ mục nát, khởi động cánh cửa ngụy trang đắp lớp đất thó bề ngoài nhìn cứ tưởng là vách. Đây là căn hầm bí mật, nơi Ba Tri giấu mình thoát những trận truy quét trong cuộc chiến giữa Mỹ với ta trong nhiều năm. Đẩy Tư xuống, Sư ra sau bếp tìm chút đồ ăn và hai can nước, đưa Tư, dặn dò. Đúng lúc đó, tiếng người lao xao, chân bước rậm rịt, vẳng lại. Sư khép cánh cửa bí mật, vội vàng theo lối sau ra khỏi sân chùa.
Đi một mạch đến căn nhà chòi, sản vật duy nhất Thẻo thừa hưởng từ Tám Hớn, thỉnh thoảng Sư nhìn ra sau, tai lắng nghe, quai hàm bạnh ra trên khuôn mặt căng lên như sắp phải đối phó với những bất ổn. Đẩy cửa, Sư nhìn, nét hân hoan thoáng qua khi Sư thấy Thẻo nằm chèo queo trong một góc. Lay Thẻo, Sư nói như ra lệnh :
- Dậy ngay...Đi theo tao !
Nhìn Thẻo ngơ ngác, Sư nắm áo kéo, quát:
- Không đi, tụi nó đến bắt thì chuyện rầy rà lắm đó!
Sục dậy, Thẻo hiểu tụi nó là những ai. Giắt vội con dao bầu, Thẻo theo Sư xuống chân nhà chòi, hỏi:
- Chuyện chi dzậy thầy?
- Còn chuyện chi nữa, không phải mày rút dao tính giết người à?
- Nhưng con đã giết ai đâu! - Thẻo đáp, giọng chừng tiếc rẻ.
Sư không nói gì, đi trước, miệng lầm bầm, hình như là niệm Phật. Mỗi lần đến những ngã rẽ, Sư dừng chân, lắng tai. Nghe ngóng không thấy động tịnh, Sư lại tiếp tục bước nhanh. Lẽo đẽo theo chân Sư, chặp sau Thẻo nhận ra đường đi về phía Cửa Lớn, nơi có mồ chôn hàng trăm người xóm Mũi bị chết bom trong đó có mẹ nó. Sư vạch cỏ, mắt đăm đăm nhìn quanh để xác định, một lát thì đến trước hai thân cây chụm vào nhau, dưới là một cái hốc. Sư xuống, tay vẫy ra sau, chân lội trên vũng nước men phía trái, cứ thế chừng trăm thước. Đợi Thẻo đến gần, Sư chỉ tay:
- Đây, xưa tụi tao nhận xuồng giấu giặc...
Sư xăn quần, xăn áo, biểu:
- Lội xuống kéo xuồng lên coi!
Thẻo y lời. Mò mẫm một lát, Thẻo víu được một mảng gỗ, hô lên rồi kéo ngược vào chỗ nước nông. Chiếc xuồng hiện ra, nguyên vẹn, chưa mục. Lật lại, xuồng nổi, hai mái chèo buộc dọc mạn xuồng vẫn đó. Mỉm cười, vẻ hài lòng, Sư thở phào chỉ tay ra biển, giọng trở lại hiền hòa:
- Bơi xuồng ra cù lao nhỏ, ở đó khi nào ổn thì tao cho gọi mày về. Chớ loạng quạng, héo lánh tụi nó bắt được thì mệt... Ăn, đâm cá. Còn uống thì tao biết có nước ngọt ở mấy cái cù lao lớn, nghe chưa!
36
Biết phải đối phó với công an xóm Mũi, Sư không đi khất thực ngay, thẳng lên bến xe, dáo dác tìm một anh xe ôm. Anh nầy biết Sư, và khi Sư dặn dò lên huyện nhắn Năm Đởm về gặp Sư gấp thì anh ta gật, rồ Honda chạy. Ngay lúc đó, công an ập tới.Một anh ra dáng chỉ huy, quát:
- Thằng Thẻo ở đâu?
- Tui không biết!
- Dzậy là chống nhân viên công quyền thi hành nhiệm vụ heng! Lên trụ sở để rồi tính, tu hành chi mà hổng biết tùng phục chính quyền Cách Mạng!
Sư im lặng đi theo công an, mặc ánh mắt ngạc nhiên của những người trong xóm ào ra coi. Đến trụ sở, Bảy Tới ra đón Sư, xởi lởi:
- Mời anh Ba lên đặng giải quyết cái vụ con Tư với thằng Thẻo. Dì Sáu kêu con Tư đi đâu mất tiêu, trong lúc nó phải theo dì lên Cần Thơ vì cái giấy đăng ký kết hôn có chữ ký của nó ưng lấy một người nước ngoài đó anh Ba. Còn thằng Thẻo, nó cố ý sát thương dì Sáu, rút dao kề cổ... Anh biết tụi nó đi đâu không hè?
Sư nghiêm giọng:
- Thằng Thẻo chưa làm máu đổ, còn con Tư, nó trốn vì nó ký mà đâu biết ký cái gì! Cái vụ này, tao gọi là lừa đảo để ép duyên lấy tiền, tao gọi là mẹ bán con làm đĩ!
