Tỉnh ngộ

 

Tỉnh ngộ

Con đường vào địa ngục

 

 

 

Như ta biết, địa ngục không ở dưới âm phủ. Nó ở tại trần gian. Chẳng mấy ai biết đường tới. Người đã đi tới nơi thường không trở lại. Có những con đường có đi, không có về : đường đời. Khi nẻo đường quá dài, quá quanh co, mờ mịt, khi vốn sống đã cạn và hơi thở chỉ còn thoi thóp, địa ngục là trạm nghỉ chân cuối cùng trước cửa âm phủ.

Tỉnh ngộ, tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lộc tả cuộc hành trình của một thanh niên Việt Nam trên con đường đó. Một người con trai bình thường, xong đại học, về một huyện bình thường công tác văn hoá. Rồi bình thường hoà mình với xã hội, với lối suy nghĩ, làm ăn, với phong cách đối xử khôn khéo, đểu giả trong cuộc sống thường ngày. Bình thường lấy cô giáo viên, con vị trưởng phòng văn hoá. Bình thường sanh con đẻ cái. Bình thường được kết nạp vào Ðảng, thăng chức trưởng phòng tổ chức, ngóng chức phó chủ tịch. Rồi bình thường thấy mình đã lọt vào địa ngục từ lúc nào không hay, phát điên. Lúc tỉnh lại, đã quá muộn : không ai sống ngược dòng đời được.

Con đường đi vào địa ngục ở Việt Nam không có bom đạn, không có xương chất thành núi, máu đổ thành sông. Nó khủng khiếp hơn nhiều : nó êm dịu, nhẹ nhàng, hài hoà, đầy tình, đầy lý, nó là con đường bình thường của những cuộc sống bình thường. Cứ tự nhiên mà tới. Vì đây là một xã hội đang trong quá trình phi nhân hoá. Nhân loại đang đứng trước hai đại họa. Chiến tranh hạt nhân và sự hủy diệt nhân tính. Nguy cơ của chiến tranh hạt nhân là có thật nhưng chưa xẩy ra. Còn quá trình xói mòn đạo đức và mai một nhân tính đã diễn ra và đang lan rộng hình như ở đâu cũng có. Trong xã hội đó, không có chỗ đứng cho những người lương thiện mà thiếu chí khí : muốn làm người phải trả giá quá đắt, sống cũng phải dũng cảm, yêu cũng phải dũng cảm. Chỉ một thoáng thoả hiệp ắt lún bùn. Bằng lún dần vào địa ngục vì Bằng chỉ là một con người lương thiện bình thường và cái bình thường ấy là sự bất bình thường trong xã hội.

Tỉnh ngộ là một quyển sách tàn nhẫn. Không tàn nhẫn ở những cảnh hà hiếp, tham nhũng, bóc lột, ở sự lừa lọc nhau. Tàn nhẫn ở sự giả dối với chính mình. Con đường đi vào địa ngục là con đường mỗi người tự chọn. Ðã tự chọn, không thể không biết mình đang đi về đâu. Tới mỗi ngã ba đường Bằng đều ý thức hay linh cảm điều đó, và tiếp tục đi cho đến ngõ cụt : không gì khủng khiếp hơn tự do. Cơn điên của Bằng chỉ là một sự lẩn trốn cuối cùng, tuyệt vọng. Giây phút Bằng ý thức mình đã già, cung cách, suy nghĩ y hệt các vị quyền lực trong huyện, trong xã, thật ghê rợn : họ già, đã đành, nhưng trước đó họ đã từng trẻ, đã từng vác súng vá trời ; còn mình, chưa tới bốn mươi tuổi mà chỉ còn là quá khứ vàng vọt, mục nát của họ. Có gì đau đớn, tàn nhẫn hơn : quá khứ anh hùng của một lớp người thắt cổ tương lai của một thế hệ ?

Trong Tỉnh ngộ chỉ có hai nhân vật chân thành, dũng cảm, đều là nữ, một người dũng cảm kiểu truyền thống, vợ Bằng, và một người dũng cảm kiểu mới, Minh Tâm. Họ chỉ giống nhau ở một điểm : tin, đòi và đấu tranh cho hạnh phúc của mình và người thân. Cảnh vợ Bằng chữa bệnh điên cho chồng rồi chết, thật bất ngờ, thật đẹp, là mấy trang viết đạt nhất. Cảnh chia tay giữa Minh TâmBằng kết thúc cuộc hành trình khốn nạn một cách cô đọng :

– Xin vĩnh biệt anh và cái xóm ếch của anh.

Bằng hỏi :

– Anh Hoán đã vào trong đó rồi phải không ?

– Cả anh Luân nữa. Minh Tâm nói thêm.

– Thế là Nàng Hoa theo Long Vương ra biển mất rồi.

– Ðể lấy lại những cái gì mình đã mất. Trước đây trong chiến tranh người ta nói : nỗi khổ này không phải của riêng ai. Hôm nay em có thể lớn tiếng đòi : Hạnh phúc cũng chẳng phải của riêng ai.

Bằng rầu rĩ :

– Ước gì anh được tự do như em.

Minh Tâm cười ái ngại :

– Anh bán mất rồi còn đâu nữa. Phải cái giá quá rẻ.

Ngay thẳng, gay gắt, trìu mến. Nụ cười ái ngại ấy là tình người. Phải thiết tha hạnh phúc mới có được.

Quốc huy của Việt Nam có : Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc. Ngày xưa ta hiểu : mất độc lập, đừng hòng tự do, và hạnh phúc, nếu có, cũng chỉ là hạnh phúc của những đời nô lệ. Ngày nay, không lẽ chỉ có phụ nữ mới tin ở hạnh phúc, mới hiểu : đòi quyền hạnh phúc, quyền làm người lương thiện bình thường, quyền sống bình thường, là đấu tranh cho tự do, bảo vệ độc lập.

Trần Đạo

1990