ChamPhayChuThua

"Chấm- phẩy" và chữ thừa

Bước vào "nghề" viết văn, ta nên quan tâm tới 2 điều.

1/ Nghệ thuật sử dụng "chấm-phẩy". Vì sao ? Vì cấu trúc tiếng Việt dễ bị lỏng lẻo, hàm hồ. Dùng làm thơ thì tuyệt. Muốn trình bày chính xác ý tưởng của mình hay của người khác, rườm rà hết sức. Khéo sử dụng "chấm-phẩy" giúp ta giải quyết phần nào giới hạn này, khiến câu văn rõ ràng, mạch lạc và trong sáng.

"Chấm-phẩy" là một nhân tố cơ bản sáng tạo văn phong. Như khoảnh khắc im lặng trong nhạc với những "nội dung", cảm xúc phong phú của nó. Đó là một hình-thái nhục-cảm xuyên qua thời gian, sẽ tự-hiện-thực qua quá trình đọc của độc giả.

Rất ít nhà văn biết sử dụng những dấu chấm câu thật sáng giá, biết nâng kỹ thuật viết văn lên nghệ thuật hành-văn. Thuở còn non, tôi được đọc một quyển sách hơn 600 trang về nghệ thuật sử dụng những dấu chấm câu của các tác giả lớn trong văn chương PhuLăngXa đủ thể loại. Mê hồn.

2/ Vứt bớt chữ thừa tuy chẳng thể nào dọn sạch được đâu. Với tôi, đó là thái độ tôn trọng độc giả. Đọc một quyển sách độ 200 trang là đã phải ngốn trên dưới 100.000 từ ! Chết người ta... Búa quá nhiều chữ thừa chỉ để cho câu văn êm ả, dễ nuốt, sẽ làm loãng khả năng cảm nhận và tập trung tư tưởng của độc giả, thế thôi. Ai đã từng dịch văn Việt Nam qua tiếng Pháp thì biết hiện tượng này kinh hoàng đến thế nào. Dịch "thủy chung" 100% ắt thọc tiết tác giả !

Dĩ nhiên, có lúc ta viết như thế điều ấy cần thiết cho mục đích ta đeo đuổi qua văn phong ta đang vận dụng, đặc biệt là trong những đối thoại hay khi ngôi kể chuyện là nhân vật có phong cách ăn nói như thế. Nhưng nên viết một cách có ý thức để thừa… vừa đủ thôi.

Hai chuyện này không khó khăn cho lắm. Cứ viết vài trăm trang với sự quan tâm ấy thì thành nếp. Thành nếp rồi vẫn phải… quan tâm, vì quán tính của ngôn ngữ đã ghim sâu trong tiềm-thức của ta từ thời thơ ấu qua âm nhạc điệu của tiếng Việt, qua cách ăn nói của người Việt, khó mà dẹp được. Cải tạo và nâng cao ngôn ngữ của một nền văn hoá quả là chuyện đội đá vá trời. Nhưng vẫn cứ phải làm, ít nhất là đối với ai có hoài bão trở thành nhà văn.

2008-03-15