Thình lình, như không còn nhịn được, Sư quên diệt hỉ nộ ái ố, gầm lên:
- Thằng Bảy, mày không ngu nhưng mày cố tình không hiểu... Bây giờ mày cũng chỉ tiền, tiền và tiền... mà quên hết lời Bác dạy là đầy tớ nhân dân, cán bộ phải cần kiệm liêm chính. Để rồi coi tụi bay phá cái nước này tới đâu. Ngụy ngày xưa còn tử tế hơn tụi bay, có luật có lệ chứ không đục khoét nhân dân, gì cũng ăn, cũng nuốt...
Mặt tái ngoét, Bảy Tới đứng dậy. Đến trước mặt Sư, hắn bất ngờ sáng một bạt tai, nghiến răng:
- Chửi cán bộ hả, cho biết!
Khi đó bên ngoài tiếng người cất lên lao xao. Chừng ba chục dân xóm Mũi kéo nhau đến trụ sở, rồi một người đàn bà lớn giọng hỏi:
- Tại sao mấy người bắt Sư?
Một anh công an đáp:
- Việc Nhà Nước, hỏi cái con c...
Nhưng Bảy Tới đã ra, lấy giọng nhỏ nhẹ:
- Bà con nói bắt chớ có bắt ai đâu. Tụi tui mời Sư làm việc thôi mà, xong chút xíu nữa là về chùa...Thôi, bà con giải tán giùm!
Dân xóm Mũi vẫn đứng đó. Người đàn bà hồi nãy lại cất tiếng, giễu:
- Tụi tui đợi. Có mỗi một ông Sư, ổng bị bắt rồi lúc chết ai tụng kinh siêu thoát cho đây!
37
Sư về chùa, nhưng công an giám sát, lảng vảng xung quanh nhòm ngó. Sáng hôm sau, Năm Đởm từ huyện xuống xóm. Đởm từng là dũng sĩ diệt Mỹ, một thời oanh liệt, nổi tiếng gan dạ mưu trí khắp miệt Đất Mũi. Chỉ một mình, Đởm cầm chân cả một trung đội Rangers, đánh nghi binh khiến địch không dám phiêu lưu tiến vào xóm, giải vây cho du kích khi đó bị dồn vào đường cùng. Hiện nay, Đởm là Trưởng ban Kiểm Sát, và khả năng trở thành Huyện Ủy một ngày không xa là có. Đến gặp thẳng, Đởm nghe Sư thuật lại chuyện Thẻo và Tư, cho gọi dì Sáu và Bẩy Tới lên chùa. Dì Sáu trần tình:
- Từ ngày anh Sáu và thằng Ba nhà em chết, đúng là em xin anh Ba Tri cho Thẻo về nhà đỡ đần nhưng chưa bao giờ xin chuyển hộ khẩu cho nó. Khi con Hai bỏ đi, em chỉ còn con Tư, ngặt là không biết làm chi để sống, tương lai thiệt mờ mịt. Em có ý làm ăn, tính sang căn tiệm trên Năm Căn, hùn hạp với chế Lềnh, nhưng không tiền, em nghe lời chế để con Tư đăng ký lấy chồng ngoại, nếu xong xuôi thì trừ đi chi phí gần ngàn đô em mắc nợ chế, em dư được một ngàn đô... Bây giờ không biết con Tư đi đâu, chế Lềnh lên Cần Thơ nói thác với người ta là con Tư đòi làm lễ vu quy đàng hoàng với bà con lối xóm cho nở mày nở mặt...
- Nhưng tại sao dì đuổi thằng Thẻo? - Năm Đởm ngắt.
- Tại...tại nó thương con Tư...
- Còn con Tư, chắc nó không thương thằng Thẻo thì đâu có chuyện. Đúng không?
Dì Sáu bật khóc, nghẹn giọng:
- Mấy anh người lớn hiểu giùm cho em, hai đứa đó mà lấy nhau thì lấy chi mà ăn. Chữ không, nghề cũng không, chỉ còn nước đi chăn vịt thuê, mà vịt thì nhiễm virút chết nhan nhản. Đàn vịt nhà em không còn một con, đổ xuống đất lấp vịt như lấp mộ mình. Em biết làm dzậy tội với Trời Đất, nhưng khác sao được! Nay nợ nần, không trả được thì chỉ còn cách chết hai anh à! Thôi, em rút đơn khai thằng Thẻo tính cứa cổ em, nhưng nó phải để con Tư đi...Nó sang Đài Loan, tháng tháng gởi một, hai trăm đô về là có tiền nuôi đứa cháu ngoại con Hai mới ẵm về, dzậy may ra con cháu nhà anh Sáu em có chút tương lai. Trước khi con Tư đi, cứ cho nó sống mươi bữa với thằng Thẻo như vợ chồng cũng chẳng sao...
Năm Đởm nhìn Sư, thở dài. Tới giờ vẫn chưa nói một câu, Sư buột miệng thốt:
- Giặc nghèo không như giặc Mỹ, đánh khó hơn nhiều. Khi nghèo, giặc người mình nổi lên, đông vô kể...
Quay nhìn dì Sáu trừng trừng, Sư gằn giọng:
- Là mẹ, đi bán con để lấy tiền sâu mỗi tháng sống tuổi già, lại lớn giọng kêu là lo cho đời sau…Vong linh thằng Sáu chắc không yên được đâu!
Dì Sáu khóc rấm rứt, đầu gục giữa hai vai, tay ôm mặt. Năm Đởm lại thở dài, bảo:
-Thôi, dì về đi. Tui sẽ ráng giải quyết cho có tình có lý!
