TuDuyLaMotHanhTrinh

Tư duy là một hành trình tự phủ định

Cuộc đời run rủi khiến ở tuổi 20 tôi tiếp thu, chịu ảnh hưởng của một số triết gia Tây Âu, đối đầu với những mâu thuẫn tư tưởng giữa họ, tự giam mình trong những mâu thuẫn đó, không tiếp cận được bất cứ kiến thức nào, kể cả kiến thức chuyên môn của tôi là tin học, một cách bình thường, yên ả, không làm được điều gì mà không bị tư duy khập khễnh của tôi ám ảnh.

Cuộc đời run rủi khiến tôi bước qua tuổi hơn 40, dịch văn chương Việt Nam qua tiếng Pháp, viết văn, viết về văn học lúc tiếng Việt, lúc tiếng Pháp. Trong quá trình ấy, có lúc tôi linh cảm lờ mờ đôi điều trực tiếp liên quan tới những mâu thuẫn triết học kia.

Cuộc đời run rủi khiến một hôm tôi phải "xoá sổ" kiến thức của mình, xem xét lại từ đầu những hiểu biết cũng như cách suy luận của mình, viết quyển Penser librement, giải phóng cái đầu của mình. Qua đó tôi hiểu : muốn tư duy tự do phải phủ định chính mình.

Sau, có dịp đọc lại những bài vở cũ, tôi phát hiện : nhiều ý kết tinh thành lý luận trong quyển Penser librement đã có mầm trong những bài vở ấy, đôi khi qua những câu văn có thể coi như dịch y nguyên từ tiếng Việt. Tôi trợt hiểu : tư duy tự do là một quá trình tự phủ định.

Nay tôi đăng tập trung, theo thứ tự thời gian, những bài liên hệ trực tiếp với triết học. Chúng cho ta thấy quá trình hình thành, vận động, biến đổi của một tư duy. Biết đâu có độc giả quan tâm tới khía cạnh này trong thân phận làm người.

Vì thế, tuy tôi có sửa chút đỉnh một vài nơi, tôi không sửa nội dung, dù nếu hôm nay tôi phải viết lại một số ý, tôi sẽ viết khác một tí cho thống nhất với tư duy hiện nay của tôi. Có khái niệm được biểu đạt bằng những ngôn từ khác nhau qua năm tháng, tôi cũng để nguyên. Điều ấy cho thấy sự bối rối về ngôn từ của tôi khi phải "dịch" những khái niệm triết của Tây Âu qua tiếng Việt. Có lẽ chuyện này chỉ giải quyết được sau khi ta xây dựng được những bộ thuật ngữ triết nhất quán đối với từng hệ suy luận. Nhưng ta không thể làm được chuyện ấy khi ta chưa biết tư duy tự do : ta chỉ có khả năng hiểu người khác khi ta đã có khả năng hiểu chính mình.