Giữa tháng Chín- nhật ký dịch Sz

 

Tại sao mày muốn dịch thơ Szabó Lõrinc ?

 

Tại sao mày muốn dịch tập thơ NĂM THỨ HAI MƯƠI SÁU của Szabó Lõrinc?

vừa run rẩy vừa sợ hãi vừa khao khát…

tối nay nó tìm kiếm và chụp lại toàn bộ 120 bản sonett  trong tập thơ này.

sẽ đọc thật kỹ, hiểu và dịch.

Nó đã ngửi thấy mùi chết chóc của tình yêu vĩnh cửu trong tập thơ này.

nó đã ngập ngừng trước linh cảm chia xẻ của vĩnh viễn chia ly tâm hồn người với nhau…

nó cảm thấy sợ hãi, vì thừa biết nó đủ khả năng yêu như thế

sợ hãi vì sợ sẽ yêu như thế, nghĩa là sẽ giết chết một ai đấy, hoặc chỉ bản thân nó hoặc người nó yêu, vì nếu đọc, hiểu và dịch được, nó sẽ đi hết tâm hồn…

sợ hãi, nhưng lại muốn dịch: vì cái Đẹp vẫy gọi, cái đau vẫy gọi, tình yêu vẫy gọi…

không thể sống lờ mờ vật vờ như thế này mãi được.

trước khi chết phải hấp hối…

hoặc ĐỪNG bắt đầu nữa?

NÀO! DẤN BƯỚC ĐI, TIM ƠI! (2010.09.19)

 

Hôm nay đọc nhiều, làm việc nhiều, từ sáng sớm đã cặm cụi, đói không thể tả mới đứng dậy đi tìm cái ăn. Rồi tỉnh táo, bắt đầu bỏ tất cả sang một bên, đọc Szabó Lõrinc và bắt đầu dịch.

                  BẰNG VIỄN TƯỞNG VIỂN VÔNG CỦA EM

                                               ( bản sonett 3)

Bài thơ này: trước tiên là cảm giác cô độc-gấp đôi cô độc- cùng lúc tác giả hòa quện với một tâm hồn đồng điệu khác, bằng sự quen thuộc thập kỷ của tình tri kỷ xẻ chia.

Đến mức như thể LÀ một mình. Và đúng là luôn luôn một mình. Dù rất hiểu người khác: em cũng chính là anh, sự hoang tưởng đoàn tụ này!

Bản chất của tình yêu vĩnh cửu: không chia xẻ được, chỉ có thể là Một. Đúng bằng sự cô đọng âu yếm của TÌNH YÊU.( 2010.09.20)

 

Tối không làm được gì hết. Trước khi chui vào giường, sửa lại bản dịch bắt đầu trước bữa chiều. Bản sonett thứ 7( khúc ca ngắn thứ 7) này chỉ ra bản chất của sự sống:  những ảo vọng chập chờn giữa ranh giới thực hư của tình cảm người, chỉ là ánh hào quang thoảng qua của hạnh phúc truy tìm mục đích. Với đồng loại. Của nỗ lực cô độc hành động người. (2010.09.20)

                         MẶT GƯƠNG ĐIÊN

                           (Bản sonett số 7)

Cả ngày hôm nay trên đường, tối về vừa ăn vừa đọc, và sau cùng ngồi dịch.

 

khúc sonett này bao la như một khoảng trời đất - không gian thượng đế dành riêng cho tình cảm con người, khi „chót” nhìn thấy và phải lòng lẫn nhau. Giây phút định mệnh.

 

Chỉ sự đồng điệu về tâm hồn bất diệt có ý nghĩa cứu vớt khoảnh khắc cùng tồn tại này khi Khắp nơi Không ở đâu cả!Khi cùng lúc xuất hiện cả Anh và Em, để sẽ đến lúc Không còn ai nữa.

 

Sự sống đồng nghĩa cùng lúc với cái chết vì thế. Yêu là hiến dâng vì thế. Cháy trụi để còn lại vết tích vĩnh viễn vì thế.  Con người- ngọn lửa của khát khao thể hiện cái Đẹp –  Hư vô.

(2010.09.21)

                              EM Ở KHẮP MỌI NƠI

                                    ( sonett số 9)

Hôm nay lang thang trong nắng thu vàng bao bọc thành Budapest. Đẹp đến nghẹn thở: mặt nước Duna lấp lánh vảy cá,  nắng vàng ươm, cung điện Buda diễm lệ khoe duyên dáng cùng cao vút tháp chuông nhà thờ, nhà quốc hội dát vàng lóng lánh soi mình xuống mặt sông êm ả.

 

dòng người cuồn cuộn tung trải đi các nẻo đường. Có bao nhiêu khuôn mặt tang Szabó Lõrinc trong đám người đó?

 

Không, dưới nắng vàng ấm áp và gió thơm lùa mái tóc, chỉ có sự sống ca hát. Ban ngày. Dưới âu yếm của nụ hôn thần mặt trời. Tang chỉ đến khi niềm vui sự sống này đi vắng.

 

Lúc nào vắng và lúc nào hội tụ đây: Tang và Sức sống?

 

Chúng quện vào nhau, quấn quýt, vẹn toàn,  cân đối: tang và sức sống. Tồn tại và cái chết.

làm nên Anh và Em- sướng vui buồn tủi-nhớ thương và hạnh phúc.

làm nên mối tình chúng mình.

có phải thế không?

 

Tối về, dịch tiếp.

 

Bản sonett 19 này là mảng hiện sinh tỉnh táo của một người Tình già mất bạn: ký ức là nỗi đau khi nhận ra sức sống tràn trề ngập ngụa của đời bao vây quanh mình. Mình cũng đã mất khi Bạn mất.

 

Hỡi ơi, quý báu làm sao phút vẫn còn được âu yếm gọi nhau: Mình-Ta.

 

Dịch đến bản này bắt đầu hiểu lý thuyết thơ sonett mà lãng tử CP giảng giải: đúng, quan trọng nhất của khổ thơ 4+4+3+3 là nhịp điệu dồn dập cô đọng âm tiết. Trong từ điển có ghi: sonett bắt đầu và phát triển rực rỡ nhất vào thời trung cổ khi bày tỏ tâm tình người được coi là trọng tâm của hình thức thơ châu Âu rực rỡ này.

 

Tối nay dịch một bài thơ tang mà thấy lòng không nặng trĩu.

 

cán cân sự sống đang nghiêng nặng về phía tình yêu trong tôi!!!!!!!!!!!!

(2010.09.22)

                                HAI MƯƠI HAI TUỔI  

                                            ( sonett 19 )