Đợi dì Sáu đi khuất, Năm Đởm ôm vai Sư, nhỏ nhẹ:
- Anh Ba bỏ qua cho em út. Em kêu thằng Bảy Tới thôi cái trò rình rập chùa...
- Chuyện đó nhỏ. Còn chuyện thằng Thẻo con Tư thì tính sao đây? - Sư hỏi.
Năm Đởm im lặng, nhìn ra xa. Sư tiếp, mắt nhắm lại:
- Chỉ có hai con đường, và phải chọn...
Con đường thứ nhất là con đường ra khỏi huyền thoại.
Tiễn Năm Đởm xong, Sư quay mặt vào bức tường rêu phong tĩnh toạ. Quá khứ, thôi quên đi. Vị lai, có thể thấy, như một hiện thực phóng chiếu từ cõi tâm linh đạt đến mức vô chung vô thủy. Năm Đởm chẳng có thể nào thay đổi được bản chất một Năm Đởm từng là dũng sĩ diệt Mỹ. Từng tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng để trở thành một chiến sĩ Cộng Sản, trung với Đảng hiếu với Dân, mang tính mạng ra bảo vệ đất nước. Năm Đởm sẽ không truy bức thằng Thẻo và ra lệnh cho Bảy Tới ngưng quản chế Tư. Năm Đởm sẽ thông báo Thường Vụ Tỉnh Ủy Cà Mau nguy cơ buôn người đang đe dọa khắp nơi, yêu cầu liên hệ với cơ quan hữu trách Tỉnh Cần Thơ, đề nghị hủy bỏ mọi thứ giấy tờ đăng ký kết hôn, giải tán các “lò“ nuôi gái quê cho những “nhà mối” và trừng phạt những kẻ đang bán người mình cho người nước ngoài. Dĩ nhiên, những đồng chí trách nhiệm ở mọi cấp đều trung kiên nên chẳng chỉ Cà Mau, Cần Thơ mà nơi nơi đều lên án việc coi người là thương phẩm mang ra đổi chác. Dĩ nhiên, mục tiêu tối hậu của Giải Phóng là giải phóng con người thì mấy ai dám vỗ ngực xưng là chiến sĩ cách mạng mà lại đi chấp nhận mang con em mình bán làm tôi đòi nô lệ. Rồi Trung Ương được thông báo. Đồng chí Tổng Bí Thư tuyên bố, đói cho sạch rách cho thơm. Mấy trăm tờ báo ào lên vạch mặt chỉ tên đám buôn người, và Đảng ra tay trừng trị những kẻ liên đới trách nhiệm...
Đó, con đường ra khỏi huyền thoại là vậy. Một khi hiện thực không là ung mủ làm độc tâm linh thì chẳng ai cần huyền thoại, liều thuốc an thần để sống mà không hóa điên hóa dại.
38
Sư đẩy xuồng ra, rút chiếc sào lên, và Tư quơ mái dầm. Nước giạt về phiá sau, thành xoáy, làm nổi những cái bọt trắng hiện rồi vỡ lách bách. Từ chân mây rám hồng, mặt trời ló ra, quết những vệt sáng long lanh trên sóng nước. Gió hiu hiu lay động những bông rau muống nhỏ tí, tím sẫm, đong đưa cạnh những mảng bèo lềnh bềnh. Xuồng ra đến mé biển, dọc theo bờ. Sư ngước nhìn Trời. Vẫn cái vòm bao la trên ấy, nhưng dưới đất, đã bao đổi thay. Không phải không còn rừng hoang cây đước đua nhau vồng lên. Không phải không còn những cây mắm cắm sâu giữ phù sa bồi đất. Cái không còn, là lòng người. Thôi rồi, có thật đã mất những cái nhìn hồn nhiên, cái nắm tay thẳng thắn, cái dũng mãnh tự nhiên của dân khai quốc suôi đến nơi cuối đất này? Chua chát, Sư lẩm bẩm tên Năm Đởm, đứa đàn em Sư cưu mang từ những ngày xưa nhọc nhằn khốn khó. Khi hắn quay trở lên Huyện, Sư đã hy vọng. Tuy thôi không bao vây nhòm ngó chùa, nhưng Bảy Tới vẫn giữ lệnh truy nã Thẻo. Tư nói: “Thầy à, con phải ra coi sao, chớ thế này thì anh Thẻo làm sao sống nổi với tụi nó”. A, đau đớn thay, hai chữ chúng ta đang hóa thân thành tụi nó. Tư leo lên cửa hầm bí mật xưa giấu cán bộ cách mạng. Sư kể những gì dì Sáu nói bữa Năm Đởm có mặt. Tư đi thẳng về nhà. Nó quát: “Bộ má muốn giết anh Thẻo hả?”. Dì Sáu quát lại:
- Tao chưa giết nó, nhưng nó đã kề dao vào cổ tao, có chị Hai mày chứng cà. Bây giờ, muốn nó yên thì mày lên Cần Thơ ngay...
Tư khóc nức. Chị Hai nó tới bên, cầm tay, nhưng không nói chi. Thằng bé Dũng thức giấc, ré lên. Tư thấy mình thừa thãi như một thứ đồ vật phế thải bán tống đi cho chú Khách mua đồ ve chai. Dì Sáu dịu giọng:
- Tư à, không phải má không thương con đâu. Má nghĩ tới tương lai con, là chính. Sẳm Lềnh cho má biết là ông Tseng, ổng giầu có, còn trẻ, góa nhưng rất trách nhiệm. Cái chuyện như nhỏ Thúy bạn con kể, chắc không có đâu. Bây giờ, giấy kết hôn có, ông Tseng về xóm Mũi mình cưới xin đàng hoàng, rồi con lên Cần Thơ làm giấy xuất cảnh, sau thì làm giấy nhập cảnh vào Đài Loan là xong...Tiền cưới dư được, má tính cho Thẻo hai trăm đô để nó làm ăn, cho nó luôn căn hộ nhà mình, chớ má đâu muốn nó tù tội chi cho cam... Con đi tìm nó, tụi bay ăn ở với nhau ít ngày, lỡ có bầu thì cứ đổ cho ông Tseng...Nó lớn, thì cho nó biết cha thiệt của nó là ai, biết đâu chừng khi Thẻo già lại có con đỡ đần. Sẳm Lềnh nói, người Tầu với người mình cùng văn hóa mà, cũng biết phụng dưỡng cha mẹ...
Nghe, Tư lợm giọng, gập mình nôn thốc nôn tháo. Giờ đây, má nó muốn nó đi lừa người ta! Dì Sáu tiếp tục to nhỏ, chắc Tư có thể hàng tháng chu cấp một, hai trăm đô, nhận thằng bé Dũng làm con nuôi, sau này hy vọng cho nó đi du học ngoại quốc, và thế là Tư trả hiếu cho cha nó, kẻ đã chết trên biển để lại ba đứa con cho dì Sáu nuôi. Trời cao đất dầy ơi, Tư thầm nói, sao mà sống nhục thế này? Giấc mơ sống với Thẻo, nuôi một vuông tôm, đẻ hai đứa con, ăn không cần ngon nhưng đủ no là được...lướt trong đầu như một cuốn phim bị cắt đứt kêu loạch xoạch trước khi chỉ còn là một màn đen hun hút.
Lại lên chùa, Tư nhìn Sư, khóc ngất.
- Phải làm sao đây, thầy?
Sư bùi ngùi:
- Đi tìm thằng Thẻo!
Suốt đêm không chợp mắt, Tư đợi gà gáy sáng, vùng ngồi lên. Ra ngoài, Sư đã ngồi dưới gốc cây, lẳng lặng đứng dậy. Hai thầy trò lên đường, chân bước trên con đường mấp mô ra Cửa Lớn. Nhìn biển mênh mông, Sư nói:
- Đến tìm nó ở dãy mấy cái cù lao xa kia kìa!
Chèo sát bờ cù lao, hai người nhướng mắt nhìn lên. Cây xanh um tùm che tầm mắt trong ánh nắng bắt đầu chói chan. Bồn chồn, Tư cất tiếng réo gọi:
- Anh Thẻo ơi, Tư đây...
Xuồng vòng cù lao. Tư vẫn gọi, nhưng không hồi đáp. Cứ thế, hai thầy trò lại thẳng tới cù lao thứ nhì. Nước mắt ròng ròng, bỗng như nhớ ra, Tư cất tiếng hò:
Ầu ơ ớ ơ
Sóng đưa , sóng đưa (mà) hoa súng trôi xuôi
Sóng đưa xa lắc …mặc tui giữa dòng…
Ầu ơ ớ ơ
Ầu ơ, ví dầu …
Tư hò một lần, rồi hai lần, ba lần.
Sư ngây người, mắt đăm đăm, hồn lạc vào những mất mát thế gian. Lòng vòng một lát, tiếng Thẻo đàng sau cất lên :
- Tư ơi, anh đây nè...
Ngưng tay chèo, Tư réo tên Thẻo, lộp chộp:
- Thầy ơi, tìm thấy ảnh rồi...May quá!
Thẻo ra sức chèo , cập xuồng bên cạnh, nước mắt ứa ra. Thấy Sư, Thẻo thưa:
- Thầy ơi, không thầy thì tụi con biết tìm nhau ở đâu...
Sư mỉm cười, khoan hòa:
- Tư sang xuồng bên kia đi. Để tụi mày hội ngộ, thầy chèo xuồng này về thôi!
Không nhìn lui, Sư chèo, nhắm bờ đâm vào, thầm nhủ, tìm được nhau nhưng rồi sau như mây trời, tụ rồi tán, biết thế nào được.
39
Chiếc xuồng chao nghiêng khi Tư vội vàng nhẩy qua, tay ôm một bọc trong có gạo, cá khô, có nồi, bát đũa... Trước khi đi, Tư biết Thẻo tay không, chắc chắn mấy bữa rày không có một hạt cơm vào bụng. Hai đứa nắm tay nhau, nước mắt tràn ra, nhưng không nói được một lời, quên cả chào Sư đang gò mình chèo về phía đất liền. Lát sau, Tư nghẹn ngào:
- Có đói không, anh?
Thẻo gật. Nó chẳng những đói ăn. Cái đói nhất là đói tiếng người. Đói tiếng gà ban sáng. Đói tiếng lăng xăng con nít trên đường đến trường. Thẻo lấy giọng vui vẻ, quơ mái dầm, cất tiếng:
- Dẫn Tư tới cái chòi anh làm để đợi Tư về đó...
Về, ôi chao, chữ về sao mà nhói lòng. Em có thật về không? Siết tay Thẻo, gặng không hỏi, về đâu hà Thẻo? Một cái chòi mới lợp trên cù lao kia chênh vênh sóng nước có thể là nhà ư ? Chuyến vu quy cho con bé ở cuối đất này, trong thời đại internet, với những khẩu hiệu xã hội văn minh, dân giầu nước mạnh, lại là chuyến chèo xuồng đến một rẻo đất không bóng người?
Cặp xuồng vào chỗ nước cạn, Thẻo ôm bọc đồ nhẩy lên. Nó đưa tay cho Tư vịn, bắt chước tiếng Bắc chọc cho Tư cười :
- Em hò để anh biết thiệt “hết ý “ chớ thấy xuồng lạ từ xa anh đã lủi vào bụi trốn rồi...
Hai đứa vịn vào nhau, vạch cỏ tranh, cứ thế luồn qua bờ bụi. Khoảng hai trăm thước xa bờ, Thẻo kêu, tới “nhà “rồi. Nhà đúng ba lớp cọ làm mái chống trên bốn cái cọc khá bự, nền là đất trải lá đước khô, không tường, không cửa. Thẻo vui vẻ:
- Đây đâu lo trộm cắp. Với lại anh có cái chi để lấy...
Tư ôm chầm lấy Thẻo, thì thào:
- Có em, coi chừng đó anh Thẻo...
Linh tính báo, Thẻo sững sờ, khẽ đẩy Tư ra, nhìn sâu vào mắt.
- Em nấu cơm cho Thẻo nghen...
Dứt lời, Tư giơ nắm gạo ngang mặt, cười thật tươi. Thẻo nắm tay giắt Tư ra sau, chỉ mấy hòn cuội xếp tam giác, nói:
- Bếp nhà mình nè!
Thẻo đâm cá rồi chỉ biết nướng, ăn với củ đào, ruột sót, mấy ngày ròng nên thèm cơm vô kể. Nó đi lấy nước ngọt ứa lên từ một con suối, chụm những cành khô thổi lửa. Tư vo gạo, bắc nồi cơm rồi đun nước sối những con cá Thẻo bắt nhốt trong một cái vũng nhỏ. Lần đầu, Tư làm cơm như một người vợ làm cơm cho chồng ăn. Nó cảm động, nước mắt ứa ra, nhưng khi Thẻo thấy thì Tư kêu:
- Khói quá chừng, chảy hết nước mắt!
Cơm xong, hai đứa nhìn nhau. Tư khúc khích:
- Có cái bãi nào mình ra tắm được không Thẻo?
Thẻo gật. Khi hai đứa đến một cồn cát trắng lưa thưa điểm những cành sậy non mới mọc, mặt trời đứng bóng hắt nắng rực rỡ. Biển lặng, mặt bao la xanh mầu ngọc thạch, xa xa lượn lờ chút sóng trắng lăn tăn biến hiện vô thường. Nắm tay Thẻo, Tư hỏi, giọng rưng rức:
- Anh có nhớ bữa cua lên bãi không?
Quá khứ thoắt hiện như thần thoại. Thẻo nhắm mắt, cảnh hai đứa năm nao đuổi bắt nhau trong sóng nước chợt nhô ra từ cõi u minh. Nó khẽ gật đầu, có cảm tưởng phục sinh một cơn mơ đang kết nụ. Thình lình, Tư cởi áo. Rồi quần. Hai tay che ngực, Tư không dám nhìn Thẻo, quay mặt ra biển. Nhìn Tư không một mảnh vải che thân, Thẻo bàng hoàng. Nó nghe mông lung tiếng Tư qua gió:
- Cởi quần áo xuống tắm với em nghe anh...
40
Trăng soi. Biển lặng, mặt nước nhìn như đóng băng, lạnh ngắt, trơn trượt. Sau một ngày tránh động đến cơn phong ba ập xuống đời hai đứa, đợi khi mặt trời lặn Tư mới kể cho Thẻo nghe những chuyện xẩy tới trên đất liền. Nó nghẹn ngào:
- Bẩy Tới nhận tiền lót tay, nhất quyết sẽ truy nã anh, dzậy anh mà có em thì làm cách nào tụi mình sống nổi với tụi nó? Em lấy thằng cha Tseng, ít ra là anh sẽ sống...
- Nhưng còn em? Em nhớ bức thơ con Thúy bạn em chớ? - Thẻo run giọng.
- Em thì coi như chết rồi là xong.
Im lặng một lát, Tư tiếp, giọng quả quyết:
- Em ra đây với anh là để làm vợ anh, và như người chồng, em để anh quyết định hết. Đi, em chết nhưng anh sống. Ở, hai đứa cùng chết chứ tụi nó không cho mình sống với nhau đâu...Em đi hay ở, là do anh, anh hiểu không!
Thẻo bưng mặt. Lát sau, nó ôm Tư, thầm thì:
- Bộ em không sợ chết sao!
- Không. Sống nhục thì thà chết.Nhưng em chẳng muốn xuống cõi âm mà là ma không chồng. Vì dzậy, em đi tìm anh... Hãy cho em thành đàn bà!
Vừa dứt lời, Tư ghì lấy Thẻo, mắt dại ra mê hoảng dưới ánh trăng xanh lớt. Hình ảnh Tư trưa nay ập về. Ra khỏi nước, Tư chạy lên triền cát. Tìm một gốc cây râm mát, Tư ngả người nằm, vồng ngực căng cứng, hai chân co lên, thân thể ướt nhẹp như bôi dầu dưới ánh mặt trời. Tư vừa vẫy vừa gọi Thẻo. Khi chạy tới nơi, Thẻo sững sờ nhìn hai tay Tư mở rộng đón mời. Nó ngồi xuống cạnh Tư, máu rần rật lên mặt, hạ bộ cương ra. Không chút kinh nghiệm, Thẻo luống cuống vụng về, hôn từ trên xuống dưới cái cơ thể đang oằn lên nhấp nhô bồng bềnh nhục dục. Hai đứa lăn từ triền xuống, người lấm trắng cát, dính vào nhau thành một, hổn hển thở.
Tư thì thầm:
- Đêm nay động phòng có ông Tơ bà Nguyệt chứng cho vợ chồng mình. Vậy nghen!
Nghe Tư tiếp tục thì thào kêu tên mình, Thẻo ngỡ ngàng như ai đó vừa nhắc đến một người lạ. Nó gỡ nhẹ tay Tư. Bây giờ, đầu nó rối bung cái chọn lựa Tư vừa nói. Chết một đứa thôi, đứa nào chết? Chết cả hai, chết thế nào? Thẻo buột miệng:
- Hay là tìm cách đi trốn...
Tư như tỉnh ra, nhìn trời thở dài, giọng ngao ngán:
- Hết sách rồi anh. Tụi nó vây mình như cá bỏ rọ, trốn đâu được!
Bần thần, Thẻo nhổm dậy bật miệng gào, Trời hỡi Trời, phải làm sao đây hả Trời. Đáp lại, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ. Tiếng gió vi vu lướt qua rặng mắm. Tiếng sóng dập dềnh ngoài khơi. Và tiếng Tư thút thít mơ hồ. Thẻo có cảm tưởng mình đang hóa ra một con giun. Giun mềm nhũn, chúi đầu chui vào đất, bất lực dưới gót chân bất cứ lúc nào cũng có thể giẵm lên giày xéo. Nó lại gào, lần này gào đến rách cổ, tiếng gào chới với theo gió bay vào tịch lặng. Tư sợ, níu Thẻo tựa hồ Thẻo sắp tan vào gió. Nó nức nở:
- Anh Thẻo ơi, anh Thẻo của em...
41
Trăng lưỡi liềm lơ lửng treo ngang đám mây rám bạc lững lờ trôi theo gió. Tuy đã lợp hai lớp lá chắn làm tường, gió vẫn thốc vào, và cái lạnh của biển dần dà ngấm buốt đến xương. Thẻo châm thêm củi, tiếng lửa nổ tí tách đệm vào khúc giao tấu của sóng, của gió, với muôn loài sinh vật tìm được sự sống trên mỏm cù lao lạc loài giữa muôn trùng xa khơi.Tư ngủ. Sau một ngày dao động đủ điều, nó thiếp đi, chân co, đầu rúc vào tay, nằm còng queo, thở phập phồng. Thẻo đắp lên mình Tư chiếc chăn dạ mang theo. Nhìn Tư, Thẻo thấy một nửa đời mình, cái nửa chịu đọa đầy. Nó lẳng lặng ngồi bên cạnh, tay vuốt đọn tóc Tư rơi ngang. Khi Tư mới từ Cần Thơ về, gặp Thẻo, nó nói ngay : “Đừng trách chi em, tóc cụt để ít ngày sẽ dài ra cho anh, nghe Thẻo!”. Nhưng từ khi đó, biết bao nhiêu chuyện đả xẩy ra. Đến tìm Tư để đi trốn, nó đã cầm con dao bầu gí vào cổ dì Sáu, và vẫn còn tự hỏi, có thể nào nó lia ngang để kết liễu đời một con người, dù cái con người đó đã đẩy nó vào cơ sự trớ trêu này?
Thẻo rút con dao bầu ra. Dưới ánh trăng, lưỡi dao sáng loáng, xanh rợn. Thẻo thầm nhủ, cái kỷ vật cha nó để lại chưa lấm máu, chắc hương hồn cha nó đã kéo tay nó lại, và lời cha về ba điều nhơn - trí- dũng lại văng vẳng. Nhưng nay, cứ như Sư dạy, ba điều này thì hai chẳng còn gì. Và cái dũng thời thế này chỉ có thể là lui về, ẩn sau, và không để mình giây bẩn. Chọn lựa Tư giành để nó quyết định mới khó làm sao. Sống nhục, Tư nói thà là chết. Nhưng nếu chết là trốn tránh, tất chết hèn, chết vì ích kỷ. Thẻo nhớ hôm Sư nói về cái chết của mẹ nó. Về chết có ích và chết vô ích. Giữa sống nhục và chết hèn, phải làm sao đây?
Tư ú ớ nói mê. Thẻo vén tóc Tư, cần cổ trắng ngần huyền hoặc dưới ánh trăng. Tay kia , vẫn con dao bầu sắng quắc. Thiệt dễ, Thẻo nghĩ, đâm vào thật nhanh, chắc Tư chẳng kịp đau đớn, đúng một chớp mắt đủ để Thẻo nói anh yêu em. Rồi đến lượt mình, Thẻo sẽ thọc vào ngực, phía trái, nơi quả tim nếu còn đập chỉ là đập những nỗi niềm oan khiên ngược ngạo. Hai cái xác này quạ sẽ rỉa cho đến khi chỉ còn hai bộ xương khô, Sư sẽ ra cù lao, đọc kinh Thủy Sám, đào mồ chôn cất. Bấy giờ, dì Sáu chẳng làm gì được. Chế Lềnh chẳng làm gì được. Bẩy Tới chẳng làm gì được. Và không một ai gặt hái được gì ngoài hai cái chết của Tư và Thẻo, hai cái chết tức tưởi có gió và mây ấn chứng.
- Anh ơi, lạnh quá!
Tư thều thào, giọng ngái ngủ. Nhưng đó là tiếng nói của một người sống. Cùa sự sống. Thẻo bàng hoàng, tự hỏi, lấy quyền gì nó có thể quyết định sống chết cho một người. Bụng quặn đau như ai đó thúc vào, Thẻo thở dài, vứt con dao bầu sang một bên, kéo thêm lá khô vào ủ, nằm xuống. Nó ôm Tư, sưởi cho Tư ấm bằng tất cả thân thể của một kẻ bất lực trước cái chọn lựa oái oăm mà Tư phó thác, sẵn sàng sống hay chết, một mình hay với nó, sau khi trở thành đàn bà. Thẻo mơ màng, lạc vào một cõi hư thực. Tư chạy, nó đuổi, và những con cua lên Bãi Bùng giơ còng múa may. Dân xóm Mũi đến chúc mừng đôi trẻ ngày tân hôn, đốt pháo hồng, rồi thả lên trời những con diều đủ sắc đủ mầu trên đề hai chữ cung hỉ. Sau, đến mùa tôm, mẻ nào mẻ nấy lúc nhúc, tôm cong đuôi nhẩy lách tách. Rồi đúng là dân giàu, nhà gạch mọc lên tựa cỏ dại, người người hò reo vui cười như Tết. Trẻ con thôi chăn vịt, thôi làm rẫy, làm vườn, đứa nào cũng sáng sáng cắp sách tới trường. Thiệt lạ, bé Út ôm con vịt tơ đi đầu, vừa đi vừa hô “xây dựng xã hội chủ nghĩa, sống nếp sống văn minh ”.
42
Tảng sáng, Thẻo tỉnh giấc khi gió lên. Gió hung bạo, đến từ tám hướng. Những cây đước vặn mình răng rắc chống trọi. Những cây mắm rạp xuống tránh né, có lúc quay tròn như múa một vũ khúc đệm bằng tiếng chim vỗ cánh tất tả bay về phía đất liền. Tư cũng ngồi dậy. Nó ngước mắt nhìn ra xa. Chân trời đục một mầu đen sạm của những cụm mây cuộn lại, vỡ ra, tứ tán . Thẻo đứng nhìn trời, trầm ngâm:
- Điệu này chắc bão lớn đó em!
Tư không ngờ là Thẻo lại nghĩ đến cái chọn lựa khiến nó trằn trọc khổ sở đêm qua. Cơn bão này có thể kéo dài. Tay trắng, làm cách nào trú ẩn trên cái cù lao nhỏ xíu không gì che chắn. Chẳng có lẽ ông Trời lấy quyết định giùm cho Thẻo? Nó nhìn Tư, chua xót nghĩ thầm, Tư còn trẻ măng, lại vẫn chưa thành đàn bà. Ngửng nhìn trời, Thẻo không nói chi. Lát sau, nó nghiến răng, giọng thình lình quyết liệt:
- Mình về thôi, Tư à!
Nước mắt chẩy quanh, Tư ấm ức:
- Anh quyết định dzậy sao?
Ôm lấy Tư đang run cầm cập, Thẻo đau đớn, nhưng rõ ràng:
- Thấy cái chết mà buông tay để chết cho xong, là chết hèn. So với sống nhục, chẳng hơn gì, em à! Em sống cho anh, nghe chưa!
Nắm tay Tư, Thẻo lôi về phía bờ cù lao. Kéo chiếc xuồng xuống nước, nó đỡ cho Tư lên, cắn răng gò mình lấy sức đẩy ra rồi co chân nhẩy lên. Không lòng dạ nào nhìn Tư, Thẻo quơ mái giầm, nhanh tay chèo. Tư khóc. Nó nghĩ, có lẽ nào nghe nó kể vì hai trăm đô và cái nhà dì Sáu hứa cho mà Thẻo đành lòng nuốt lời với nó là sống chết hai đứa có nhau? Về xóm Mũi, chắc chắn Tư phải lấy cái ông Tseng, kẻ đã vạch miệng Tư xem răng như khi người ta đi mua trâu, mua bò. Nhìn về phía chân trời, mây đen ngòm ngòm. Vẫn gió, lúc càng hung bạo, bốc nước lên thành những cái cột cao hàng dăm ba mét. Tư thở dài, chua cay:
- Trời cũng như người, nổi điên hết rồi!
Thẻo vẫn nghiến răng chèo, không đáp. Nó vẫn chẳng dám nhìn thẳng mặt Tư, chỉ sợ nhìn rồi nhụt lòng đổi ý, chèo ngược ra khơi, lao vào những cột nước xoáy vòng hút cả nó lẫn Tư vào đáy biển.
Hàng giờ sau, bờ Đất Mũi hiện ra trong tầm mắt. Thẻo thở phào, quệt mồ hôi, tay mỏi nhừ như bị dần. Bấy giờ, nó ngước nhìn trời, thầm nhủ, vậy là sống rồi. Nó ngơi tay chèo, nước đẩy, chiếc xuồng từ từ cặp vào bờ. Lấy can đảm, Thẻo nhìn Tư, giọng trầm hẳn xuống, dịu dàng :
- Bữa qua em ra, anh đã tính hôm nay kết cho em một vòng hoa Tinh Khôi. Hoa là hoa dại, mọc giữa cù lao, trắng muốt, thơm hơn hoa lài. Tên Tinh Khôi là tên anh đặt, nhớ có bữa thầy đọc kinh Kim Cương, dậy rằng cái gì là tinh khôi thì không mà có, có mà không... Nhưng em coi, gió như sáng nay, anh chắc hoa đã tơi tả hết, nên đành nợ em một vòng hoa, có kiếp sau thì anh sẽ trả... Thôi, em lên bờ đi!
Tư quay mặt, nức lên khóc. Lát sau, Tư nghẹn ngào, cay độc:
- Anh cũng lên lãnh hai trăm đô với cái nhà đi...
Nói xong, Tư nhẩy khỏi xuồng, ngược con dốc cắm đầu chạy lên bờ.
Người đầu tiên Tư thấy là chị Hai nó ngồi ôm bé Dũng triền bên kia con dốc. Chị cuống quít vẫy Tư. Khi Tư đến gần, chị hớt hải:
- Thẻo đâu? Tụi nó rình trên bờ, thấy thằng Thẻo là bắt, đợi làm lễ thành hôn cho em và ông Tầu xong mới thả. Ổng sẽ tới chiều nay, đòi cưới ngày mai và đưa Tư lên Cần Thơ liền. Chị nghỉ kỹ rồi...
Tư ngước lên, nước mắt chan hòa.
- ...Chị nghĩ em đừng vì bé Dũng con chị cần tương lai, hay du học này nọ mà hy sinh. Dì nó mà bán mình nuôi nó thì mới sanh ra nó đã sống nhục, lớn lên chỉ có thể là sâu bọ chớ làm người chi đặng...Nhưng thằng Thẻo đâu? - chị dáo dác nhìn quanh.
Tư chỉ tay xuống bờ. Khi đó, tiếng người lao xao văng vẳng. Chị Hai hớt hải kêu “Chắc tụi nó đó!”. Hai chị em chạy vội lên đầu dốc. Nhìn ra biển, Tư hiểu ra, thất thanh gào:
- Anh Thẻo ơi, quay lại đi!
Khi đó, chiếc xuồng con chỉ còn là một cái chấm đang xông vào những cột nước xoáy đang cao dần. Tư biết mình đã nói oan cho Thẻo. Và không nhìn lại, Tư lao xuống dốc, lội ra biển.
Từ đó, bắt đầu một huyền thoại.
Vì chỉ có hai con đường, và phải chọn một.
_________________________________________________________________
Bạt về một huyền thoại
… Ngày xưa, có một thằng nhỏ tên Thẻo, vào chùa mài dao. Trước khi dao sắc, Thẻo chỉ là một người bình thường, rất bình thường…Nó thương một giọng hò và yêu người con gái hò những câu hò mộc mạc đầy ắp nghĩa tình. Người con gái đó, tên Tư, buộc phải bỏ ruộng đồng lên thành phố. Những câu hò chất phác bắt phải hội nhập vào phồn hoa đô hội chát phấn bôi son trong cuộc phấn đấu cộng sinh ngày một kịch liệt. Cuộc cộng sinh này có nguy cơ thành phế phẩm của mọi niềm tuyệt vọng khiến sống là một tội lỗi. Tội lỗi với xã hội giữa người với người, một xã hội có cái gì - khác đi - và nằm ngoài - quan hệ hàng hoá trong diễn biến toàn cầu của một thế giới đang chuyển động về mức tận cùng mọi lịch sử, mức tận kiệt của mọi động thái tiến hóa.
Huyền tích về những trang hiệp sĩ từ Đông sang Tây đều kể lại những tấm gương thế thiên hành đạo. Hiệp sĩ thời nay, đúng truyền thống, sẽ là phải kẻ gây ra cái chết của tất cả những cuộc sống vô tình. Chết, bởi sống vô tình là tội lỗi. Là sống nhục. Vì thế, chết có thể là giải thoát. Nhưng chỉ chết cho mình, là chết hèn. Mài dao, dao rồi sắc, nhưng tuyệt vọng, Thẻo chẳng thể đâm chém bất cứ ai, kể cả người yêu đã sẵn sàng cùng sống cùng chết. Chỉ còn sức tự xử, nó xông ra khơi khi giông cao bão cả, để thân xác vỡ vụn lắng xuống đáy nước, kết thành một con trai biển. Người con gái tên Tư không kịp cất tiếng hò một lần cuối, cũng lao ra khơi, khóc để từ đấy trai thành trai ngọc, lòng đơm những hạt long lanh nước mắt con gái ngày vu quy, đánh dấu một thời bằng huyền thoại.
Một thời lẽ ra không cần huyền thoại.
Nam Dao
Quebec 2-11-2008
Puerto Vaillarta 21- 2 – 2009